Là cây bút vàng của sân khấu kịch Việt Nam, tên tuổi của Lưu Quang Vũ gắn với nhiều những vở kịch nổi tiếng gây xôn xao dư luận cũng như sân khấu Việt Nam thời kì ấy như Hồn Trương Ba, da hàng thịt (1984), Tôi và chúng ta (1985), Điều không thể mất (1988),... Tính hiện đại và tính thời sự là điểm nổi bật trong kịch của Lưu Quang Vũ. Kịch ông hấp dẫn chủ yếu không phải bằng xung đột xã hội gay gắt mà bằng xung đột trong cách sống và trong quan niệm sống, qua đó khẳng định khát vọng hoàn thiện cuộc sống, hoàn thiện con người. Ngôn ngữ trau chuốt, gợi cảm, có chiều sâu cũng là một đặc điểm và thế mạnh của nhà viết kịch kiêm nhà thơ này. Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vở kịch xuất sắc nhất của Lưu Quang Vũ. Vở kịch được hiện đại hóa trên một cốt truyện dân gian, từ một hư cấu sáng tạo ông đã đặt ra nhiều vấn đề tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc. Đoạn trích thuộc cảnh VII và đoạn kết của vở kịch, khi mâu thuẫn kịch được đẩy lên cao trào để giải quyết. Qua đó, Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm những triết lí sâu sắc về mối quan hệ giữa thể xác và linh hồn của con người, rộng hơn là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong đời sống.
Trương Ba bị chết một cách oan uổng do sự vô tâm, tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu trên thiên đình. Vì tiếc tài của ông nên Đế Thích - .một vị tiên cờ trên trời muốn cho ông được sống lại, bèn tìm cách nhập hồn ông vào xác anh hàng thịt vừa mới chết. Nghịch cảnh đã xảy ra khi một linh hồn nhân hậu, trong sạch, ngay thẳng nay lại phải sống nhờ, lệ thuộc vào thân xác của anh hàng thịt, đã không sai khiến được lại còn bị xác thịt điều khiển, dẫn đến linh hồn bị nhiễm độc bởi những cái tầm thường của xác như thèm ăn ngon, thèm rượu thịt,... Ý thức được điều đó, hồn Trương Ba dằn vặt, đau khổ, quyết định tách ra khỏi thân xác để sống độc lập, hướng tới sự hoàn thiện nhân cách.
Lúc đầu, hồn Trương Ba tỏ vẻ coi khinh xác hàng thịt: Mày không có tiếng nói mà chỉ là cái xác thịt âm u, đui mù. Nhưng xác hàng thịt đã cười nhạo, chế giễu, bác lại lời hồn Trương Ba. Xác hàng thịt khẳng định, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của mình: Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn. Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn ngắm trời đất, cây cối, người thân... Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi... Còn hồn Trương Ba lại phủ nhận vai trò của thể xác mà khẳng định sự thanh sạch của tâm hồn khác xa với những thủ tục thấp hèn khác: Mày chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc [...] Hoặc nếu có, thì chỉ là những thứ thấp kém, mà bất cứ con thú nào cũng có được: thèm ăn ngon, thèm rượu thịt; Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn... Lí lẽ của đôi bên đưa ra có những điểm đúng đắn khó bề bác bỏ khiến việc thắng bại không thể nào giải quyết được một cách nhanh chóng, đơn giản. Trước những lí lẽ thật ti tiện của xác hàng thịt, hồn Trương Ba nổi giận mắng mỏ, khinh bỉ xác hàng thịt hèn hạ và cố chống lại nhưng phần nào cũng ngậm ngùi vì hắn có lí, hồn Trương Ba bị dồn và thế yếu. Thấm thía nghịch cảnh, hồn Trương Ba lại nhập trở lại xác anh hàng thịt trong sự tuyệt vọng. Vậy là Trương Ba đã được trả lại cuộc sống nhưng đó lại là một cuộc sống không đáng sống vì cái thanh cao phải dung hòa với cái thấp hèn, dung tục. Đây chính là một bi kịch rất đau đớn của một con người.
Trương Ba càng dằn vặt hơn khi ông hiểu những gì mình đã, đang và sẽ gây ra những điều tệ hại, mặc dù ông không hề muốn. Ngược lại, những người thân: vợ, con dâu, cháu gái cũng đau khổ trước sự tha hóa của Trương Ba. Vợ Trương Ba buồn bã, đau khổ vì ông đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa, nhưng vốn bản tính vị tha nên định bỏ đi, nhường Trương Ba cho vợ anh hàng thịt. Cái Gái - cháu nội ông thì giờ một mực không nhận ông: Tôi không phải là cháu ông và ông nội tôi chết rồi. Trước đây, cái Gái yêu quý ông biết bao nhiêu thì giờ đây nó không thể chấp nhận cái con người có bàn tay giết, lợn, bàn chân to bè như cái xẻng đã làm gãy tiệt cái chồi non và giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm trong mảnh vườn của ông nội nó. Với nó, ông nội đời nào thô lỗ, phũ phàng như vậy. Nỗi giận dữ của cái Gái đã biến thành sự xua đuổi quyết liệt: Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi! Còn chị con dâu là người sâu sắc, chín chắn, hiểu điều hơn lẽ thiệt. Chị cảm thấy thương bố chồng trong tình cảnh trớ trêu. Chị biết ông khổ lắm, khổ hơn xưa nhiều lắm. Nhưng nỗi buồn đau trước tình cảnh gia đình như sắp tan hoang ra cả khiến chị không thể bấm bụng mà‘đau, chị đã thốt thành lời cái nỗi đau đó: Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm,
. bởi con cảm thấy, đau đớn thấy... mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa... Tất cả mọi người thân yêu đã dần xa ông vì hồn ông đã bị mờ khuất, chỉ còn xác hàng thịt thô lỗ hiện hữu trong nhà, gây ra biết bao phiền toái. Trương Ba bị dồn đẩy vào một bi kịch nữa cũng rất đau đớn và phải thốt lên: Mày đã thắng rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ! Xung đột kịch đẩy đến cao trào khiến hồn Trương Ba như thách thức với xác hàng thịt một cách gay gắt, quyết liệt: Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!
Sự đau khổ của những người thân đã dồn Trương Ba vào trạng thái đau khổ tột đỉnh và quyết định nhanh chóng lấy hương châm lửa gọi Đế Thích để xin được thoát ra khỏi thể xác tầm thường. Gặp lại Đế Thích, Trương Ba thể hiện thái độ kiên quyết từ chối, không chấp nhận cuộc sống hồn một nơi, xác một nẻo,, khẳng định muốn sống độc lập của mình: Ông tưởng tôi ham sống lắm hay sao ? Nhưng sống thế này, còn khổ hơn là chết. Lúc đầu Đế Thích không hiểu, sau hiểu ra, Đế Thích khuyên Trương Ba nên chấp nhận vì thế giới vốn không toàn vẹn: Dưới đất, trên trời đều thế cả. Nhưng trước lời thuyết phục của Đế Thích nhưng Trương Ba đã kiên quyết từ chối: ơ đâu cũng được, chứ không ở đây nữa! Tôi muốn được là tôi toàn vẹn. Tiếp tục Đế Thích sửa sai của mình bằng cách là cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị nhưng chính tình cảm thương yêu với một em bé chưa bắt đầu cuộc đời và sự cảm thông sâu sắc với một bà mẹ mất con nên Trương Ba đã cầu xin Đế Thích cho cu Tị được sống lại: Tôi không thể cướp cái thân thể non nớt của cu Tị. [...] Ông hãy đưa hồn cu Tị về nhập lại vào xác nó, cho nó được sống lại [...] Ông hãy cứu nó! Ông phải cứu nó! [...] Theo ông, việc đó chỉ có lợi cho đám chức sắc lí trưởng, trương tuần. Lí lẽ duy nhất của ông là không thể sống với bất cứ giá nào được. Sau khi nghe những lời thống thiết của Trương Ba thì Đế Thích đã vì lòng quý mến ông, tôi sẽ làm cu Tị sống lại, dù có bị phạt nặng. Hành động này thể hiện rõ nét nhất quan niệm sống của Trương Ba, đồng thời cũng khẳng định nhân cách cao thượng của ông và tư tưởng nhân văn cao cả của tác phẩm.
Khi Trương Ba đã lựa chọn đúng đắn là trả lại thân xác cho anh hàng thịt và mình sẽ chấp nhận cái chết vĩnh viễn thì Trương Ba lại trở về với con người trước kia: Lạ thật, từ lúc tôi có đủ can đảm đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa. Trương Ba ra đi với mong ước mọi người sẽ nhớ tới mình đúng như Trương Ba của ngày xưa, với niềm tin sự sống vẫn tiếp tục và những điều tốt đẹp sẽ nảy mầm, sinh sôi, đâm hoa kết trái trên cõi đời này. Và đúng là Trương Ba đã ra đi nhưng cái chết ấy lại là bắt đầu của sự bất tử hình ảnh Trương Ba, lẽ sống cao đẹp của Trương Ba: Tôi đây bà ạ. Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà rẫy cỏ... Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu... Đoạn kết đầy chất thơ và có dư ba với hình ảnh của sự sống vẫn nảy nở và sự bất tử của linh hồn trong sự sống, trong lòng người.
Qua bi kịch của hồn Trương Ba, Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm đến người đọc những suy ngẫm hết sức sâu sắc. Con người ta có hai phần làm nên mình đó là linh hồn và thể xác. Con người không thể chỉ sống bằng thể xác, thể xác và linh hồn có quan hệ hữu cơ với nhau. Thể xác có tính độc lập tương đối, có tiếng nói của nó, có khả năng tác động vào linh hồn. Vì vậy, linh hồn phải kiểm soát những nhu cầu của thể xác, cần điều chỉnh nó chứ không thể phớt lờ nó cũng như không thế để mặc nó rồi đổ hết trách nhiệm cho nó. Trong con người, phải luôn có sự đấu tranh giữa linh hồn và thể xác, nhất là khi bị hoàn cảnh tác động. Đó là cuộc đấu tranh để làm chủ bản thân và hoàn thiện nhân cách. Vấn đề quan hệ giữa linh hồn và thể xác lại làm ta liên tưởng đến nội dung và hình thức trong đời sống. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác, giữa nội dung và hình thức là hai phạm trù không đồng nhất, không thể suy cái này ra cái kia. Từ sự không đồng nhất, không tách rời, thậm chí đối lập giữa linh hồn và thể xác trong vở kịch, ta có thể liên tưởng đến sự thống nhất cần có giữa nội dung và hình thức là hai mặt của thực tại tự nhiên và xã hội. Khi nội dung và hình thức phù hợp với nhau thì sự vật tồn tại và phát triển. Khi nội dung và hình thức không phù hợp với nhau thì sự phát triển bị kìm hãm, thậm chí sự tồn tại của sự vật còn bị đe dọa.
Qua đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ đã gửi tới người đọc thông điệp vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa mạnh mẽ vừa quyết liệt, vừa kín đáo vừa sâu sắc về mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác cũng như hình thức và nội dung trong mỗi sự vật. Hình thức và phương tiện để biểu hiện nội dung song nội dung lại đóng vai trò chủ đạo, quyết định. Và như vậy, cần phải có sự thống nhất giữa nội dung và hình thức là hai mặt của tự nhiên và xã hội, cũng như con người phải có sự hài hòa giữa linh hồn với thể xác.