Có nhận định cho rằng: Văn học trong giai đoạn 1945 - 1975 luôn đan xen hài hòa tình yêu đất nước và tình yêu lứa đôi, bởi vậy nó đã tạo nên tình yêu cao đẹp của con người Việt Nam. Anh (chị) hãy phân tích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm và Sóng của Xuân Quỳnh để làm sáng rõ nhận định trên.
Tình yêu, đó là một chủ đề muôn thuở trong thơ ca, văn học. Đã có biết bao nhà thơ, nhà văn viết về đề tài này nhưng ở mỗi tác phẩm ta lại bắt gặp một nét mới lạ, một cảm nhận riêng tư. Nổi bật trong mảng thơ về tình yêu là tình yêu đất nước với đất nước và tình yêu lứa đôi. Văn học giai đoạn 1945 - 1975 đã thể hiện sự đan xen, kết hợp hài hòa hai tình yêu này. Đoạn trích Đất Nước trích trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm và Sóng của Xuân Quỳnh là hai bài thơ thể hiện rõ sự kết hợp hài hòa hai tình yêu thiêng liêng đó trong mỗi con người Việt Nam.
Trường ca Mặt đường khát vọng được Nguyễn Khoa Điềm viết năm 1971 để thức tỉnh thanh niên miền Nam xuống đường tranh đấu cùng với phong trào chung của cả nước. Đoạn trích Đất Nước thể hiện nhận thức màu sắc của tác giả về đất nước. Qua đó ta thấy được tình yêu lớn đó là tình yêu riêng tư, tình cảm lứa đôi. Trong ánh mắt của anh cử nhân văn khoa hai mươi tám tuổi Nguyễn Khoa Điềm, đất nước hiện lên như một điều gì đó rất gần gũi, rất quen thuộc. Vâng, đất nước đến với chúng ta từ khi còn rất nhỏ, đó là những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể. Đất nước đã có trong trẻ thơ với những cô Tấm từ quả thị xé vỏ ra làm chuyện bất ngờ, Mai An Tiêm với dưa hấu đỏ,... Đất nước hiện hữu với miếng trầu của bà, với lũy tre trước cửa:
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.
Đất nước đã có từ rất lâu, từ lúc nào chẳng ai còn nhớ rõ. Nguyễn Khoa Điềm đã lí giải đất nước từ những câu chuyện cổ tích, từ những phong tục tập quán lâu đời, và cả từ ca dao, tục ngữ. Tay bưng đĩa muối gừng - Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau. Ý thơ Tóc mẹ thì bới sau đầu - Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn được lấy từ đây. Nguyễn Khoa Điềm đã đi theo dòng lịch sử phát triển của đất nước. Ông muốn đi tìm một định nghĩa cho đất nước và đất nước đối với ông không hề xa lạ, nó gắn bó, tồn tại ngay bên ta từng giây, từng phút là nơi anh đến trường, là nơi em tắm. Đất Nước cứ thế phát triển cùng với quá trình lao động cần cù, chịu khó của nhân dân ta. Cái kèo, cái cột thành tên - Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng. Trên cái dải đất nhỏ bé ấy đã có một dân tộc quần tụ Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ. Và thêm một ý hương vị ca dao để làm rõ về Đất Nước: Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc - Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi Nguyễn Khoa Điềm đã vận dụng khéo léo cả ba mặt cổ tích, ca dao, tục ngữ, để lí giải về đất nước.
Một tình yêu đất nước thầm kín sâu lắng đã được ông bộc lộ trong quá trình tìm hiểu, lí giải về nguồn gốc đất nước. Phải có một tình yêu nước nồng nàn thì Nguyễn Khoa Điềm mới thấy được đất nước trong câu chuyện cổ mẹ kể, trong miếng trầu với truyền thuyết về sự thủy chung trong nghĩa tình vợ chồng, anh em. trong cây tre Thánh Gióng xưa kia đã đánh đuổi ngoại xâm... và trong tình yêu lớn đó là một tình cảm riêng tư, tình yêu lứa đôi:
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm.
Đất nước đó không những gắn bó với phong tục tập quán, truyền thống lao động mà còn gắn liền với tình cảm cá nhân. Tình yêu của đôi trai gái thật đẹp. Đó là một tình yêu gắn liền với đất nước, với quê hương và họ cũng sẽ tiếp nối con đường người đi trước:
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau.
Trong đời sống mỗi con người, ai cũng phải biết yêu, yêu quê hương cha mẹ, vợ chồng, con cái, đó là một tình cảm thiêng liêng, là mối ràng buộc với cuộc sống hiện tại.
Trong Sóng của Xuân Quỳnh đã thể hiện tình yêu nồng nàn, mãnh liệt và ước vọng về một tình yêu cao thượng, thủy chung. Bài thơ được sáng tác năm 1967 trong thời kì đánh Mĩ ác liệt đã tô thêm nét đẹp của con người Việt Nam thời ấy. Khát vọng được yêu. Bằng hình tượng con sóng, Xuân Quỳnh đã diễn tả về tình yêu:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.
Những cặp từ chỉ trạng thái đối lập nhau như “dữ dội”, “ồn ào” và “lặng lẽ” đã khắc họa hình ảnh và tính chất con sóng nhưng phải chăng đó còn là hình ảnh cùa tình yêu. Tình yêu lứa đôi là một điều gì thật bình thường nhưng cũng thật bí hiểm, tự nhiên đến và cũng có thể đi ngay. Chưa có một định nghĩa nào cho tình yêu và cũng chưa ai tìm được nguồn gốc của nó:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau?
Tình yêu là một điều bí mật, nó thuộc về tạo hóa. Nhưng một khi yêu nhau thì con người sẽ luôn hướng về nhau, đó là một sự thật:
Dầu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương.
Người con gái hay chính Xuân Quỳnh mang một tình yêu thật nồng nàn, tha thiết. Đó là một tình yêu vượt qua mọi không gian, thời gian, vượt qua mọi cách trở để đến với người mình yêu. Tình yêu của người con gái trải dài, trải rộng trên mọi miền đất nước, gửi trọn cho người con trai. Đó là một tình yêu không bao giờ nguôi ngoai: Lòng em nhớ đến anh - Cả trong mơ còn thức. Thế đấy, tình yêu đôi lứa thật đẹp, nó làm phong phú đời sống tâm hồn của con người, làm cho con người sống đẹp hơn. Và thật thiếu sót nếu chỉ nói như vậy về Sóng.
Ở khổ cuối, Xuân Quỳnh đã cho thấy khát vọng tình yêu cao thương:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Tình yêu cá nhân rồi sẽ phai mờ theo thời gian, chính vì vậy Xuân Quỳnh đã mong muốn được “tan ra”, được hòa mình vào nhịp sống chung của đất nước, được góp tình yêu bé nhỏ của mình vào tình yêu lớn của đất nước. Trong thời buổi đất nước với cuộc chiến gay go thì sự cố gắng, nỗ lực của cá nhân thật đáng quý. Tình yêu của Xuân Quỳnh như sáng hơn, cao hơn, đẹp hơn với ước muốn cao thượng đó. Đất nước sẽ nhân hậu hơn nếu những con người Việt Nam cùng biết yêu nhau hơn.
Đoạn thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm khắc họa sâu hơn tình yêu về đất nước, con người Việt Nam, trong khi Sóng của Xuân Quỳnh lại tô đậm nét đẹp của tình yêu lứa đôi. Nhưng trong cả hai bài thơ nét đẹp của tình yêu đất nước, tình yêu lứa đôi đều hài hòa đan xen nhau. Với Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm đã khắc họa tình yêu một đất nước bốn nghìn năm lịch sử trong đó có anh, có em: Trong anh và em hôm nay - Đều có một phần Đất Nước. Một sự kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, Nguyễn Khoa Điềm đã cho ta biết yêu quý đất nước vì nó là mồ hôi và xương máu của bao thế hệ:
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đảnh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân.
Tình yêu đất nước của Nguyễn Khoa Điềm thật đẹp đẽ khi ông nhìn rõ Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân. Khi nói đến một đất nước thường ta hay nói về những vĩ nhân nhưng ở đây tác giả chỉ nói về những con người lao động, họ là hình ảnh xuyên suốt đất nước Việt Nam, chính họ đã làm ra đất nước. Và từ tình yêu đất nước của nhân dân Nguyễn Khoa Điềm đã thấy:
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho
Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh.
Vâng, tình yêu đất nước ở đây tuy thầm kín sâu lắng nhưng thật ngọn nguồn, sâu sắc. Đó là tình yêu đất nước của thế hệ trẻ, tình yêu xuất phát từ lí trí. Ta có thể tin tưởng vào thế hệ trẻ hôm nay với tình yêu đất nước tuy không phô trương nhưng thật đằm thắm và vì yêu đất nước họ đã ra sức làm việc xây dựng đất nước trong thời bình và khi có chiến tranh: Người con trai ra trận, người con gái trở về nuôi củi cùng con. Cứ thế, bao nhiêu thế hệ trôi qua họ đã làm nên đất nước, nhiều người đã trở thành anh hùng, nhưng cũng rất nhiều: Họ đã sống và chết - Giản dị và bình tâm - Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.
Ở Sóng thì ta lại cảm nhận sự ngọt ngào của tình yêu lứa đôi. Với sự phát hiện tinh tế về con sóng và sự đồng nhất hình ảnh con sóng và người con gái, Xuân Quỳnh đã tạo nên cho bài thơ một nét đẹp riêng. Tình yêu nỗi nhớ bờ của sóng Ngày đêm không ngủ dược. Với thể thơ ngũ ngôn nhịp nhàng, Sóng như một khúc ca đẹp về tình yêu lứa đôi cao thượng đã thể hiện khát vọng sống, được yêu của tuổi trẻ Việt Nam ngay trong chiến tranh ác liệt. Ngược lại, với thể thơ tự do, mang đậm tính triết lí, Nguyễn Khoa Điềm lại nêu bật tình yêu đất nước và khẳng định nghĩa vụ mỗi con người với đất nước:
Em ơi em Đất Nước là máu xương cùa mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời.
Như nhà thơ Ranun Gamzatop đã định nghĩa về thơ:
Khi tôi nhỏ thơ giống như bà mẹ
Tôi lớn lên, thơ lại giống người yêu
Chăm sóc tuổi già, thơ sẽ là con gái
Lúc từ giã cõi đời, kỉ niệm hóa thơ lưu.
Thơ, đó là cảm xúc của từng con người và ở đây trong Đất Nước và Sóng, đó là sự cảm nhận khác nhau của Nguyễn Khoa Điềm và Xuân Quỳnh về tình yêu nước và tình yêu lứa đôi. Tuy vậy, hai bài thơ đã khắc họa tình yêu cao đẹp của con người Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975, một giai đoạn họ đã hòa mình vào công cuộc của đất nước và làm việc bằng cả lí trí, con tim.