Qua những tác phẩm đã học và đọc thêm trong chương trình, anh (chị) hãy nêu vắn tắt những suy nghĩ của mình về số phận của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ

Trong các tác phẩm văn học dân tộc dân gian và trung đại học trong chương trình, mảng thơ văn viết về hình tượng người phụ nữ tuy không nhiều nhưng cũng để lại những dấu ấn nhất định. Từ các bài ca dao viết về người phụ nữ đến hình ảnh cô gái trong Tiễn dặn người yêu của người Thái; từ những người con gái hồng nhan bạc mệnh đến người chinh phụ trong nỗi nhớ chồng đằng đẵng... có thể thấy nổi bật lên một điểm chung nhất là cuộc đời và số phận bất hạnh của họ.

Xưa nay, người phụ nữ vẫn luôn là những người phải chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Bên cạnh những thiệt thòi, hạn chế thuộc về giới họ còn thường hay phải chịu những ràng buộc mang tính chất định kiến từ xã hội, điều mà người đàn ông ít nhiều được nhìn nhận thoáng hơn.

Trước hết, cần phải khẳng định một điều, tất cả những người phụ nữ được các tác giả văn học thời xưa đưa vào văn chương đều là những người phụ nữ có vẻ đẹp về hình thể và họ ít nhiều ý thức được vẻ đẹp ấy. Cô gái trong chùm ca dao Thân em như... tự ví mình như tấm lụa đào, như giếng giữa đàng, như cây quế giữa rừng... Nhưng quan trọng hơn đó còn là vẻ đẹp về mặt phẩm chất, tâm hồn. Giếng giữa đàng trong mát, có ích cho người, cho đời, cây quế giữa rừng ngát hương, tấm lụa đẹp mềm mại. Ngay cả củ ấu gai tuy bên ngoài có vẻ sần sùi, đen đúa nhưng bên trong lại trắng trong ngọt bùi. Càng về sau, bước vào nền văn học trung đại, những vẻ đẹp ấy càng được cụ thể hoá một cách sinh động hơn. Có thể lấy hình tượng nhân vật Thuý Kiều và Thuý Vân trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là một ví dụ. Nguyễn Du đã không tiếc lời khi dành cho hai nhân vật của mình, đặc biệt là nhân vật Thuý Kiều những lời ngợi ca đẹp nhất:

Mai cốt cách, tuyết tinh thần

Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười

Người phụ nữ thời xưa không chỉ mang vẻ đẹp về hình thể mà còn có được cái đẹp tâm hồn đắm say mặn mà. Nhưng xã hội bất công, cái đẹp không có điều kiện để phát triển. Cái đẹp là đối tượng bị vùi dập. Đặc biệt đó lại là cái đẹp của phái yếu nên sức sống của nó càng trở nên mong manh. Xã hội cũ đã tồn tại sẵn những định kiến dành cho người phụ nữ, những ràng buộc mà họ phải tuân theo. Người phụ nữ đẹp họ ý thức được điều đó nhưng lại bị rơi vào bi kịch không được trân trọng, và nâng niu vẻ đẹp của mình. Giếng nước giữa đàng có thể chỉ là một thứ nước rửa chân cho kẻ phàm tục, cũng như củ ấu gai dù bên trong ngọt bùi nhưng nào phải được ai cũng biết đến.

Trong xã hội ấy, người phụ nữ không thể tự quyết định số phận và vận mệnh của mình. Cô gái trong ca dao than thân trách phận mình như tấm lụa, phất phơ giữa chợ không biết vào tay ai, như hạt mưa sa nếu may mắn thì được rơi vào nơi đài các. Cô gái trong Tiễn dặn người yêu chỉ là một món hàng cho mẹ cha trao đổi. Cô có tình yêu của mình nhưng tình yêu ấy không thành. Người con gái không thể tự quyết định chuyện hôn nhân của mình. Hết lần này sang lần khác, nàng vùng lên chống lại số phận nhưng càng chống đỡ lại càng vô vọng. Phải lấy người không yêu, cô cố tỏ ra vụng về khiến nhà chồng chán mà trả về cha mẹ nhưng cô lại bị bán vào cửa quan. Càng phá phách, Giã gạo - quăng chày; Phơi thóc - chửi sàn; Dỡ xôi - quật vỡ mâm lại càng bế tắc. Cô bị đem ra chợ bán và cuối cùng để được đổi vào chính gia đình người yêu cũ với giá chỉ bằng một cuộn lá dong cho đỡ phải mang về. Tủi nhục và đau đớn thay! Ngay cả những người tài hoa, được xã hội thừa nhận tài năng và sắc đẹp như Thuý Kiều cuối cùng cũng không thoát khỏi sự nghiệt ngã của số phận. Hồng nhan đa truân, nàng đã có tên trong sổ đoạn trường thế nên phải trải qua mười lăm năm lưu lạc. Hai lần rơi vào lầu xanh, bị lừa gạt, bị làm nhục, bị vày vò về thể xác, đau đớn về tinh thần, nàng vẫn không thể nào thoát ra khỏi thân phận bất hạnh của những người tài hoa bạc mệnh... Những con người ấy có tình yêu tự do và khát khao được tự do trong tình yêu, trong hôn nhân nhưng không thể thực hiện. Người con gái dân tộc Thái bị ép gả cho người mình không yêu chỉ vì “chân lí” muôn đời của xã hội ấy:

Mẹ em tham thúng xôi đền,

Tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng.

Em đã bảo mẹ rằng đừng,

Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào...

Trong cuộc đời Thuý Kiều, tình yêu và hôn nhân đều không trọn vẹn. Vì cái bất công mà thằng bán tơ từ đâu vu vạ cho gia đình Vương ông, Kiều phải bán mình chuộc cha, vì chữ “hiếu” mà gạt nước mắt dứt bỏ chữ “tình”. Rồi hai lần làm vợ cuối cùng cũng đều nhận lấy một kết cục bi thảm. Lần thì bị vợ cả đánh ghen mà nhục nhã ê chề; lần vì cả tin mà đẩy chồng vào chỗ chết. Mười lăm năm lưu lạc trở về cũng chỉ có thể đổi duyên cầm sắt sang duyên cầm kì mà thôi.

Xã hội bất công, không phải là một cá nhân cụ thể nào là những lực lượng tạo thành cả một thế lực chà đạp lên quyền sống, đẩy con người vào những kết thúc bất hạnh và bi thảm mà người phụ nữ là những nạn nhân đáng thương nhất. Chiến tranh phong kiến khiến người chồng phải ra trận, người vợ ở nhà biến thành chinh phụ, vò võ ngóng trông, chịu cảnh giường đơn gối chiếc mà cô đơn, xót xa:

Khắc giờ đằng đẵng như niên

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa

Hương gượng đốt hồn đà mề mải

Gương gượng soi lệ lại châu chan

Sắt cầm gượng gẩy phím đàn

Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng.

Thi nhân trung đại đã thể hiện sự tinh tế của mình và tấm lòng đồng cảm sâu sắc để phát hiện ra cả nỗi cô đơn của người chinh phụ nơi phòng không, gối lẻ. Tuổi trẻ đang dào dạt và khát khao yêu đương nhưng mộng gốì chăn chưa thoả để lại phải một mình chịu cảnh giường không vò võ, trông tuổi xuân qua đi va vóc hình của mình đang ngày càng tàn tạ. Và cũng chính bởi chiến tranh nên mới có nỗi oan khuất như của nàng Vũ Nương: Trung hiếu tiết nghĩa để cuối cùng bị chồng ngờ vực, chỉ còn cách gieo mình xuống dòng Hoàng Giang để minh chứng cho nỗi oan.

Rõ ràng, những người phụ nữ trong xã hội xưa đều phải chịu chung cho mình một số phận mang tên Bất hạnh. Họ dù nhận được lòng yêu thương và sự cảm thông sâu sắc của dân gian, của người đời và của chính tác giả nhưng vẫn không đủ để vượt lên trên hiện thực mà chiến thắng số hiện thực nghiệt ngã đó. Đồng cảm với họ ta xót thương cho số phận họ một cách sâu sắc mà thêm quí mến và trân trọng. Mong rằng đó sẽ chỉ là câu chuyện của quá khứ và không bao giờ lặp lại trong cuộc sống của những người phụ nữ thời hiện đại, một nửa để làm cho thế giới này tốt đẹp hơn.

BÀI CÙNG NHÓM