Sống trên đời, ai cũng phải làm việc. Đó là một sự thật hiển nhiên. Nhưng hiểu cho hết ý nghĩa của sự làm việc, không phải ai cũng biết. Nhà văn, nhà tư tưởng Von-te người Pháp đã giúp ta có một cái nhìn toàn diện về vấn đề này. Ông nói: “Sự làm việc tránh cho ta ba cái hại lớn: tật xấu, nỗi buồn và cảnh nghèo túng”.
Chúng ta hãy cùng làm sáng tỏ ý kiến của Von-te. Làm việc là một hoạt động liên tục, ít nhiều có sự cô' gắng, nhằm đạt một kết quả có ích nào đó. Như vậy, sự làm việc đòi hỏi con người tham gia phải có sự nỗ lực nhất định. Có thể đó là sự nỗ lực về mặt vật chất: bỏ công, bỏ sức ra. Có khi đó là sự nỗ lực về mặt tinh thần: bỏ tâm trí, suy nghĩ tính toán.
Có khi lại bỏ công sức vật chất lẫn tâm trí suy nghĩ mới có thể hoàn thành được công việc. Xã hội càng phát triển càng đòi hỏi sự cố gắng toàn diện, nhiều mặt của con người trong công việc. Làm vườn, làm ruộng đương nhiên là phải bỏ sức làm đất, cày sâu, cuô'c bẫm. Nhưng nếu không biết ứng dụng những tiến bộ khoa học để tính toán xem mảnh đất cằn được sử dụng như thế nào cho có hiệu quả cao, năng suất lớn thì làm sao vàng cầm tay ngay trên mảnh đất đầy kẽm gai và mìn trái như anh Cao Trường Sơn ở Bình Chánh. Hay như anh Lê Văn Hai ở phường 4, quận 8 đã làm giàu ngay trên mảnh đất ngập mặn. Hay như anh Nguyễn Văn Được ở ấp Thông Nhất, xã Tân Thới Nhì, Hóc Môn đã trở thành triệu phú từ 5 công đất loại xấu, hạng 6.
Việc cố gắng trong lao động làm cho cuộc sống của con người trở nên có mục đích rõ ràng. Mục đích đó thôi thúc người ta vươn tới, làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa. Nó làm cho người ta xa rời nỗi buồn vẩn vơ của những người không có việc để làm. Nó làm cho người ta thoát khỏi những tật xấu của những người không có mục đích đeo đuổi.
Cha ông chúng ta đã nói thật chí lí “nhàn cư vi bất thiện”. Con người vôn năng động. Con người càng trẻ, sức lực càng dồi dào thì lại càng đòi hỏi hoạt động nhiều hơn. Nếu hướng được hoạt động đó và một mục đích tốt đẹp, cao cả thì con người và xã hội sẽ gặt hái được kết quả mĩ mãn. Còn nếu mất phương hướng bởi không có việc làm có ích, hoặc bởi “nhàn cư”, sống không có việc gì để làm, thì cái sức tràn ứ trong người sẽ thôi thúc người ta phải “bung” nó ra, phải làm một cái gì đó chợt nảy sinh hoặc bắt chước những kẻ “nhàn cư” khác trong các trò vô bổ, có khi lại có hại cho xã hội, cho mọi người — những trò bất thiện.
Cứ điểm mặt những thanh niên tham gia vào các nhóm đua xe tụ tập quanh các tụ điểm nhậu nhẹt, quậy phá nơi công cộng có ai là người có công ăn việc làm đàng hoàng? Nếu còn ở độ tuổi cắp sách đến trường, thì có học sinh nào trong số đó học được chứ đừng nói gì đến học khá, học giỏi?
Cứ điểm mặt những băng nhóm lưu manh và tìm hiểu con đường đưa họ đến với hoạt động ngoài vòng pháp luật, ta sẽ thấy tuyệt đại đa số là những thanh niên cần tiền của để thỏa mãn cuộc sống trác táng, ăn chơi mà lại ngại làm những công việc lương thiện. Chính vì vậy mà Nhà nước ta đã cải tạo họ bằng cách dạy và đem đến cho họ có một công việc làm lương thiện. Công việc đã làm cho họ không còn những thời gian nhàn rỗi vô vị để nỗi buồn phiền có đất phát triển. Thực tế cuộc sống đã chứng minh tính đúng đắn của việc cải tạo con người này. Có không ít những thanh niên đã một thời hư hỏng, nhờ có được một nghề sau thời gian học ở trường cải tạo đã trở về với đời thường, có người còn tích cực tham gia vào công việc cải hóa những người còn lầm lạc như anh Tài, anh Sang ở phường 14, quận 5. Trường phục hồi nhân phẩm là một trường cải tạo những chị em làm nghề buôn phấn bán hương, thực chất là trường dạy nghề cho những chị em không có phương tiện kiếm Sống một cách chính đáng. Cũng cần nói thêm là đồng tiền mà người ta kiếm được từ công việc chính đáng, từ việc đổ mồ hôi, đổ công sức để có được lại còn một tác dụng giúp người ta biết cách tiêu xài hợp lí.
Câu nói của Vôn-te một lần nữa củng cố cho chúng ta bài học về việc con người phải có nghề, phải có công việc để làm. Việc hành nghề một cách lương thiện, chính đáng góp phần nâng cao phẩm chất của con người trong xã hội.