YÊU CẦU
Đề bài có ba yêu cầu cụ thể: nêu nội dung bài thơ, giải thích ý nghĩa nhan đề bài thơ và bình giảng khổ thơ đề từ. Ba yêu cầu này có mối quan hệ biện chứng và nối tiếp với nhau trong bài làm: từ nội dung bài thơ sẽ hiểu được ý nghĩa nhan đề bài thơ, và nội dung ý nghĩa ấy lại được thể hiện và cô đúc trong khổ thơ đề từ. Vì vậy, cần nắm vững cái mạch cảm hứng xuyên suốt và chảy dạt dào trong bài thơ là cảm hứng say sưa, hối hả của một hồn thơ đang phá tung sự chật chội của cái lồng cá nhân để giang cảnh bay thẳng vào bầu trời nhân dân cao rộng để đến với ngọn nguồn chân chính của cảm hứng nghệ thuật. Từ đó mà phân tích các yêu cầu của đề bài đã đặt ra.
BÀI LÀM
Bài thơ Tiếng hát con tàu ra đời trong những năm miền Bắc mới được giải phóng vài năm. Khi ấy nhân dân ta đang tiến hành công cuộc hàn gắn các vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước. Phong trào vận động nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế miền Tây Bắc được tuổi trẻ hăng hái tham gia, hưởng ứng nhiệt tình. Lớp thanh niên hồi ấy rất quen thuộc với những câu thơ đầy hứng khởi lãng mạn:
Lứa tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy
Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường.
(Bùi Minh Quốc - Lên miền Tây)
Nhưng bài thơ này không đơn giản là sự minh họa, tuyên truyền phục vụ cho một chủ trương chính sách. Với Chế Lan Viên, sự kiện kinh tế - xã hội ấy chỉ là một gợi ý, một điểm xuất phát cho nhà thơ thể hiện khát vọng về với nhân dân, đất nước với những kỉ niệm sâu nặng nghĩa tình của nhân dân trong những năm kháng chiến gian khổ, cũng là tìm về nơi ngọn nguồn của hồn thơ.
Bài thơ có nhan đề là Tiếng hát con tàu. Làm gì có đường tàu và con tàu lên Tây Bắc? Con tàu ở đây là biểu tượng cho khát vọng ra đi, đến với những miền xa xôi, đến với nhân dân, đất nước và cũng còn là đến với những ước mơ, những ngọn nguồn của cảm hứng nghệ thuật. Con tàu ở đây chính là tâm hồn nhà thơ. Và Tiếng hát con tàu là tiếng hát hăm hở, say sưa, tràn đầy phấn khởi của một tâm hồn khỏe khoắn, khoáng đạt bộc lộ cái khát vọng ấy của chính mình. Tâm hồn ấy đã có một thời "khép cửa phòng văn hì hục viết" để "nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày", giờ đây đang phá tung sự chật chội của cái lồng cá nhân để dang cánh bay thẳng vào bầu trời NHÂN DÂN cao rộng. Đi "từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui", cái phút bừng sáng ấy lại biến hồn thơ Chế Lan Viên thành một con tàu. Và người đọc lập tức bị cuốn vào một hơi thở khẩn trương, giục giã, gấp gáp như chính nhịp đi của con tàu. Ngay lời đề từ đã đầy cuống quýt:
Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu?
Tổ quốc đang vẫy gọi và tâm hồn nhà thơ đang hướng tới cuộc sống của nhân dân. Vậy thì "có riêng gì Tây Bắc - khi lòng ta đã hóa những con tàu", nơi nào mà chẳng là Tổ quốc, chẳng có nhân dân? "Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?" bởi "Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương". Cái chính là "lòng ta đã hóa những con tàu", lòng ta muốn hòa vào Tổ quốc, muốn đến với nhân dân. Đó là con tàu - tâm hồn - nhà thơ để nói lên khát vọng của thi sĩ khi lòng ông đã bừng sáng trước cuộc sống lớn của nhân dân: "Cánh thơ tôi thoát khỏi phòng nhỏ bé - Lượn trăm vòng trên Tổ quốc mênh mông" (Chim lượn trăm vòng). Con tàu đó đang "đói những vành trăng", đang giục giã "gọi anh đi", đang "mộng tưởng" và mỗi đêm khuya "uống một vầng trăng"! Con tàu của hồn thơ. Một hồn thơ hối hả, náo nức, khát cuộc sống:
Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội
Mắt ta thêm mái ngói đỏ trăm ga
Con tàu ấy đang háo hức trong hành trình đến với NHÂN DÂN, thoát khỏi đời riêng nhỏ hẹp, phá bỏ cõi lòng đóng kín. Tiếng hát con tàu là một niềm vui, một nguồn chân cảm dạt dào của một hồn thơ đóng khép đã được nhân dân hồi sinh!
Trong bốn câu thơ đề từ có hai sự đồng nhất: tâm hồn là con tàu và tâm hồn là Tây Bắc. Người đọc không khỏi băn khoăn khi đọc "Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia". Vì sao có hiện tượng này? Đó là do sự trải nghiệm sâu sắc trong cuộc sống và khả năng phát hiện tinh tế của thi sĩ về bản thân mình. Có lần ông viết về Tổ quốc:
Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào
Thấy ngàn núi trăm sông diễm lệ...
Lần này, Tây Bắc cũng đến soi vào tâm hồn nhà thơ. Nhìn vào hồn mình, ông bỗng phát hiện ra Tây Bắc. Đâu chỉ là một miền đất, một vùng quê trên bản đồ đất nước. Tây Bắc đó là những người anh, người em anh dũng chí tình, là bà mế "lửa hồng soi tóc bạc - năm con đau, mế thức một mùa dài", là những "bản sương giăng", những "đèo mây phủ", những "mùa chiến dịch" với vắt xôi "còn tỏa nhớ mùi hương"... Tây Bắc là chính hồn mình như thi sĩ đã khẳng định trong lời đề từ cũng như trong bài thơ:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!
Về với Tây Bắc là về với hồn mình, nỗi mong chờ của Tây Bắc chính là nỗi mong chờ của hồn mình và mẹ yêu thương mà nhà thơ khát khao được gặp lại cũng là Tây Bắc: Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ. Vì vậy mà hai sự đồng nhất nói trên đã trở thành một sự thống nhất biện chứng trong hồn thơ Chế Lan Viên. Và lời đề từ là khổ thơ kết tinh, tiêu biểu cho cả bài thơ Tiếng hát con tàu.