Bài thơ Tiếng chổi tre của nhà thơ Tố Hữu in trong tập Gió lộng, gồm những bài thơ sáng tác từ năm 1945 - 1961, thời kì nhân dân miền Bắc đang phấn đấu xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Bài thơ thể hiện rõ thái độ trân trọng và ca ngợi người lao động, dù là người lao động hết sức bình thường. Đây là một bài đạo đức sâu sắc cho tất cả mọi người, nhát là ở lứa tuổi học sinh đang cắp sách đến trường.
Nhân vật trong bài thơ là người nữ công nhân quét rác. Chị giữ gìn đường phố sạch đẹp một cách âm thầm trong đêm tối không mấy ai biết đến, nhưng chị đã góp phần làm đẹp thành phố, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới.
Cuộc sống vất vả ấy được nhà thơ miêu tả qua tiếng chối tre quét rác trong những đem hè oi bức hay đêm đông giá rét, lúc mọi người đang ngủ sau một ngày học tập, lao động mệt nhọc. Mỗi người công nhân phụ trách một đoạn đường, họ lầm lũi làm việc. Nỗi cực khổ như tăng thêm trong hoàn cảnh ấy:
Những đêm hè
Khi ve ve đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác hàng tre
Tiếng chổi tre
Đêm hè quét rác
Trong đêm khuya tĩnh mịch, nổi lên tiếng chổi soàn soạt trên mặt đường nhựa. Tiếng chổi như một âm thanh đều không dứt, tạo thành âm điệu chung cho cả bài thơ. Nó đặc tả sự vất vả, khó nhọc, kéo dài, không ngừng, không nghỉ:
Những đêm động
Khi cơn giông vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt, như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác.
Ở khổ thơ thứ nhất, mới nổi lên tiếng chổi tre xào xạc. Đến khổ thơ thứ hai, hình ảnh chị công nhân quét rác được tác giả miêu tả với tình cảm thật trân trọng. Cái rét buốt của đêm đông, không gian vắng vẻ càng làm tôn vẻ đẹp của chị. Nhà thơ so sánh chị như bức tượng đồng thể hiện nét khỏe khoắn, đáng yêu của người phụ nữ lao động. Tấm lòng nhân ái của tác giả ẩn chứa sau từng câu, từng chữ.
Phố xá được dọn dẹp sạch sẽ từ ban đêm. Sáng hôm sau những gánh hoa từ các làng hoa Ngọc Hà, Hữu Tiệp theo đường Trần Phú, Điện Biên Phủ xuôi về các chợ trong thành phố. Hoa hồng, hoa cúc ngát hương, thược dược, cam chướng rực rỡ... Gách hoa đi đến đâu, con đường như nở rộ đến đó:
Sáng mai ra
Gách hàng hoa
Xuống chợ
Hoa Ngọc Hà
Trên đường rực rỡ
Hương bay xa
Thơm ngát
Đường ta...
Những con đường sạch sẽ không một chút rác rưởi vây bẩn màu hoa, không chút hôi hám làm vẩn đục hương hoa tinh khiết. Cuộc đời đẹp biết bao nhiêu! Có ai biết, ai nhớ tới công lao của những nữ công nhân quét rác?
Nhà thơ nhắc nhở hoa:
Nhớ nghe hoa
Người quét rác
Đêm qua
Nhắc nhở các em nhỏ:
Nhớ nghe em
Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông
Gió rét...
Hãy luôn luôn nhớ để biết ơn, để kính trọng người lao động, từ đó có ý thức giữ gìn thành quả lao động, góp phần làm đẹp quê hương:
Giữ sạch lề,
Đẹp lối
Em nghe!
Lời nhắn nhủ chân tình ấy đã gây xúc động thật sự trong mỗi chúng ta.
Ý nghĩa bài thơ không chỉ dừng lại ở chỗ khuyên nhủ các em nhỏ hãy giữ gìn vệ sinh nơi đường phố mà sâu xa hơn, nó lại một bài học đạo lí: Hãy yêu thương, trân trọng và biết ơn người lao động. Nếu làm được như vậy, chúng ta đã góp phần xây dựng và bảo vệ nếp sống văn hóa, văn minh - nếp sống đạo đức truyền thống dân tộc. Và điều ấy thực sự cần thiết cho mỗi con người.