Trong dàn đồng ca Kết đoàn mà toàn dân tộc Việt Nam diễn xướng, Bác Hồ là người nhạc trưởng tài ba. Người luôn luôn là trung tâm đoàn kết toàn Đảng, toàn dân. Những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, Bác viết một bài thơ rất thú vị "Hòn đá", trong đó có đoạn:
Hòn đá to,
Hòn đá nặng,
Một người nhắc,
Nhấc không đặng,
Hòn đá to,
Hòn đá nặng,
Nhiều người nhấc,
Nhấc lên đặng.
Bằng cách nói dí dỏm, cụ thể, Bác đưa ra một hình ảnh: "Hòn đá to, nặng” để nói lên những công việc to lớn, công việc khó. Bác lại dùng cách nói một người, nhiều người để nói lên sự đơn lẻ, cá nhân và số đông, tập thể. Kết cục của đoạn thơ chính là: dù hòn đá to, nặng nhưng nếu có nhiều người cùng chung sức thì sẽ nhấc được; nếu công việc có khó khăn, gian khổ đến đâu nếu nhiều người cùng chung sức, chung lòng thì tất sẽ làm được. Đoạn thơ chỉ ra một phương thức đầy sức thuyết phục là phải chung sức, chung lòng để làm những công việc to lớn, khó khăn.
Lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh hùng hồn cho tinh thần đoàn kết.
Nhìn công trình đồ sộ loa thành ở cổ Loa Đông Anh, chúng ta hiểu từ xa xưa cha ông ta đã xây dựng và bảo vệ đất nước bằng trí tuệ và sức mạnh đoàn kết như thế nào. Chiến thắng lẫy lừng ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông thời Trần với khí thế của Hội nghị Diên Hồng, mười năm nếm mật nằm gai của sự nghiệp kháng chiến chống quân xâm lược Minh, khí thế như chẻ tre của đạo binh Tây Sơn đánh tan quân Thanh đã khẳng định sức mạnh đoàn kết và chiến thắng của dân tộc ta.
Nửa thế kỉ qua, từ năm 1945 trở lại đây là dẫn chứng gần gũi nhất, hùng hồn nhất cho sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam nhỏ bé mà anh dũng, lần lượt đánh tan các thế lực hùng mạnh của thực dân Pháp, phát xít Nhật tên hung nô khát máu số một của hoàn cầu và bè lũ xâm lược bành trướng Trung Quốc. Nhân dân ta đã muôn đời như một, chung sức chung lòng dưới ngọn cờ Đảng và Mặt trận đoàn kết dân tộc làm nên thiên sử vàng Điện Biên và đại thắng 30 - 4 - 1975. Đó là trong chiến đấu bảo vệ, gìn giữ giang sơn gấm vóc của cha ông để lại. Còn trong lao động, sản xuất để xây dựng và làm giàu đất nước, chúng ta cũng có những kì tích đáng khâm phục. Công trình trị thuỷ đáng khâm phục nhất từ xa xưa là con đê sông Hồng bền vững. Đứng trên con đê cao dài tít tắp ấy, không ai có thể hình dung nổi, bằng sức lao động từ đôi bàn tay của triệu triệu con người đã tạo nên nó. Rồi những công trình "ngăn sông làm điện, khoan biển làm dầu" từ núi cao đến biển sâu. Những cây cầu thế kỉ ngạo nghễ vượt qua sông nối liền đôi bờ, nối liền những con đường của bao miền đất nước... tất cả đều được tạo nên từ bàn tay của rất nhiều người. Những "hòn đá" rất nặng kia đã được "nhiều người nhấc, nhấc lên đặng".
Rõ ràng đoàn kết chẳng những chỉ là sức mạnh mà còn là sức mạnh vô địch, sức mạnh khai thiên phá thạch, sức mạnh xẻ dọc Trường Sơn, sức mạnh khai phá rừng hoang, biển sâu. Chân lý mà Bác Hồ nêu ra trong tư tưởng bài thơ thật cụ thể và sâu sắc: đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là sống, đoàn kết là lẽ sống tồn tại và phát triển.
Trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, Bác căn dặn phải giữ gìn đoàn kết nhất trí như là giữ gìn con ngươi của mắt. Làm theo lời Bác, chúng ta nhất quyết giữ gìn sự đoàn kết để mãi mãi có sức mạnh sản xuất, chiến đấu và chiến thắng.