Bình giảng bài thơ Việt Bắc (10/1954) của Tố Hữu

Bằng những vần thơ lục bát ngọt ngào mang đậm màu sắc ca dao dân ca, thông qua cuộc đối đáp có tính chất tưởng tượng giữa kẻ ở người đi như thể người yêu đưa tiễn người yêu đầy lưu luyến vấn vương, bằng lối xưng hô mình - ta, một lối xưng hô truyền thống đậm đà tình nghĩa, bài thơ Việt Bắc đã tái hiện một cách chân thực và sinh động cuộc kháng chiến anh hùng và nhân dân anh hùng của cuộc kháng chiến, cùng những tình cảm điển hình của con người kháng chiến.

Bài thơ ra đời vào tháng 10/1954, sau chiến thắng Điện Biên, khi Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác Hồ rời thủ đô gió ngàn về với thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình. Bài thơ vừa là khúc hát ân tình thuỷ chung của miền ngược và miền xuôi, vừa là bài ca chiến thắng của một thời kỳ lịch sử oanh liệt. Đoạn thơ ta phân tích nằm ở phần đầu, tái hiện một giai đoạn gian khổ, vẻ vang của cách mạng và kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc nay đã trở thành những kỷ niệm sâu nặng trong lòng người.

Bài thơ mở ra trong một khung cảnh chia tay với tâm trạng bâng khuâng bồn chồn lưu luyến vấn vương của hai người đã từng gắn bó bền lâu sâu nặng- Người ở lại lên tiếng trước, như nhạy cảm với hoàn cảnh đổi thay gợi nhắc những kỷ niệm gắn bó, những cội nguồn tình nghĩa:

Mình về mình có nhớ ta

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn

Nhưng người ra đi cũng cùng chung một tâm trạng ấy, nên nỗi nhớ không chỉ là hướng về người khác mà cũng là nỗi nhớ chính mình: Mình đi mình lại nhớ mình. Lời hỏi của người ở lại đã làm khơi dậy cả một quá khứ đầy kỷ niệm, khơi nguồn cho mạch nhớ thương tuôn chảy. Đối đáp ở đây là một thủ pháp khơi gợi, bộc lộ tâm trạng và tạo ra sự hô ứng đồng vọng của tình cảm. Bao trùm trong tâm trạng của kẻ ở người về là nỗi nhớ cứ thấm đượm lên tất cả, lan toả lên cả cỏ cây mây nước. Chỉ riêng trong đoạn thơ ta phân tích đã có đến 35 từ nhớ. Nỗi nhớ tha thiết ấy, qua dòng hồi tưởng đã làm sống dậy những kỷ niệm sâu nặng nghĩa tình. Và trong niềm hoài niệm, hồi tưởng suốt mười lăm năm thiết tha mặn nồng ấy, bao trùm có mấy bức tranh hiện thực hoà nhập thống nhất khó có thể tách rời. Đó là nỗi nhớ cội nguồn tình nghĩa; nỗi nhớ thiên nhiên Việt Bắc; con người, cuộc sống Việt Bắc, cùng những kỷ niệm về cuộc kháng chiến anh hùng.

Trước hết bài thơ mở đầu bằng tiếng hát ân tình chung thuỷ, gợi nhắc cội nguồn tình nghĩa, thấm nhuần đạo lý Việt Nam:

Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cày nhớ núi, nhìn sông nhớ người.

Lời thơ nghe như ca dao, lại phảng phất âm hưởng thơ Kiều. Sâu nặng biết bao trong mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng và cũng ân tình, thủy chung biết bao khi nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn. Bốn câu thơ mà có đến bốn chữ mình, bốn chữ nhớ, một chữ ta hoà quyện quấn quýt với nhau như hình với bóng, khiến cho cái đạo lý ân tình thủy chung ấy thêm sâu nặng.

Sau khúc hát dạo đầu, là cảnh tiễn đưa bâng khuâng trong nỗi nhớ cả người ở lại và người ra đi như là một khúc hát giao duyên quan họ. Ở đây có âm thanh da diết thiết tha của ai đó tiếng ai tha thiết bên cồn; có bước chân bồn chồn và những bàn tay nắm nhau lưu luyến. Tiểu đối bâng khuâng... bồn chồn đã làm tăng thêm biết bao nỗi nhớ thương vấn vương lưu luyến. Cái màu áo chàm trong câu thơ trên vừa gợi hình, vừa gợi cảm: màu áo của người Việt Bắc không phai, đậm đà bền vững như lòng thủy chung sắt son của họ. Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay không phải là không biết nói gì, mà vì trong lòng tràn ngập tình nhớ thương khó nói nên lời.

Sau khi dàn cảnh khung cảnh chia tay, Tố Hữu để cho người ở lại lên tiếng. Chỉ có 12 câu nhưng đều xoáy vào những kỷ niệm của những ngày cách mạng còn trứng nước rất gian nan nhưng sâu nặng nghĩa tình: Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai - Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son. Miếng cơm chám muối là hình ảnh chân thực được rút ra từ thực tế cuộc kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ. Hình ảnh mối thù nặng vai đã cụ thể hoá, vật chất hoá mối thù của nhân dân ta với quân xâm lược. Hai hình ảnh ấy đối xứng và kết hợp với nhau tạo nên một ý nghĩa mới: mối tình đoàn kết chiến đấu cùng gian khổ để chiến thắng quân thù. Người ra đi có nhớ không? Và còn biết bao điều đáng nhớ nữa về chiến khu Việt Bắc với những địa danh cách mạng - lịch sử, với biết bao gian nan Cơ cực mà thắm thiết nghĩa tình. Hắt hiu lau xám nhưng đậm đà lòng son rồi những mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù - chỉ một câu thơ ngắn gọn mà làm sống dậy được tất cả cái khắc nghiệt, dữ dội của thiên nhiên Vỉệt Bắc những ngày kháng chiến. Trong một đoạn thơ ngắn mà đã có đến tám chữ mình và bảy chữ nhớ, trong đó có câu thơ ba chữ mình luyến láy và chuyển nghĩa rất tài tình khi nhắc đến những địa danh cách mạng từ nay đã đi vào lịch sử nối tiếp Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa:

Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa

Tố Hữu đã để cho người về xuôi trả lời nhiều hơn, vì trong họ chứa chất biết bao nỗi nhớ về quê hương cách mạng, khi phải rời xa. Đây là nỗi nhớ của những người đã từng cùng cam, cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, từng đinh ninh lời thề sau trước có nhau, nên câu trả lời của họ chính là tiếng đồng vọng của cõi lòng người ở lại:

Ta với mình, mình với ta .

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tinh bấy nhiêu

Những chữ ta, mình quấn quýt, luyến láy trong câu thơ đã nói rõ lời đồng vọng đó. Người ở lại hỏi: Mình đi, mình có nhớ mình thì người ra đi có ngay lời đồng vọng mình đi, mình lại nhớ mình, tuy hai mà một. Thật hài hoà, gắn bó, thắm thiết. Bởi nghĩa tình của họ như suối nguồn không bao giờ cạn: Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu. Bao nhiêu., bấy nhiêu - cặp từ hô ứng đã nhấn mạnh được sự giàu có, phong phú của nghĩa tình keo sơn không sao kể xiết.

Qua hoài niệm, trái tim người ra đi cứ dào lên biết bao nỗi nhớ với đủ mọi sắc màu đẹp đẽ:

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi bóng chiều lưng nương

Có nỗi nhớ ấm áp:

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về

Nhưng nhớ nhất là những ngày cay đắng ngọt bùi của thuở hàn vi thắm tình đồng chí, đồng bào, đã từng cưu mang đùm bọc lẫn nhau:

Ta đi, ta nhớ những ngày

Mình đây, ta đấy đắng cay ngọt bùi

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô

Củ sắn lùi thì chia, bát cơm thì sẻ, chân sui thì đắp cùng. Cái đẹp nhất là ở tình nghĩa của con người, ở sự san sẻ, cùng chung mọi gian khổ và niềm vui. Nghĩa tình càng đẹp hơn nữa trong cuộc sống gian nan thiếu thốn; càng sắt son thấm thía trong khó khăn thử thách. Trong đoạn thơ này, có những câu gợi lên cảnh sinh hoạt và cuộc sống bình dị của con người, vốn rất hiếm thấy trong thơ Tố Hữu, nhưng lại. là những câu thơ hay, chứa đựng những dung động, tình cảm chân thật, thắm thiết nghĩa tình của nhà thơ với cuộc sống và con người của chiến khu Việt Bắc. Chẳng hạn bản khói cùng sương thi e lạnh giá, hoang vu, nhưng sau đó với sớm khuya bếp lửa người thương đi về, thì ấm áp hẳn lên. Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê chỉ là những tên gọi địa danh, nhưng khi kèm với hai chữ vơi đầy, thì cảnh bỗng trở nên tràn đầy tình nghĩa, có sự gắn bó thiết tha giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người.

Giữa bao nỗi nhớ ấy, tác giả đã dành cho thiên nhiên Việt Bắc một tình cảm đặc biệt. Qua tấm lòng chứa chan tình nghĩa cách mạng, kháng chiến của tác giả, thiên nhiên Việt Bắc hiện ra không chỉ là thiên nhiên với vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ, mà đó còn là thiên nhiên đã cùng con người đánh giặc và ghi lại biết bao sự tích anh hùng:

Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào.

Thiên nhiên ở đây hiện lên với những vẻ đẹp đa dạng trong thời gian và không gian khác nhau, trong các thời tiết sương sớm, nắng chiều trăng khuya, trong các mùa thay đổi. Điều đặc biệt là hình ảnh thiên nhiên gắn với bóng dáng con người, làm cho cảnh bớt hoang sơ hiu hắt và trở nên gần gũi thân thiết với con người hơn. Tiêu biểu nhất là đoạn thơ sau:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung

Tố Hữu đã dựng được bốn bức tranh theo đúng nghệ thuật truyền thống, tạo nên một bộ tứ bình đặc sắc. Mỗi bức tranh đều có một màu sắc, âm thanh chủ đạo và rất sinh động đa dạng: khi lắng dịu, khi rực rỡ chói chang, khi rộn ràng náo nức. Tương ứng với mỗi màu sắc, âm thanh của tự nhiên là một nét đẹp con người. Thiên nhiên làm nền cho con người và chính con người lại tô điểm cho thiên nhiên trở nên đẹp đẽ sinh động hơn.

Theo dòng cảm xúc hồi tưởng, bài thơ đã dẫn người đọc vào khung cảnh Việt Bắc kháng chiến với những bức tranh rộng lớn, những hoạt động tấp nập, sôi động của cuộc kháng chiến anh hùng chuẩn bị cho cuộc tổng phân công bằng một chiến dịch Điện Biên lừng lẫy địa cầu:

Nhừng đường Việt Bắc của ta

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên

Đoạn thơ được viết với bút pháp anh hùng ca, mang đậm màu sắc sử thi. Giọng thơ dào dạt sảng khoái với những hình ảnh vừa chân thực vừa bay bổng, vừa hùng tráng.

Những câu thơ tái hiện khung cảnh trung ương Chính phủ luận bàn việc công trong hang núi ở Việt Bắc cũng là những câu thơ đặc sắc. Dường như tác giả chỉ liệt kê công việc nhưng đã phản ánh chân thật không khí làm việc giản dị trang nghiêm mà khẩn trương của Bộ Tổng chỉ huy của cuộc kháng chiến; trọng đó nổi bật lên hình ảnh lung linh rực rỡ ngời sáng của Ngọn cờ đỏ thắm gió lộng cửa hang, Nắng trưa rực rỡ sao vàng.

Phần thứ nhất của bài thơ được khép lại bằng sáu câu thơ thâu tóm hình ảnh Việt Bắc: Quê hương cách mạng dựng nên cộng hoà, đầu não của cuộc kháng chiến. Việt Bắc là niềm tin, hy vọng của nhân dân Việt Nam từ mọi miền đất nước, đặc biệt là đối với những nơi cồn u ám quân thù; đau đớn giống nòi, thi Việt Bắc là điểm tựa tinh thần đã tiếp thềm sức mạnh cho đồng bào kháng chiến.

Qua bài thơ Việt Bắc Tố Hữu đã làm hiện lên hình ảnh Việt Bắc quê hương cách mạng dựng nên cộng hoà một thời gian khổ mà sâu nặng nghĩa tình. Bài thơ tô đậm thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đó là truyền thống thuỷ chung son sắt uống nước nhớ nguồn.

BÀI CÙNG NHÓM