Trình bày hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa nhan đề bài thơ Đàn ghi ta của Lor - ca của Thanh Thảo

Thanh Thảo tên khai sinh là Hồ Thành Công, ông trưởng thành trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Tiếng thơ Thanh Thảo nổi bật là tiếng nói riêng trung thực của một thế hệ cầm súng tự giác trước vận mệnh dân tộc và lịch sử. Thơ ông nghiêng về suy tư, triết luận. Sau năm 1975, Thanh Thảo dành nhiều tâm huyết cho việc đổi mới thơ, làm mới hình thức biểu đạt của thơ, cách tân cấu trúc thơ. Những tác phẩm thành công của ông có sự gia tăng chất nghĩ, cảm hứng phân tích - triết luận trên một cấu trúc thơ linh động mà kết dính bởi mạch liên tưởng phóng túng, tự do. Tiêu biểu là những tác phẩm Dấu chân qua trảng cỏ (thơ, 1978), Những ngọn sóng mặt trời (trường ca, 1981), Khối vuông ru- bích (thơ, 1985),...

Đàn ghi ta của Lor-ca rút từ tập Khối vuông ru- bích (1985), rất tiêu biểu cho kiểu tư duy thơ của Thanh Thảo: giàu chất suy tư, trăn trở về các-vấn đề xã hội và thời đại; mãnh liệt, phóng túng trong cảm xúc; khước từ lối biểu đạt cuộc sống một cách dễ dãi,... Bài thơ này được lấy cảm hứng trực tiếp từ những phút giây bi tráng trong cuộc đời nhà thơ Tây Ban Nha Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca (1898 - 1936) - một tài năng sáng chói của văn học hiện đại Tây Ban Nha thế kỉ XX. Lor-ca vừa nồng nhiệt cổ vũ nhân dân Tây Ban Nha đấu tranh với mọi thế lực áp chế, đòi quyền sống chính đáng vừa thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân trong các lĩnh vực nghệ thuật. Sự có mặt của Lor-ca cùng nhiều tài năng khác lúc bấy giờ đã khiến cho đời sống tinh thần của Tây Ban Nha và cả một vùng rộng lớn thuộc khu vực Tây Âu trở nên sôi động hơn. Hoảng sợ trước ảnh hưởng to lớn của Lor-ca, năm 1936, chế độ phát xít đã bắt giam và bắn chết ông ngày 19 - 8 - 1936. Cái chết của Lor-ca đã làm dâng lên một làn sóng phẫn nộ hết sức mạnh mẽ trên thế giới đối với bè lũ Phrăng-cô. Tên tuổi của Lor-ca từ đó đã trở thành một biểu tượng, là ngọn cờ tập hợp các nhà văn hóa Tây Ban Nha và thế giới chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại.

Bài thơ là- một khúc tưởng niệm một thi hào vĩ đại của đất nước Tây Ban Nha lại mang một nhan đề khá đặc biệt: Đàn ghi ta của Lor-ca. Một nhan đề dường như là giản dị nhưng lại mang ý nghĩa tượng trưng. Nhan đề cho thấy sự gắn kết của hai yếu tố là Đàn ghi ta và Lor-ca. Đàn ghi ta là một nhạc cụ rất nổi tiếng, gắn liền với đất nước Tây Ban Nha nên người ta gọi nó là Tây Ban Cầm và coi đó là một trong những biểu tượng của đất nước này. Còn Lor-ca là một con người đa tài, một thi hào vĩ đại. Ông không chỉ trình tấu ghi ta rất điệu nghệ mà còn có bài thơ nổi tiếng là Đàn ghi ta với những câu thơ biểu hiện những âm thanh như nức nở: ơi ghi ta trái tim ngươi tử thương dưới năm đầu kiếm sắc

Như vậy, nhan đề đã tạo ra sự gắn kết của hai yếu tố là cây đàn ghi ta và thi sĩ Lor-ca, nó mở ra những cảm nhận về định hướng sáng tạo của Lor-ca - luôn hướng về dòng nhạc dân gian. Ngoài ra, ta còn như thấy ở đây tình yêu vô bờ, khắc khoải với một miền quê, với đất nước Tây Ban Nha. Cây đàn đã trở thành hình tượng gắn quyện với thi sĩ, nó cất lên tiếng lòng của Lor-ca trước cuộc sống, trước thời đại.

BÀI CÙNG NHÓM