Nguyễn Khắc Viện là nhà khoa học, nhà văn hóa lớn, nhà hoạt động xã hội có uy tín. Ông là một kẻ sĩ hiện đại đã hoạt động hết mình trong việc làm cho thế giới hiểu đúng về đất nước và con người Việt Nam, xây dựng một xã hội Việt Nam văn minh, dân chủ. ông đã viết hàng trăm bài báo, chủ biên nhiều sách tiếng Pháp và tiếng Việt được đánh giá cao trong và ngoài nước về các lĩnh vực: chính trị, văn hóa, văn học, lịch sử, y học, tâm lí trẻ em,... Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là cuốn Bàn về đạo Nho (1993). Đoạn trích Con đường trở thành “kẻ sĩ hiện đại” được trích từ bài Noi theo đạo nhà trong cuốn Bàn về đạo Nho (1993). Đoạn trích tập trung thể hiện quá trình tu dưỡng, rèn luyện của bản thân tác giả, cũng như gợi ý về con đường phấn đấu trở thành kẻ sĩ hiện đại của người trí thức Việt Nam nói chung luôn thấm nhuần đạo lí Nho gia - những người trí thức của một dân tộc vôn có truyền thống văn hóa riêng của mình. Qua đó tác giả cũng muốn gửi gắm đến người đọc về chính kiến và đạo lí của một kẻ sĩ trong bồi cảnh xã hội có những thay đổi lớn lao.
Trong đoạn trích này, ngoài việc kể về quá trình tu dưỡng của bản thân, tác giả còn phân tích, định hướng cho người đọc hiểu rõ và noi theo những yếu tố tích cực, những ưu điểm của Nho giáo. Trước hết, theo ông, Nho giáo có cái gốc duy lí, không đối lập với khoa học: Cái gốc duy lí của đạo Nho không đối lập với khoa học, với học thuyết Mác,... và đặt vấn đề xử thế một cách rõ ràng và đầy đủ hơn nhiều học thuyết khác: Cơ sở nhân bản, lấy con người, lấy cuộc sống xã hội làm gốc, đúng vậy. Phân tích xã hội, để hiểu rõ lịch sử, xác định
đường lối thì chủ nghĩa Mác hơn hẳn, nhưng Mác trong đạo lí không được nổi bật và cụ thể như trong Nho giáo. Có thể nói không có học thuyết chủ nghĩa nào đặt vấn đề “xử thế” rõ ràng và đầy đủ như vậy. Đặc biệt, tác giả rất quan tâm về cách ứng xử của nhà Nho đối với vua chúa: Nhưng thích hơn cả là chuyện một nhà nho được vua gọi lên, bảo: "Nhà vua nên đến thăm tôi hơn là tôi đến thăm nhà vua". Vua hỏi vì sao - "Vì nếu tôi đến thì tôi mang tiếng là nịnh vua, còn vua đến tôi thì vua được tiếng là tôn trọng người hiền, quý kẻ sĩ". Cách ứng xử này cho ta thấy cái cốt cách của kẻ sĩ - rất khẳng khái, ngay thẳng, không sợ uy quyền, không nịnh bợ,... Thứ hai, ông còn rất quan tâm đến vấn đề tu thân và luôn đề cao trách nhiệm của con người đối với xã hội. Đặt con người trong mối quan hệ với người thân yêu và trong cộng đồng. Tác giả không đặt mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng ngang nhau mà khuyên con người ta phải yêu thương những con người trong gia đình mình trước rồi mới yêu đến người khác: Không cường điệu lên và yêu hết mọi người ngang nhau, mà phải yêu bố mẹ mình, vợ con mình đã rồi mới đến yêu người khác. Gốc rễ của vấn đề tu thân là chữ nhân. Cả đạo Nho xoay quanh một chữ. Đây chính là vấn đề cốt lõi của đạo Nho. Vậy thế nào là nhân ? Theo tác giả, nhân là tính người, khác với thứ vật. Nhân là tình người, nối kết người này với người khác. Như vậy trong đạo Nho thì chữ nhân luôn lấy tình người là nguyên tắc ứng xử cao nhất. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra ý niệm về một con người trưởng thành cần phải có, đó là phải biết tự kiềm chế, khắc kỉ, khép mình vào lễ nghĩa [...] mở rộng tầm nhìn, lấy “văn” mà tô đẹp mới thành người [...] gắn bó với người khác thì mới thật là người. Có thấu hiểu bản thân, tri thiên mệnh mới là con người trưởng thành. Thứ ba, trong hệ thống ứng xử của Nho giáo, tinh thần có mức độ (không cực đoan, thái quá) luôn hiện diện, luôn giữ được ý chí lập trường - không yêu hết thảy mọi người ngang nhau, lấy ân báo ân, trọng sự công bằng: Lấy ân báo ân nhưng cũng không đến mức lấy ân báo oán, mà báo oán thì lấy công bằng mà xử lí, nhận rõ điều gì là phi pháp, nhưng cũng không nhẫn tâm đến mức đi tố cáo bố mẹ với nhà chức trách. Vì cao hơn pháp luật là tình người, là lòng nhân,... Như thế, Nguyễn Khắc Viện đã đánh giá Nho giáo theo tinh thần khẳng định, được nhìn từ góc độ tu dưỡng đạo đức cá nhân và được trình bày xoay quanh vấn đề đạo lí. Ưu điểm lớn nhất của Nho giáo trong sự tiếp thu của tác giả là nguyên tắc ứng xử, là tình nhân ái.
Trong đoạn trích, tác giả đã có một cái nhìn mở đối với vấn đề chính kiến. Cái nhìn ấy gián tiếp nói lên tính biến động của thời đại chúng ta - một thời đại của sự cọ xát, va đập giữa nhiều học thuyết, nhiều đường lối chính trị khác nhau, nhiều giá trị được nhận thức, đánh giá lại. Trong bối cảnh ấy, sự thay đổi chính kiến của người kẻ sĩ hiện đại, nếu có cũng là chuyện dễ hiểu, đáng cảm thông, với điều kiện anh ta phải giữ vững đạo lí. Khi nhận thấy một đường lối chính trị không còn phù hợp với sự phát triển của đất nước, không lấy hạnh phúc của con người làm mục tiêu phấn đấu, người kẻ sĩ có thể từ bỏ nó. Sự thức thời trong trường hợp này có một ý nghĩa tích cực. Theo tác giả, chính kiến (hiểu là quan điểm chính trị, thái độ chính trị) là cái có thể thay đổi tùy hoàn cảnh xã hội, còn đạo lí là cái phải luôn giữ vững. Tác giả không giải thích vế thứ nhất, nhưng ta hiểu trong quan niệm của ông (cũng như của nhiều người), chính trị là cái có tính nhất thời, gắn với từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Khi làm chính trị, người ta phải biết tùy cơ ứng biến và việc hoạch định đường lối cho
sự phát triển của đất nước không phải chỉ làm một lần là xong. Nó luôn phải được nhận thức lại, bổ sung thêm, điều chỉnh, sửa đổi, trên cơ sở thu nạp thêm nhiều dữ kiện mới nảy sinh trong cuộc sống đầy biến động. Với vế thứ hai, tác giả có nói rõ hơn (dù không tập trung vào một đoạn nào cụ thể). Đúng là không thể thay đổi đạo lí, vì đạo lí là yếu tố cơ bản tạo nên nhân cách, làm cho con người sống cho ra con người, biết khép mình vào lễ nghĩa, thấu hiểu bản thân, tri thiên mệnh, không vì giàu sang mà sa đọa, không vì nghèo khó mà xa rời, không khuất phục trước uy quyền, thời buổi nào cũng giữ được đường đi và đặc biệt là giúp cho con người gắn nối được với truyền thống tốt đẹp của ông cha, không bị đứt hết gốc rễ. Điều này không hề mâu thuẫn với điều tác giả viết: Thế nào là nhân ? Cả đạo Nho xoay quanh một chữ. Nhân và đạo lí dĩ nhiên không phải là một. Nhân là khái niệm triết học của Khổng Tử, còn đạo lí là tinh thần của triết học Khổng Tử mà tác giả chiêm nghiệm thấy và rút ra được để thành chữ nhân. Như vậy, đạo lí là gốc rễ tồn tại của đời sồng tinh thần, mất đạo lí là mất con người, mất bản năng của chính mình. Nhìn chung, tác giả đả có một cái nhìn duy lí, thấu suốt về vấn đề, có tinh thần tự chủ cao độ, hiểu rất rõ việc mình cần làm, đang làm. ông không hề né tránh đối thoại với những người chê trách mình, thẳng thắn thừa nhận mình có thay đổi chính kiến. Qua cách lí giải vấn đề của ông, ta thấy ở ông nổi bật cốt cách của một kẻ sĩ thấm nhuần đạo lí nho gia, tiếp thu được tinh thần duy lí của phương Tây và có những đường nét như là gàn (theo một góc nhìn nào đó) của ông đồ Nghệ.
Được sinh ra trong một gia đình nhà nho, được học và hoạt động ở phương Tây nhưng ông vẫn thấy được giá trị của đạo đức của một nhà nho trong đời sống hiện đại. Chính những nguyên tắc ấy đã giúp ông thành đạt, sống có ý nghĩa với xã hội. Tác giả thấm nhuần truyền thống đạo lí Nho gia và biết rút ra những tinh hoa từ nhiều thuyết học khác, đặc biệt là học thuyết Mác để tự xác lập được một tư thế dấn thân, một cách dấn thân hợp lí và có hiệu quả. Ông dám bày tỏ chủ kiến trên cơ sở phân tích một cách duy lí, khoa học các mặt ưu điểm, nhược điểm của từng học thuyết: Nhân văn là tìm hiểu con người về cả ba mặt sinh học - xã hội - tâm lí để cố luyện mình theo ba hướng: dưỡng sinh (thầy Khổng bỏ qua mặt này), xử thế, tu thân (Mác xem nhẹ mặt này). Khi bàn về nhiệm vụ của nhà Nho trong xã hội hiện nay, tác giả khẳng định: Đóng góp phần mình cho cuộc đấu tranh cứu nước, xây dựng dân chủ, khoa học nhân văn là ba bước đường tôi đã lựa chọn. Quan niệm này thể hiện tác giả là người vừa có sự tiếp thu tiến bộ của Nho học, vừa kế thừa quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, vừa thể hiện chủ kiến của mình,... ông luôn giữ được thái độ độc lập với thế quyền (tác giả thích cách ứng xử truyền thống của nhà nho đối với vua chúa), không đồng nhất con người chính trị với con người đạo lí và tuyên bố thẳng thắn cách liên minh với chính trị của mình: Có thể liên minh chính trị với quý, chỉ kết bạn với người có “đạo”, dù là “đạo” khác. Liên, minh chỉ nhất thời, nghĩa là bạn lâu dài. Trong việc hoàn thiện nhân cách, tác giả còn bị ảnh hưởng từ tấm gương của người cha là ông Nguyễn Khắc Niêm. Tuy không phải là tất cả, giúp tôi nên người nhưng ông vẫn là một tấm gương sáng về học tập và tu dưỡng. Tác giả không tuyệt đối hóa vai trò và ảnh hưởng của Khổng Tử nhưng cũng không phủ nhận vai trò ảnh hưởng của thuyết Khổng Tử đối với xã hội hiện đại: Tôi không xem ông Khổng là một vị thánh mà chỉ xem là một trong những bậc thầy lớn nhất đã giúp cho loài người tiến lên thành người, và nay vào cuối thể kỉ này, ngẫm lại nhiều điều ông dạy vẫn còn rất bổ ích. Con người muốn hoàn thiện mình cần phải chắt lọc và học tập không ngừng. Học từ tấm gương sáng của người thân, từ những học thuyết tích cực và tiến bộ của người đi trước để lại.
Trong bối cảnh chính trị, xã hội phức tạp và quá trình Việt Nam giao lưu hội nhập với thế giới hiện nay, việc phấn đấu trở thành kẻ sĩ hiện đại có ý nghĩa rất quan trọng đối với tầng lớp trí thức, vì nó giúp họ đứng vững được trước nhiều cám dỗ, đặc biệt là cám dỗ vật chất, giữ được cái gốc đạo lí, không đứt hết gốc rễ với truyền thống. Đồng thời, nó cũng giúp họ khôi phục được vị trí đáng trọng của mình trong xã hội với tư cách là một tầng lớp tinh hoa, có nhiều cống hiến xứng đáng cho công cuộc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trên thực tế, trí thức và kẻ sĩ hiện đại không phải là một. Đây là hai phạm trù có sự khác biệt về chất; từ trí thức đến kẻ sĩ hiện đại có một quãng dài cần vượt qua bằng sự tu dưỡng bản thân không ngừng kết hợp với sự mài sắc ý thức cống hiến cho đất nước, cho dân tộc, theo tinh thần của những nho sĩ chân chính xưa. Xét trong bối cảnh rộng, việc người trí thức phấn đấu trở thành kẻ sĩ hiện đại hoàn toàn thuận với con đường phát triển của xã hội Việt Nam hiện nay: phát huy sức mạnh truyền thống, thấu hiểu những kinh nghiệm quý báu của thế giới để tạo nên một cuộc bứt phá tốt đẹp hướng về tương lai.
Bài học lớn nhất mà chúng ta rút ra được từ trường hợp tu dưỡng, rèn luyện của tác giả chính là bài học về đạo lí. Cái gốc của đạo lí, của lí tưởng, của nguyên tắc sống là tình người, là cái tâm. Mặt khác, cũng cần phải biết kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, và dù hoàn cảnh sống nào thì quan trọng nhất vẫn là đạo lí, thể hiện qua mối quan hệ giữa người với người.