Hình ảnh và thân phận người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương

Trong lịch sử văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng hết sức độc đáo: nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm đà chất văn học dân gian, từ đề tài, cảm hứng, đến ngôn ngữ, hình tượng. Nổi bật trong thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói thông cảm đối với người phụ nữ, là sự khẳng định, đề cao vẻ đẹp và khát vọng của họ.

Đào Thái Tôn trong “Hồ Xuân Hương - từ cội nguồn vào thế tục” đã nhận định về: “Thơ Hồ Xuân Hương không bao giờ tĩnh lặng, bằng phẳng, đăng đối, mà ngược lại chúng luôn sống động, gai góc, gồ ghề, xa lạ với chừng mực hài hòa của phong khí văn chương thời đại”. Người ta gọi Hồ Xuân Hương nhà thơ của phụ nữ, là người viết về phụ nữ rất sâu sắc. Trong thơ bà, người ta thấy hiện lên hai hình ảnh của người phụ nữ: khổ đau và bản lĩnh. Tất cả đều bắt nguồn từ việc bà ý thức được về vẻ đẹp của giới mình nhưng cũng ý thức được về hoàn cảnh xã hội mà những người phụ nữ như bà đang phải sống. Người phụ nữ đẹp cả về hình dáng lẫn tâm hồn nên họ xứng đáng được ngợi ca nhưng cũng vì vẻ đẹp ấy, họ phải gánh chịu biết bao bất công trong một xã hội thực dân phong kiến trọng nam khinh nữ thối nát. Hồ Xuân Hương, bằng bản lĩnh mình, đã lên tiếng nói về lòng mình mà cũng là nói hộ cho nỗi lòng của biết bao người phụ nữ ấy trong xã hội phong kiến. Đọc thơ bà, người ta bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ bản lĩnh, gai góc, dám lên tiếng khẳng định vẻ đẹp và tài năng của mình, vượt lên trên những định kiến và sự hạn chế của xã hội phong kiến; một người phụ nữ dám ném thẳng vào xã hội, vào mặt những kẻ đàn ông nhưng không đáng mặt trượng phu những tràng cười mỉa mai, khinh bỉ, hạ chúng xuống hàng của những kẻ tầm thường, không hơn, không kém; người dám lên tiếng không những bảo vệ mình mà còn là bảo vệ giới mình, bảo vệ thân phận những người phụ nữ; một người phụ nữ với những phút giây “tự tình” đầy xúc cảm chân thành...

Xuân Diệu coi Hồ Xuân Hương là nhà thơ của “hai lần độc đáo” bởi trong thời đại bấy giờ, bà không chỉ là một trong số rất ít những nhà thơ nữ mà còn là một nhà thơ nữ viết về phụ nữ một cách đầy bản lĩnh. Trước hết, thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói khẳng định vẻ đẹp, tài năng và bản lĩnh cá nhân. Khẳng định vẻ đẹp của họ, Hồ Xuân Hương không chỉ nhấn mạnh vẻ đẹp hình thức mà còn là sự hài hòa giữa vẻ đẹp về hình thức và vẻ đẹp tâm hồn. Đó là vẻ đẹp trắng trong, tinh khiết:

“Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình

Chị cũng xinh mà em cũng xinh

Đôi lứa như in tờ giấy trắng

Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh”.

Vẻ đẹp trong trắng, hồn nhiên ấy như được chạm khắc vào thời gian một cách vĩnh cửu. Không chỉ vậy, đó còn là vẻ đẹp khác lạ: lạ lùng, thanh tân, có đường nét, hình khối, “một vẻ đẹp đầy sức sống, một vẻ đẹp đang lên men” (Nguyễn Đức Bính):

“Lược trúc biếng cài trên mái tóc

Yếm đào trễ xuống dưới nương long

Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm

Một lạch đào nguyên suối chửa thông”.

Vẻ đẹp phồn thực nhưng lại hết sức hồn nhiên, trong sáng nên có sức mê hoặc lòng người, vẻ đẹp ấy không phải người phụ nữ nào trong xã hội đó cũng dám lên tiếng khẳng định. Không chỉ khẳng định vẻ đẹp về hình thức, Hồ Xuân Hương còn rất chú trọng đến vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.

Miêu tả về chiếc bánh trôi và các công đoạn làm bánh, Hồ Xuân Hương đã không ngần ngại liên tưởng đến hình ảnh của người phụ nữ để từ đó khẳng định vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu của họ. Bài thơ ẩn chứa những ngậm ngùi về thân phận nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là lời khẳng định phẩm giá đầy kiêu hãnh: dù số phận có lênh đênh vất vả nhưng tấm lòng trinh bạch, son sắt thì vẫn không bao giờ thay đổi. Một điểm thú vị nữa có thể coi là một hiện tượng chỉ có ở Hồ Xuân Hương đó là bà ca ngợi người phụ nữ ở những vẻ đẹp phồn thực nhất, không ngần ngại khi nhắc đến cả những điều trần tục. Người phụ nữ đẹp bởi tất cả những gì vốn thuộc về họ. Họ có vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết, và căng tràn nhựa sống. Đó là cái đẹp được nhà nghiên cứu gọi là cái đẹp trần thế luôn cựa quậy, khiến cho... đứng ngồi không yên biết bao bậc tu mi nam tử. Nhưng nói về vẻ đẹp của người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương từng ấy thôi chưa đủ. Người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương không chỉ đẹp, đó còn là những người phụ nữ thông minh, tài năng, sắc sảo, nhanh nhẹn và đầy bản lĩnh. Người phụ nữ của bà dám “ghé mắt trông ngang” để mà mỉa mai về “sự anh hùng”:

“Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo

Kìa đền Thái thú đứng cheo leo

Ví đây đổi phận làm trai dược

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?”.

Đền chùa là nơi thuộc về tâm linh, thường được kính trọng, thế nhưng với ngôi đền thờ tên tướng giặc sầm Nghi Đống, Hồ Xuân Hương lại bộc lộ một thái độ khinh bỉ, thiếu trân trọng đến ngang ngược. Bà chỉ “ghé mắt”, chỉ “trông ngang” bởi thấy cái “sự anh hùng” của sầm Nghi Đông chỉ tầm thường một cách đáng thương. Thi sĩ nói tất cả những điều đó với sự tự tin vào khả năng của bản thân, một sự bản lĩnh cũng là một kì tích mà thậm chí đến cả đấng nam nhi không phải ai cũng có thể làm được. Chân dung người phụ nữ bản lĩnh, cá tính, thông minh dường như không lúc nào mờ nhạt. Thế nên mới có một Hồ Xuân Hương xưng “chị” mà lớn tiếng “Mắng lũ học trò dốt” tưởng rằng có học nhưng cũng chỉ là những kẻ tầm thường, đáng bị đưa ra để cười cợt. Và một Hồ Xuân Hương, mời trầu người ta nhưng cũng theo một cách riêng đầy bản lĩnh:

“Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương đã quệt rồi

Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá, bạc như vôi”.

Mời trầu, mời duyên, một lời mời rất dân dã nhưng người mời không lúc nào đánh mất đi sự chủ động của mình. Đem miếng trầu ra mời có sự tha thiết nhưng lại không tha thiết một chút nào. Người phụ nữ ở đây mời trầu những lòng vẫn đầy nghi ngờ. Mời nhưng vẫn giữ cho mình một tư thế chủ động tuyệt đối, bởi tâm chân tình của người mời là có thực, chỉ sợ rằng tình người đen bạc lại phụ mất tấm chân tình đó mà thôi. Đó là cách mời rất Xuân Hương nhưng cũng là cách mời khiến cho người đời phải trăn trở, nghĩ suy.

Khẳng định vẻ đẹp, tài năng và bản lĩnh của mình, Hồ Xuân Hương cũng lên tiếng ngợi ca, khẳng định vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội đó. Tuy vẫn có một chút buồn tủi song trên hết vẫn là sự thông minh, tự tin, bản lĩnh hiếm có và một nét riêng không thể trộn lẫn trong cá tính Hồ Xuân Hương.

Người phụ nữ của Hồ Xuân Hương mang vẻ đẹp cả về hình thể và tâm hồn, lẽ ra, họ phải nhận được hạnh phúc xứng đáng. Vậy mà “Hồng nhan bạc phận”, trong xã hội đó, họ lại luôn phải chịu những điều bất hạnh. Đồng cảm với họ, thơ Hồ Xuân Hương còn là tiếng nói cảm thương chân thành. Hồ Xuân Hương không quan tâm đến những người phụ nữa gặp may mắn trên đường đời, cũng không quan tâm đến những người phụ nữ nơi lầu son gác tía - đề tài quen thuộc trong thơ văn trung đại mà chỉ quan tâm đến những người phụ nữ lao động bình thường chịu nhiều thua thiệt trong cuộc đời. Thơ bà thể hiện sự cảm thương sâu sắc, thương cho người và cũng là thương cho mình. Thơ bà có hẳn hai mảng về nỗi bất hạnh của người phụ nữ, trong tình yêu và trong cuộc sống gia đình. Bản thân Hồ Xuân Hương cũng là một người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh về tình duyên: hai lần làm lẽ và cả hai lần tình duyên đều không trọn vẹn. Hơn ai hết, bà thấm thía cảnh duyên phận hẩm hiu, nỗi cô đơn và bất hạnh của những người bị ông tơ bà nguyệt trêu đùa. Hồ Xuân Hương đã “tự tình”, “tự thán” để nói lên tình cảnh và tâm trạng của mình, cũng là nói thay cho bao người phụ nữ khác.

“Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh

Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh”.

Thân phận người phụ nữ cũng lênh đênh, lận đận như chiếc thuyền giữa dòng, mãi mà chưa thể tìm được chốn neo đậu bình yên. Nỗi ngao ngán vì tình duyên muộn mằn khiến cho người phụ nữ dường như chán nản: “Ấy ai thăm ván cam lòng vậy/ Ngán nỗi ôm đàn những bấp bênh”. Vậy nhưng thời gian vẫn trôi đi không trở lại, để cho họ ở đó, giữa đêm khuy thanh vắng để đối diện với tình cảnh buồn thảm và éo le của mình:

“Canh khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non

(...) Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con”

“Mảnh tình san sẻ tí con con” đó là một mảnh tình không trọn vẹn. Đã chỉ là “mảnh tình thôi” lại còn bị san sẻ đến “con con”. Có một cái gì đó chua chát, ngán ngẩm, bẽ bàng, cô độc đến đáng thương, đến tội nghiệp. Có lúc, nó được đẩy lên thành nỗi oán hận, không thể nào giải tỏa hết được, giận bởi đời, giận bởi số kiếp mình hẩm hiu, giận vì “duyên để mõm mòm”. Ngay cả khi với bản lĩnh của mình, Hồ Xuân Hương vẫn nói lên lời thách thức cuộc đời: “Thân này đâu đã chịu già tom” nhưng sâu xa, người ta vẫn cảm nhận được tình cảnh đáng thương và những nỗi niềm thầm kín sâu sắc của một người phụ nữ tình duyên bất hạnh. Tiếng nói cá nhân nhưng lại có ý nghĩa đại diện sâu sắc cho số phận của biết bao người phụ nữ trong xã hội thời bà, những người ý thức được về mình nhưng lại không được làm chủ cuộc đời và số phận của chính mình.

Không chỉ vậy, Hồ Xuân Hương còn lên tiếng tố cáo, bênh vực người con gái vì “cả nể” mà phải mang trong mình “khối tình con”, nhận biết bao điều tiếng.

“Cả nể cho nên hóa dở dang

Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng?”

Người con gái biết mình có lỗi nhưng không cho đó là cái tội, mà chỉ vì sự cả nể. Nàng nghĩ đến cái nghĩa trăm năm để đầy bao dung, oán giận nhưng vẫn sẵn sàng tha thứ và đầy hi sinh, kiên cường trước búa rìu dư luận. Trong một xã hội mà những người phụ nữ như nàng bị khinh rẻ, bà lại lớn tiếng khẳng định: “Không có nhưng mà có mới ngoan”. Không phải ca ngợi, không phải đồng tình, mà đó chỉ là sự cảm thông, che chở. Hồ Xuân Hương đã rất thấu tình đạt lí khi bao bọc cho người con gái lỗi lầm kia.

Không chỉ chú ý đến những bất hạnh của người phụ nữ trong tình yêu, nữ thi sĩ họ Hồ còn chú ý đến những bất hạnh của người phụ nữ trong cuộc sống vợ chồng mà chỉ yếu là ở cảnh làm lẽ, nói chung cho người phụ nữ và mang cả dấu ấn cuộc đời của Hồ Xuân Hương:

“Kể đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Năm thì mười họa chăng hay chớ

Một tháng đôi lần có cũng không

Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng

Cầm bằng làm mướn, mướn không công

Thân này ví biết dường này nhỉ

Thà trước thôi đành ở vậy không”.

Hồ Xuân Hương đã không ngần ngại khi nói đến những chuyện tế nhị trong hạnh phúc vợ chồng. Bi kịch của người phụ nữ được bà chú ý ở đây là danh phận là vợ nhưng thân phận lại như con ở - một thứ con ở không công, vậy mà cũng chỉ biết oán thoán, chịu đựng. Đau đớn hơn nữa còn là sự thiếu thốn tình cảm vợ chồng, là cảm giác cô đơn lạnh lẽo ngay giữa chính căn nhà mà mình đang ở. Hồ Xuân Hương đã từng làm lẽ hai lần. Nỗi bất hạnh của cảnh “Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng” không phải là hiếm trong xã hội phong kiến mà chắc hẳn bà đã là người ít nhiều trải nghiệm. Hồ Xuân Hương là kiểu người không chịu cúi đầu mà khóc, không chỉ với bản thân mình mà với người khác nữa. Bà đứng trước đau khổ người khác, không phải để góp thêm nước mắt mà để vỗ về, dìu họ ra khỏi đau thương.

“Hồ Xuân Hương là một nhà thơ đầy sáng tạo. Các nghệ sĩ tài năng vừa tuân thủ thi pháp thời đại mình vừa vi phạm các quy tắc ấy và sáng tạo phong cách của riêng mình. Hồ Xuân Hương sáng tạo một phong cách thơ Đường mới, một thế giới đời thắm tươi, một thiên nhiên tràn đầy sức sống, một triết lý tự nhiên của cuộc đời trần thế, của trực giác, cảm giác, bản năng, của say mê,...” (Đỗ Đức Hiểu). Viết về hình ảnh và thân phận của người phụ nữ một cách sâu sắc và đầy bản lĩnh, Hồ Xuân Hương không chỉ nói về thân phận của mình mà còn là tiếng nói cảm thông với số phận bất hạnh của những người phụ nữ ý thức được vẻ đẹp hình thể và tâm hồn mình nhưng phải chịu đựng biết bao bất công trong xã hội. Tiếng nói ấy sẽ còn tìm được sự đồng cảm và đón nhận của những người phụ nữ nói riêng và con người nói chung trong mọi thời đại.

BÀI CÙNG NHÓM