Ca dao - dân ca, những viên ngọc cứ lấp lánh...

Thuở nhỏ trên cánh võng buổi trưa hè mát rượi, bên vành nôi ấu thơ, những câu hát như những cơn gió mùa thu mẹ ru con ngủ; năm canh chày thức đủ năm canh... đã nuôi tôi khôn lớn cùng dòng sữa ngọt của mẹ. Những câu ca đã lớn lên cùng năm tháng như một miền riêng cổ tích tuổi thơ tôi: có cánh cò lặn lội sớm hôm, có cây đa, bến nước, sân đình... Tất cả như một dòng sữa dạt dào thấm sâu vào tâm hồn thơ bé của tôi. Chả thế mà giờ này nhớ lại tôi ước ao được vùi vào lòng mẹ để được sống trong miền cổ tích ấy...

Những lời hát ru của mẹ đó là lời những câu ca dao, dân ca cổ của dân tộc Việt Nam. Nó là tiếng nói tâm tư, tình cảm, là những suy nghĩ sâu sắc đúng đắn về cuộc đời, về con người và lẽ sống của nhân dân ta. Hay nói cách khác ca dao như là triết lí sống cao đẹp của nhân dân, của dân tộc Việt Nam. Những câu ca dao đó chỉ là những câu nói bình dị, được nhân dân ta mượn hình ảnh người đời thực và thổi vào đó những quan niệm nhân sinh, triết lí sâu sắc. Chỉ đơn giản hình tượng con cò mà ta bắt gặp bên lời ru của mẹ, thì trong ca dao nó tượng trưng cho nhiều số phận, nhiều cảnh ngộ và khát vọng khác nhau của người nông dân Việt Nam thời phong kiến như:

Con cò mỏng mảnh mông manh

Nó ngồi nó vá tấm xanh tấm vàng

Con cò bắt tép bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

Đặc biệt trong bài Con cò mà đi ăn đêm tác giả dân gian đã khéo léo mượn chuyện để trình bày quan niệm triết lí sâu sắc và cao đẹp về sự sống chết của con người, ở đây con cò rất ham sống, nó thiết tha kêu cứu:

Ông ơi, ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.

Nhưng cái làm cho nó lo lắng, băn khoăn day dứt nhất lại không chỉ là vấn đề sống hay chết mà chính là vấn đề chết như thế nào? Đó là chết trong hay chết đục. Chủ đề tư tưởng của bài ca dao là ở chỗ đó. Sự hấp dẫn và sự sống của bài ca dao này cũng là ở chỗ đó:

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

Điều đó cũng giống như việc gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn... Đây chỉ là một ví dụ nhỏ cho quan niệm triết lí nhân sinh của nhân dân ta.

Cái góp phần quan trọng tạo nên sức hấp dẫn cho ca dao, dân ca không chỉ là nội dung mà nó phản ánh, mà điều đặc biệt quan trọng góp phần truyền cảm ca dao vào tâm hồn con người là ngôn ngữ và nghệ thuật sử dụng các biện pháp tu từ hay nói cách khác là phương tiện dân gian truyền đạt.

Ca dao, dân ca Việt Nam gồm nhiều loại, nhiều nhóm bài ca, phản ánh nhiều mặt khác nhau của đời sống nhân dân. Bên cạnh đó có sự khác nhau của truyền thống ca hát, cùng với những đặc điểm lịch sử của ngôn ngữ dân tộc đã làm cho phương pháp sáng tác của ca dao, dân ca không phải bao giờ và bất cứ trong trường hợp nào cũng đều thuần nhất. Song trong phong cách nghệ thuật thơ ca của nhân dân, ta vẫn thấy hình thành một số đặc điểm chung, những đặc điểm này tập trung nhiều nhất ở các câu và các bài ca cổ truyền.

Về thể thơ, âm hưởng, nhịp điệu tạo nên tính cấu trúc của ngôn ngữ nghệ thuật của ca dao. Thể thơ đơn giản (câu ngắn, ít âm tiết) thường được gọi là các thể nói lối, hay thể văn (văn hai, ba, bốn, năm), các thể thơ này dùng phổ biến trong đồng dao, ca dao nghi lễ, phù chú...

Ví dụ như bài đồng dao, trẻ nhỏ hay hát như:

Chi chi chành chành

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa chết trương

Ba vương thượng đế

Cấp kế đi tìm

Ú tim ù ập...

Nhịp thơ nhanh 2/2, vui vẻ, khoẻ khoắn, vần trong thể vần được gieo cả ở tiếng bằng lẫn tiếng trắc, ở cuối câu (vần cuối - cước vận) lẫn giữa câu (vần lưng - yêu vận) cho nên khi đọc rất dễ nhớ, dễ thuộc. Thể văn thường được dùng kết hợp với thể lục bát, trường hợp này tiết tấu, âm điệu phong phú của câu ca dao có khả năng diễn tả được những cung bậc, tình cảm khác nhau:

Anh nói với em

Như rựa chém xuống đá

Như rạ cắt xuống đất

Như mật rót vào tai..

Bây giờ anh đã nghe ai.

Bỏ em giữa chốn thuyền chài rứa ri?

Tuy nhiên, thể văn thường gặp trong các bài ca dao cổ; thể văn ít được dùng hơn so với thể lục bát và song thất lục bát.

Thể lục bát và song thất lục bát vốn có nguồn gốc sâu xa từ những đặc điểm của ngôn ngữ dân tộc, là sự phát triển đến mức hoàn chỉnh của tiếng nói câu đối, nhịp nhàng trong tục ngữ. Đây là những thể thơ dân tộc có nhiều khả năng trong việc diễn tả nội dung trữ tình.

Thể lục bát hoàn chỉnh, lối gieo vần bằng và nhịp điệu uyển chuyển của câu thơ tạo nên những cung bậc, sắc thái tình cảm khác, từ cảm xúc trong sáng, vui tươi, những tình cảm thiết tha, đến những nỗi buồn man mác tê thê. Đó là những câu ca dao như:

Yêu nhau cởi áo cho nhau

Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay...

Một lời nói dối thật đáng yêu... hay lời trách móc nhẹ nhàng.

Người thương ơi hỡi người thương

Ai đâu mà để luồn hương lạnh lùng...

Hay:

Người sao một hẹn thì nên

Người sao chín hẹn thì quên cả mười...

Đây là thể thơ phù hợp nhất với ngôn ngữ Việt và tâm hồn Việt.

Thể song thất lục bát, vần trắc và tiết tấu theo nhịp 3/4 của những câu bảy chữ lại có khả năng diễn tả những tình cảm khúc mắc, những nỗi đau khổ uất ức, như:

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân / nở ra xanh biếc

Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay

Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?

Bây giờ em đã có chồng,

Như chim vào lồng như cá cắn câu

Cá cắn câu / biết đâu mà gỡ,

Chim vào lồng / biết thuở nào ra?...

Ngoài vần trắc, ở cuối câu thứ nhất và tiếng thứ năm câu thứ hai, thể song thất trong ca dao còn có thêm vần bằng ở giữa câu thứ nhất, có khi mở bài và kết thúc bằng thơ lục bát, còn bốn câu bảy chữ nằm ở giữa như cái lõi của bài ca dao: ví dụ:

Chòng chành như nón không quai

Như thuyền không lái như ai không chồng

Gái có chồng như gông đeo cổ

Gái không chồng như phản gỗ đóng đanh

Phán đóng đanh anh còn đóng được

Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi

Không chồng khổ lắm ai ơi.

Nhịp điệu uyển chuyển và sự xen kẽ của vần lưng và vần chân, vần bằng và vần trắc làm cho các câu thơ quấn quýt lấy nhau, câu nọ kéo theo câu kia một cách liên tục không thể xa rời nhau được. Có một nhà văn đã nhận xét về đặc điểm của thể thơ lục bát như sau: Dùng một hình ảnh ta có thể ví lối thơ đường luật như một chiếc bình pha lê kết tinh trong suốt nhưng không đủ sức lôi cuốn của một dòng sông. Thơ lục bát, trải lại, vì hợp với tiếng nói nước ta hơn nên có thể dùng được nguồn cảm hứng tràn lan, đó là thể thơ lục bát, kể chuyện của dân chúng (Nguyễn Đình Thi).

Những đặc điểm chủ yếu trên đây của thể thơ dân tộc trong ca dao nói riêng, trong thơ ca dân gian nói chung có ảnh hưởng rõ rệt đến cấu trúc nhạc điệu, tiết tấu. Sự kết hợp giữa hình tượng nghệ thuật của ngôn ngữ văn học với hình tượng nghệ thuật của ngôn ngữ âm nhạc thường làm tăng sức mạnh thể hiện, nhất là truyền cảm của câu ca dao đó là sự thể hiện một ý tròn vẹn và cô đọng. Vì vậy mà kết cấu nghệ thuật trở thành truyền thống làm khuôn mẫu cho thị hứng của nhân dân.

Ngoài thể thơ là nét đặc sắc nghệ thuật, ca dao còn hay ở cách cấu tứ trong ca dao. Trong mỗi bài ca dao đều có ý - tứ, sự - tình, ba kiểu cấu tứ phổ biến trong ca dao là phú, tỉ, hứng. Hầu hết trong ca dao truyền thống đều được làm theo một trong ba thể ấy: Chính phương pháp này đã tạo cho ngôn ngữ trong ca dao giàu tính hình ảnh, biểu cảm cao mà ngôn ngữ vẫn bình dị gần với đời sống, lời ăn tiếng nói của nhân dân.

Làm sao có thể quên những câu ca dao hay và đẹp đến nao lòng như:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ

Ai vô xứ Nghệ thì vô...

Đúng là một bức tranh Sơn thuỷ hữu tình, đầy vẻ tự hào trước vẻ đẹp của quê hương đất nước:

Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói toả ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

Một bức tranh buổi sớm mai tĩnh lặng - trong lành của cảnh vật một cách tuyệt đối và để tạo nền cho hoạt động lao động của nhân dân.

Trong ca dao trữ tình chúng ta còn thấy một kết cấu theo lối đối thoại. Đặc biệt trong những câu hát trao duyên, câu đố của những nam thanh nữ tú trong đêm trăng về để từ đây tình yêu của chàng và nàng đã thành một cặp vần:

- Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng

Cau xanh ăn với trầu vàng xứng chăng?

- Trầu vàng nhá với cau xanh

Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời.

Hay:

Gặp đây mận mới hỏi đào:

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Mận hỏi thì đào xin thưa

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.

Lối kết cấu theo thể đối thoại là kết quả của một kiểu cấu tứ đặc biệt: hầu hết ca dao, dân ca về tình yêu nam nữ là hình thức trao đổi tình cảm giữa nam nữ, từ những lời ướm hỏi nhau rồi thề nguyền gắn bó với nhau, tới những lời than thở nhớ nhung, trách móc nhau... đó là sự phản ánh những điều kiện thực tế trong quan hệ nam nữ ở nông thôn Việt Nam trước đây.

Để xây dựng thành công hình tượng trong ca dao, người nghệ sĩ dân gian đã dùng rất nhiều biện pháp tu từ nghệ thuật, trong đó có một số biện pháp chủ yếu và thông dụng.

So sánh, ví von là thủ pháp nghệ thuật được sử dụng thường xuyên và phổ biến nhất trong ca dao truyền thống. Nghệ thuật so sánh trong ca dao rất đa dạng: khi so sánh trực tiếp thì tác giả ca dao thường dùng các từ chỉ quan hệ so sánh: như; như thể, là, như là...

Cổ tay em trắng như ngà.

Đôi mắt em biếc như là rau câu,

Miệng cười như thể hoa ngâu,

Cái khăn đội đầu như thề hoa sen...

Hay:

Đôi ta như thể con tằm

Cùng ăn một lá cùng nằm một nong

Đôi ta như thể con ong,

Con quấn con quýt con trong con ngoài...

Phải nói là cách nói của nhân dân rất hình ảnh, thể hiện trí tuệ, một tình cảm sâu sắc từ cách tỏ tình rất có duyên, cái khen chê rất tế nhị; cách yêu rất tinh tế.

Phương pháp ẩn dụ là một biểu hiện cao hơn, tế nhị hơn lối so sánh, ví von. Những hình tượng ẩn dụ trở thành cổ truyền trong ca dao Việt Nam như: Thuyền - biển, bướm - hoa, trúc - mai... Cách nói thật dễ đi vào lòng người khơi gợi tình yêu thương:

Thuyền về có nhớ bến chăng?

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

Tâm trạng háo hức, vui mừng:

Trầu này cúc - trúc - mai - đào

Trầu này thục nữ anh hào sánh đôi...

Ca dao cổ còn sử dụng phương pháp nhân cách hoá để kể chuyện và phô diễn tâm tư, tình cảm như:

Buồn trông con nhện chăng tơ

Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?

Buồn trông chênh chếch sao mai

Sao ơi, sao hỡi nhớ ai sao mờ?...

Ca dao còn thường dùng biện pháp trùng điệp (điệp từ, câu, ý...) để tô đậm chủ đề và làm tăng sức biểu hiện. Ví dụ:

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước - bên đường hôm nao.

Điệp từ nhớ được nhắc lại nhiều lần, mức độ tình cảm tăng lên rõ rệt, chứng tỏ tình cảm này luôn thường trực và ám ảnh nhân vật trữ tình này.

Bên cạnh đó phương pháp phóng đại, ngoa dụ thậm xưng cũng được dùng nhiều trong cạ dao, nhất là trong ca dao trào phúng, trong lời thề nguyền, dặn dò của tình yêu nam nữ:

Bao giờ chạch đẻ ngọn đa

Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.

Năm gian nhà ngói bức hàn

Trái duyên xem tựa một gian chuồng gà.

Một đặc điểm nữa của ngôn ngữ nghệ thuật trong ca dao là tính hình tượng hoá cụ thể hoá những cái vô hình. Ví dụ:

Ai đi muôn dặm non sông

Để ai chất chứa sầu đông vơi đầy.

- Gánh cực mà đổ lên non

Còng lưng mà chạy, cực còn chạy theo

- Tình anh như nước dâng cao

Tình em như dải lụa đào tẩm hương.

Sầu, cực, tình anh, tình em là những cái vô hình đã được miêu tả thành những vật hữu hình có khối lượng (có thể đong được), trọng lượng (có thể gánh được) thậm chí có cả màu sắc và mùi vị... Trong ca dao cổ, có nhiều câu dùng biện pháp hình tượng hoá rất táo bạo, độc đáo:

Chơi xuân kẻo hết xuân đi

Cái già sồng sộc nó thì theo sau...

Trên đây là những đặc sắc về ngôn ngữ nghệ thuật trong ca dao cổ Việt Nam: Giọng điệu tâm tình ngọt ngào,’ ngôn ngữ bình dân, cách cấu tứ và các thủ pháp nghệ thuật, tính hình tượng và tính cụ thể hoá... những liệt kê chưa đủ về đặc điểm ngôn ngữ ca dao, nhưng là những phương tiện chủ yếu để tạo nên cái đẹp cho ca dao dân tộc, để tạo nên giá trị lớn trong đời sống tâm hồn Việt Nam, và có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc... Tất cả tạo nên sức sống trường tồn vĩnh cửu của văn học, đặc biệt là ca dao, dân ca cùng thời gian, cùng tâm hồn mọi thế hệ - như những viên ngọc cứ lung linh, lấp lánh...

BÀI CÙNG NHÓM