Qua ca dao dân ca em hãy làm sáng tỏ vẻ đẹp của con ngươi Việt Nam trong đời sống nhiều gian truân ngày trước

Có nơi đâu đẹp tuyệt vời

Như sông như núi như người Việt Nam...

Bốn ngàn năm lịch sử lấp lánh trôi đi với thơ và máu, lửa và hoa, với chân dung con người Việt Nam lung linh toả sáng. Cát bụi thời gian có thể xoá mờ tất cả nhưng ở đây trên đất nước này thì nó lại sẽ càng tô đậm thêm ánh hào quan cho con người Việt Nam. Cái thời mà tiếng khóc nỉ non của những cánh cò, cánh vạc vang lên từ sau những luỹ tre làng, cái thời bát mồ hôi đổi bát gạo... đã lùi vào quá khứ nhưng vẫn còn đây mãi mãi sức sống và vẻ đẹp của những con người luôn khao khát vươn lên. Lời ca dao ngọt dịu văng vẳng đâu đây:

Hoa người đẹp nhất em ơi

Không hương sắc lại bằng mười sắc hương.

Liệu đó có phải là những nét khắc hoạ sâu sắc và hoàn chỉnh về con người Việt Nam? Ca dao nối tiếp ca dao sẽ đưa ta về với nguồn cội. Ca dao luôn là nguồn suối mát tưới vào tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Đó là dòng sữa mẹ đã nuôi lớn tâm hồn của dân tộc này. Ca dao không chỉ là những viên ngọc sáng chói của nền văn học Việt Nam mà gần gũi hơn, đó là kí ức êm đẹp nhất của thời thơ ấu nơi mỗi chúng ta. Từ cái thuở hãy còn đong đưa giấc ngủ trong cánh nôi, mỗi chúng ta đã được làm quen với những làn điệu dân ca trong lời ru của mẹ, câu chuyện của bà. Những điều chúng ta học được ở tuổi ấu thơ là những điều chúng ta nhớ mãi. Đúng vậy, những cánh cò bay qua giấc ngủ. Những hình ảnh con người, tên sông, tên núi trong ca dao, vĩnh viễn không bao giờ tách khỏi tâm hồn của chúng ta, và những điều đó đã trở thành máu thịt. Những khái niệm đầu tiên về cuộc sống và con người đến với ta thật nhẹ nhàng và dịu êm. Qua lăng kính của ca dao ta nhận diện cuộc đời rõ nhất và dân tộc nhất. Cái lăng kính đó mở ra cả một thời đau thương của đất nước và đẹp đẽ hơn đó là chân dung của những con người.

Hoa người đẹp nhất em ơi

Không hương sắc lại bằng mười sắc hương.

Đôi dòng ca dao đã cho ta cảm giác thật gần gũi và ngọt ngào. Hoa người, đã đặt con người Việt Nam vào hình ảnh đẹp nhất. Sự thi vị hoá đó vừa tinh tế vừa thật ý nhị, nó toát lên tất cả tình cảm trang trọng mà nhân dân gửi gắm vào đó. Những con người bình thường đã trở thành những đoá hoa đẹp nhất của cuộc đời. Những gì thật gần gũi, thân quen, bình thường trong cuộc sống khi bước qua ngưỡng cửa của ca dao, tất cả đều trở nên đẹp hơn, thơ hơn. Cũng từ đó ta khám phá được nhiều hơn về thế giới vô tận quanh ta và đặc biệt là con người. Ca dao luôn làm ta yêu hơn, gắn bó hơn với cuộc sống. Ở đây cũng vậy, sức diễn đạt điêu luyện và tinh tế của ca dao đã chuyển tải hết được cái đẹp, vị trí của những người lao động trong cuộc sống. Lời ca ngân lên với tất cả niềm mến yêu và trân trọng. Lời ca dao mở đầu như một lời nhắn nhủ, gửi gắm chân tình và tha thiết nhất. Những đoá hoa là kết tinh của cái đẹp và sự trong sáng, tiềm ẩn sau những cánh hoa là nhựa sống mà cây đã chắt chiu từ lòng đất. vẻ đẹp rực rỡ của đoá hoa trong một ngày, một khắc tiềm ẩn đằng sau cả một thời gian dài tích nhựa, ủ mầm. Để vươn lên đón ánh bình minh, đón chào và hoà mình vào cuộc sống, những đoá hoa đã phân trải qua cả một quá trình đấu tranh sinh tồn thầm lặng và quyết liệt. Nói cách khác nó đã phải trải qua một quá trình nỗ lực quyết liệt và vươn tới một sức sống dạt dào để bảo vệ hương thơm sắc màu của mình một cách trọn vẹn. Từ đó ta thấy bật lên ý nghĩa của hình ảnh hoa người, những đoá hoa nở giữa cuộc đời đó lại càng phải đấu tranh và tiềm tàng sức sống mãnh liệt hơn. Những đoá hoa toả hương sắc cho đời so với những con người trong cuộc sống lao động và phấn đấu thì hương sắc kia sẽ phải lùi lại một bên. Những con người không mang hương thơm, dáng vẻ đẹp đẽ như loài hoa nhưng họ góp nhặt cho đời ở những vẻ đẹp cao quý hơn, đó là bằng cách sống và tâm hồn của họ. Chính những điều đó là những giá trị vô giá của cuộc đời. Cách sống đẹp mà những tâm hồn cao cả, luôn vượt lên khó khăn là những dòng suối mát tươi vào cuộc sống cằn cỗi thời bấy giờ. Cuộc sống dù khắc nghiệt, dù khô chát và nghiệt ngã như hoang mạc thì những đoá hoa người vẫn vươn lên đem vẻ đẹp của mình để khẳng định sức sống tiềm ẩn của bản thân. Giá trị con người đẹp hơn và quý hơn là ở đó, những thử thách khắc nghiệt không bẻ gãy được ý chí và niềm khao khát hướng về cuộc sống của họ. Trái lại, gian truân, khó nhọc chính là những điều làm tôn lên vẻ đẹp cao quý của những con người trong những điều kiện sống và xã hội thời xưa thì sự nở rộ của những tâm hồn, những cách sống đem lại càng đáng trân trọng hơn bao giờ hết. Người lao động đẹp bằng cách riêng của mình, không phô trương mà lặng thầm và đằm thắm. Cuộc đấu tranh của họ với cuộc sống, với thiên nhiên với những thế lực phong kiến càng tô thêm vẻ đẹp của những đoá hoa người. Liệu sắc hương nào còn có thể toả ngát như thế. Con người vốn luôn được coi là tạo vật hoàn chỉnh nhất thì giờ đây ca dao lại càng cho phép ta khẳng định điều đó, đặc biệt là với những người lao động, sống giản dị nhưng lại luôn bồi đắp tâm hồn bằng những suy nghĩ và cách sống đẹp nhất.

Dưới xã hội phong kiến, cái xã hội khiến cho cả dân tộc đói nghèo rơm rạ, cuộc sống của người dân bị bóp nghẹt cùng khổ hơn bao giờ hết. Sự lạc hậu của những phương tiện nông nghiệp, cái khắc nghiệt của thiên nhiên lại càng đày đoạ con người nhiều hơn trong cuộc sống. Trên khắp quê hương Việt Nam, trên đồng cạn, dưới đồng sâu đâu đâu cũng là cảnh giọt mồ hôi đổi hạt cơm:

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Ta thấy như cái nắng chói chang đang hoành hành trên khắp cánh đồng khô khan. Đất nứt ra đồng thời nắng vỡ ra trên tấm lưng cháy nắng của người nông dân. Ruộng như không còn được tắm tưới bằng dòng nước mát mà đang được tưới bằng những giọt mồ hôi mặn đắng của người dân cày. Mồ hôi rải khắp đồng, trên ruộng dưới mang theo hình ảnh của những khổ cực, nhọc nhằn nhất của con người. Cái khắc khổ của cuộc sống không thể làm cằn cỗi tâm hồn và suy nghĩ của người lao động. Nắng táp, mưa sa chỉ khiến họ càng yêu hơn thành quả lao động và yêu hơn đồng ruộng của mình:

Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang

Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu.

Cái đẹp của con người Việt Nam là ở đó, khổ cực đến tận cùng họ vẫn luôn nuôi niềm hi vọng. Những con người đó không bao giờ tắt đi niềm tin cháy bỏng vào cuộc sống, vào sức lao động của mình. Khắc nghiệt, khó khăn không thể dứt họ ra khỏi đồng ruộng, không gì có thể thay đổi tinh thần và hi vọng mạnh khoẻ của họ:

Người ta đi cấy lấy công

Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề

Trông trời trông đất trông mây

Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm

Trông cho chân cứng đá mềm

Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng.

Nỗi mòn mỏi, thấp thỏm của người nông dân đều xuất phát từ tình yêu thương, lo lắng đối với ruộng đồng. Những nỗi lo toan, những nỗi niềm trông cứ dồn dập đè nặng lên cuộc sống. Cả gánh nặng xã hội và thiên nhiên oằn oại trên đôi vai của họ. Thế nhưng bất chấp tất cả, ngời sáng lên vẫn là niềm tin vào cuộc sống:

Rủ nhau đi cấy đi cày

Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu.

Người bình dân đã đạp bằng gian khó để đi đến đích. Tha thiết trong tim của mỗi con người vẫn luôn là hình ảnh về một tương lai ấm no, một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc. Bấy nhiêu đó đã khắc họa nên chân dung những con người Việt Nam vừa đồng cảm, vừa tha thiết trữ tình.

Bên cạnh đó, xét đến tận cùng của nỗi khổ đau, ta phải kể đến những người phụ nữ. Đó là những con người yếu đuối nhưng đồng thời cũng là đối tượng chịu áp lực nặng nề nhất trong xã hội đương thời và cũng là những con người đã sống, tồn tại và vươn lên mãnh liệt nhất. Trong xã hội đó, đâu đâu sau những luỹ tre làng cũng đều văng vẳng tiếng nỉ non, tiếng khóc thầm lặng lẽ của những người phụ nữ khóc cho số phận bị phụ thuộc, bị bóp nghẹt quyền sống:

Em như con hạc đầu đình

Muốn bay không cất nổi mình mà bay.

Lời thơ ngậm ngùi và xót xa quá. Lễ giáo đời nặng nề và lạnh lùng kéo sâu người con gái xuống đáy cuộc sống. Cái thành trì đó bó buộc, bủa vây cuộc sống của họ, kéo họ xa dần những mộng mơ, những khát khao hạnh phúc. Sức sống của người phụ nữ bị xã hội đè nén áp bức đến cùng cực:

Bông ngâu rụng xuống hoa ngâu

Em còn phụ mẫu, dám đâu tự mình.

Trăm năm vẫn thế đoá hoa ngâu dù trên cành hay vương trên mặt đất, dù thay đổi cách gọi như thế nào đó vẫn là nó. Bản chất của xã hội phong kiến được ẩn trong lời thơ thật ý nhị nhưng sao ngậm ngùi và xót xa quá. Dù quẫy đạp, dù vùng vẫy như thế nào thì vòng lưới bủa vây của xã hội phong kiến với những tư tưởng tam tòng, nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô vẫn cứ trói chặt lấy cuộc sống của người phụ nữ. Họ bất lực nhưng một cuộc đấu tranh âm thầm vẫn diễn ra trong tâm tư:

Mẹ em tham thúng sôi rền

Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng

Em đã bảo mẹ rằng đừng

Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào

Bây giờ chồng thấp vợ cao

Như đôi đũa lệch so sao cho tày.

Hoặc:

Ba đồng một mớ đàn ông

Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha;

Con cò đi đón cơn mưa

Tối tăm mù mịt ai đưa cò về

Cò về thăm quán cùng quê

Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh.

Cho dù cuộc sống của người phụ nữ luôn bị đày ải, bị bóp nghẹt dù họ luôn sống với cảnh gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non thế nhưng tiềm tàng trong trái tim họ luôn là tấm lòng nhân hậu, thiết tha với cuộc sống, với gia đình. Cuộc đời vùi dập họ, đối xử tàn tệ với họ mà trong tâm hồn họ vẫn trong mát tình người, luôn yêu thương quan tâm đến mọi người và luôn giữ tấm lòng sắt son, chung thuỷ. ở đây ta lại thấy ánh lên vẻ đẹp của tình nghĩa: Chồng em áo rách em thương; Chồng người áo gấm xông hương mặc người. Tất cả, người lao động nói chung và người phụ nữ nói riêng luôn là những bông sen ngát hương bền sắc:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Cuộc sống bùn nhơ, tăm tối với bao thế lực vô hình và hữu hình. Những gian khổ về vật chất, hành hạ về tinh thần, những xiềng xích của lễ giáo... tất cả, tất cả không có gì có thể trói buộc được tâm hồn con người Việt Nam cũng như không có gì có thể buộc được hương hoa toả ngát. Tâm hồn ông bà ta luôn luôn trỗi dậy mơ ước để đón ngày dân nổi can qua, để no sôi chán chè, để được làm bạn thong dong trong khung cảnh trời êm bể lặng.

Đôi dòng sơ lược về ca dao không thể nói hết và khắc hoạ toàn diện vẻ đẹp của con người Việt Nam. Nhưng qua đó, cánh cửa ca dao mở ra cho ta cái nhìn sâu sắc hơn về những con người của đất nước này. Những con người đã làm nên tính cách và tâm hồn của dân tộc. Những dòng ca dao đưa ta đến ta với cuộc đời, với thế giới không cùng của tâm hồn người Việt Nam. Càng lần về kí ức dân tộc ta càng yêu hơn những con người đã làm nên một đoạn đường lịch sử đầy sức sống của dân tộc. Đứng giữa cuộc sống ngày nay nhìn về một thời đã qua, ta thấy hạnh phúc, thấy xót xa, thấy tự hào và thấy mình càng có nhiều trách nhiệm với cuộc sống này, với dân tộc này. Gian khó ngày xưa đã không thể bóp nghẹt cuộc sống của cha ông thì ngày nay ta lại càng phải sống xứng đáng hơn với giá trị của đoá hoa người đẹp nhất trong đời.

BÀI CÙNG NHÓM