Có một nhà diễn thuyết người Mĩ từng nói: “Lời nói là phương tiện đắc lực nhất giúp con người chứng tỏ được bản thân”. Nói là cả một nghệ thuật và người biết cách ăn nói là một nghệ sĩ. Ta phải dành thời gian rất dài để học và biết cách nói, nhưng nói sao cho đúng, cho phù hợp thì là cả một vấn đề. Cách nói năng của học sinh hiện nay là một hiện tượng cần được quan tâm và xem xét. Bởi bên cạnh những bạn nói năng lễ phép, lịch sự còn rất nhiều bạn ăn nói thô tục, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, cần phải phê phán.
Ta biết học sinh là lứa tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường. Họ năng nổ, hoạt bát và luôn muôn khẳng định mình bằng những tiếng nói riêng. Nhưng đôi khi cái riêng đó lại làm nên cái chung cho toàn xã hội. Lời nói của cá nhân góp phần cho sự phát triển của ngôn ngữ chung.
Với các bạn chăm ngoan, họ luôn tôn trọng lời nói, luôn suy nghĩ trước khi nói. Bởi họ biết lời nói ra có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến mọi người. Có thể chỉ là một câu nói nhưng nó sẽ làm cho nụ cười bừng sáng hoặc một giọt nước mắt tuôn rơi. Vì vậy suy nghĩ trước khi nói là một việc làm tốt. Chẳng thế mà tục ngữ có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Nói là phương tiện giúp ta giao tiếp với mọi người, vì vậy suy nghĩ trước khi nói là một việc làm tốt. Nhưng thật đáng buồn là học sinh hiện nay chỉ có số ít biết cách nói lịch sự, thể hiện được sự tôn trọng bản thân và mọi người.
Đại đa số các bạn học sinh hiện nay mỗi người đều có cách ăn nói riêng để tạo dấu ấn cá nhân cho mình. Họ nói những gì mình thích và cho đó là niềm vui. Học sinh là lứa tuổi tràn đầy sức sống, họ luôn muôn khẳng định mình trong mắt mọi người. Vì vậy, họ phải tìm cho mình tiếng nói riêng, lời nói ra phải thật độc, thật “hot”, những câu nói mà chưa ai nghĩ ra. Đó thường là những câu nói bộc phát, thiếu suy nghĩ, đôi khi còn thô tục, thiếu lịch sự.
Học sinh hiện nay thường chạy theo các trào lưu ăn nói “thời thượng”. Vì vậy, họ quên rằng mình là người Việt Nam, đất nước với truyền thông văn hiến lâu đời. Học sinh luôn nói trước nghĩ sau. Đơn giản chỉ là một lời chào xã giao nhưng nhiều bạn cũng không làm được. Có lẽ lời nói với họ là đơn giản, và “Người hay khinh thị lời nói vì chưa bị trách phạt về lời nói càn đó thôi” (Mạnh Tử).
Cách ăn nói được tạo dựng bởi nhiều yếu tố trước hết là do môi trường sinh sống. Chỉ cần để ý, bạn sẽ thấy những học sinh sống trong môi trường tốt, trong một gia đình có văn hóa sẽ khác hẳn với những người thiếu văn hóa.
Chắc bạn còn nhớ câu chuyện Mẹ hiền dạy con trong sách Liệt nữ truyện của Trung Quốc? Bà mẹ do hoàn cảnh xô đẩy đã phải chuyển nhà đi khắp mọi nơi. Đầu tiên bà chuyển nhà đến gần nghĩa địa, đứa con bà liền bắt chước những người ở đám tang, về nhà khóc lóc, than thở. Bà liền chuyển đến gần chợ, đứa con lại nghịch ngợm, đánh chửi bạn. Cuối cùng, bà chuyển về ở cạnh trường học. Từ đó con bà cắp sách đến trường, biết ăn nói lễ phép, lịch sự. Đó chẳng phải lời nói do môi trường tạo nên sao?
Tuy nhiên yếu tố lớn nhất tạo nên cách nói năng là do ý thức mỗi cá nhân. Có thể môi trường bạn ở không tốt nhưng bạn nhận thức đúng đắn, bạn vẫn sống tốt. Có người sống trong môi trường tốt, có khi bố mẹ đều là giáo viên nhưng do đua đòi bạn bè, bạn vẫn có thể bê tha. Hãy lựa chọn cho mình những cách nói riêng. Nói sao cho lịch sự, đúng đắn bởi lời nói sẽ trực tiếp thể hiện con người bạn. Lời nói như một thứ nước tráng ảnh nếu nước đó tốt thì tấm ảnh sẽ đẹp, nếu nước không tốt tấm ảnh sẽ mờ nhạt. Hãy tự khẳng định mình là một người có giáo dục.
Để mọi người học được cách ăn nói cho lịch sự, ta hãy cùng nhau nói những lời lẽ được suy nghĩ chín chắn để những lời nói tốt đẹp luôn tồn tại xung quanh ta. Hãy là những tấm gương sáng về cách ăn nói để mọi người noi theo. Nói cũng giông như khi ăn cơm, bạn rất dễ gặp phải sạn và làm mất ngon bữa cơm. Vì vậy, để ăn một bát cơm ngon, hãy nhặt sạn cho kĩ trước khi nấu. Hãy bắt đầu từ những câu nói đơn giản, thường xuyên nhất ấy là một lời chào lịch sự, một câu cảm ơn chân thành hay một lời xin lỗi đúng lúc. Hãy biết sàng lọc, lựa chọn những câu nói phù hợp, lịch sự để bạn nhận được sự tôn trọng của mọi người và không phải hổi tiếc vì lời nói của mình làm tổn hại đến người khác.
Để bàn về cách nói năng của học sinh hiện nay sẽ còn rất nhiều vấn đề. Các bạn hãy để lời nói là những đôi cánh thiên thần giúp mình bay cao, bay xa trong cuộc sống. Đừng để những lời nói thô tục thiếu văn hóa hoặc những lời nói hoa mĩ nhưng thiếu chân thật,... làm bạn không hoàn hảo trong mắt mọi người bạn nhé.