Bình giảng đoạn thơ sau trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm: "Bên kia sông Đuống, Quê hương ta lúa nếp thơm nồng (...) Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã, Bây giờ tan tác về đâu”

Nếu thơ ca là tiếng vọng của lòng người vào năm tháng thời gian, để thương để nhớ lại cho đời thì bài "Bên kia sông Đuống" của thi sĩ Hoàng Cầm là một bài thơ mang tính chất kì diêu như vậy. Một đêm tháng 4 năm 1948, đang sống và chiến đấu giữa núi rừng Việt Bắc, thi sĩ nghe tin quê hương bị giặc Pháp chiếm đóng, tàn phá điêu tàn, chỉ trong một hai canh ông sáng tác bài thơ này. " Bên kia sông Đuống" xuất hiện lần đầu tiên trên báo "Cứu quốc"tháng 6-1948, nó được nhanh chóng phổ biến từ chiến khu Việt Bắc tới khu Ba, khu Bốn, vào miền Nam và ra tận Côn Đảo. Nó là một trong những bài thơ hay nhất viết vế quê hương đất nước trong thơ ca Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp.

Trong phần "Vĩ thanh" của tập thơ "Về Kinh Bắc” in năm 1994, thi sĩ Hoàng Cầm có viết một đỏi dòng về bối cảnh và cảm hứng của mình khi sáng tác bài thơ “ Bên kia sông Đuống":

"... tôi đang ở trong trạng thái bồn chồn, thao thức, tâm tư, rối bời sau khi nghe báo cáo về quê hương mình bị giặc xâm lược kéo lên tàn phá, giết chóc, tôi chưa định viết gì, lúc quá nửa đêm vắng lặng, bỗng văng vẳng bên tai ba câu:

"Em ơi buồn làm chi

Anh đưa em về bên kia sông Đuống

Ngày xưa... cát phẳng lì…”

Tôi chộp lấy, ghi ngay và cứ thể cảm xúc trào ra một mạch dài, viết rất nhanh, sợ không theo kịp những thanh âm làn điệu đang cuồn cuộn dâng lên trong lòng mình. Cho đến gần sáng thì xong bài thơ, một trong những bài được các bạn già, trẻ, nam nữ yêu mến đã gần nửa thế kỉ...”

Mười câu đầu bài thơ, thi sĩ nói lên nỗi nhớ thương da diết về con sông Đuống thân yêu. Nỗi nhớ thương đau buồn gắn liền với nỗi xót xa “như rụng bàn tay”. Tiếp đó là phần chính của bài thơ gợi lên cảnh tan tác, điêu tàn của quê hương yêu dấu:

"Bên kia sông Đuống

………………..

Bây giờ tan tác về đâu?”.

Đoạn thơ dài 15 câu là sự trải rộng tấm lòng tha thiết và bồi hồi, của đứa con đi xa đối với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Một tình quê đằm thắm dào dạt. "Bên kia sông Đuống” - Bên này là đất tự do, nhà thơ hướng lòng mình về "Bên kia” là vùng bị giặc chiếm đóng và giày xéo. Đó là vùng Thuận Thành thương yêu.

"Quê hương ta" đẹp lắm, đáng tự hào biết bao! Sông Đuống êm đềm, lững lờ “trôi đi một dòng lấp lánh" nên thơ. Một màu xanh bạt ngàn như dẫn hồn nhà thơ đi về cõi mộng. Bức tranh quê thân mật, bình dị "Xanh xanh bãi mía bờ dâu — Ngô khoai biêng biếc" đã để thương để nhớ cho đứa con li hương. Màu xanh ngọt ngào của đồng quê yêu dấu đã trở thành mảnh tâm hồn của kẻ xa quê.

"Quê hương ta" đẹp lắm. Một miền quê trù phú đáng yêu. "Hương nếp thơm nồng" từ những cánh đồng quê tươi tốt đã tỏa rộng trong không gian thời gian, đã thấm sâu vào hồn người không thể nào phai nhạt được. Hương vị đậm đà của quê nhà chẳng phải là "canh rau muống với cà dầm tương" mà là “lúa nếp thơm nồng" thơm ngào ngạt dâng lên trong những ngày mùa, trong hương cốm mới, trên mâm cỗ ngày giỗ ngày tết... đã thấm đượm một mối tình quê vơi đầy. Trong khói lửa chiến tranh, đứa con li hương quên sao được "hương lúa thơm nồng”của quê cha đất mẹ?

Kinh Bắc - quê hương yêu dấu của Hoàng Cầm là một miền đất cổ kính có bề dày văn hóa qua các triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê. Là quê hương của những vương phi, hoàng hậu, những cành vàng lá ngọc... Là nơi sản sinh ra nhiều trạng nguyên, tiến sĩ của đất nước ta mà câu đổng dao đã khắc vào năm tháng: "Một bồ ông cống - Một đống ông nghê - Một bè tiến sĩ - Một bị trạng nguyên - Một thuyền bảng nhỡn…” Là một vùng quê có bao danh lam thắng cảnh, những non tiên, núi gấm, những chùa chiền... đã đi vào huyển thoại cổ tích. Là quê hương của những hội hè đình đám: "Mồng bảy hội Khảm, mồng tám hội Dâu - Mồng chín đâu đâu cũng về hội Gióng” (Tục ngữ). Thương nhớ "Quê hương ta" tiếng thơ của Hoàng Cầm cất lên tha thiết tự hào:

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng giấy điệp".

Các từ ngữ "tươi trong", "sáng bừng" gợi tả đường nét, gam màu tươi, sáng, thanh nhẹ đẹp tươi... đã làm hiện lên trong tâm hồn chúng ta những bức tranh dân gian vớĩ đề tài bình dị, thân thuộc được treo trong ngày tết đón xuân sang. Tranh gà lợn, tranh đánh đu, đấu vật, tranh Tố nữ, thầy đồ Cóc, đám cưới chuột, tranh hứng dừa, tranh đánh ghen, tranh Bà Trưng cưỡi voi ra trận, tranh Phù Đổng Thiên Vương... tất cả đều diễn tả khát vọng, mơ ước nghìn đời của nhân dân ta. Cảnh sắc làng quê, sinh hoạt làng xã của "mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên..." như "sáng bừng" trong tâm hồn mỗi chúng ta, "sáng bừng trên giấy điệp”. Tranh Đông Hồ thể hiện bản sắc nền văn hóa Việt Nam. Trên nền giấy dó láng mọt lớp điệp mỏng óng ánh làm nền, được chắt luyện từ vỏ sò, màu sắc tranh Đông Hồ: màu son, màu tím sim, màu cánh sen, màu vàng nghệ, màu xanh gỉ đồng, màu lá chuối tơ... đúng là "màu dân tộc" đã làm “sáng bừng” một tình quê Kinh Bắc.

“Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên”…,còn đâu nữa? Từ bồi hồi hoài niệm, giọng thơ trở nên đau xót, căm giận, nghẹn ngào. Cảnh thanh bình trên quê hương Kinh Bắc vụt tan vỡ. Xóm làng quê hương chìm trong bóng giặc. Giặc tràn tới giày xéo, đốt phá và chém giết. Bao trùm lên xóm làng quê hương là “ngùn ngụt lửa humg tàn" chết chóc:

"Quê hương ta từ ngày khủng khiếp

Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn”

Vần thơ như tiếng nấc nghẹn ngào và căm giận, Câu thơ bổng rút ngắn lại 3, 4 từ. Hình ảnh tang thương và điêu tàn nối tiếp xuất hiện như một cuốn phim, đoạn phim cận cảnh làm nhức nhói tim gan:

"Ruộng ta khô

Nhà ta cháy

Chó ngộ một đàn

Lưỡi dài lê sắc máu

Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang”

Một không gian bao la bị đốt phá, bị giày xéo. Sự sống bị hủy diệt đến Ruộng vườn, nhà cửa của nhân dân ta từ bao đời nay bỗng chốc bị “lửa hung tàn" làm cho "khô", làm cho “cháy". Màu xanh biêng biếc của lúa ngô khoai bị tàn lụi kiệt cùng. Xóm làng tan hoang. "Ngõ thẳm bờ hoang” vốn là nơi hẻo lánh, khuất nẻo hoang vắng, thế mà từ ngày "khủng khiếp” cũng bị lũ giặc tàn phá đến điêu linh. Nếu như trong "Bình Ngô đại cáo", Nguyễn Trãi căm giận lên án quân “cuồng Minh" là "hung tàn", là quân "cường bạo", cực kì ghê tởm: “Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán" thì ở đây Hoàng Cầm khinh bỉ, cãm thù gọi giặc Pháp là bầy "chó ngộ" - chó điên - "lưỡi dài lê sắc máu”. Hình ảnh thơ nói về lũ giặc rất sáng tạo, đã khơi dậy bao căm giận đối với quân xâm lược trong nửa thế kỉ nay.

Giặc đã kéo tới chiếm đóng và tàn phá quê hương. Nỗi đau về vật chất cùng với nỗi đau về tinh thần như được nhân lên nhiều lần. Đình đền, chùa chiền bị đập phá. Còn đâu nữa tiếng chuông ngân sớm chiều? Còn đâu nữa những bức tranh Đông Hồ? "Đàn lợn âm dương", "Đám cưới chuột"...là hai bức tranh nổi tiếng nói lên ước mơ no ấm, hạnh phúc và cách ứng xử của nhân dân, chẳng có tội tình gì cũng bị quân thù hủy diệt đến "kiệt cùng" đau đớn!

“Mẹ con đàn lợn âm dương

Chia lìa đôi ngả

Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã

Bây giờ tan tác về đâu?”

Thực tại và mộng ảo như trộn lẫn vào nhau, hình ảnh “tan tác” trong tranh trở thành sự thật "khủng khiếp"ngoài đời. Trong những câu thơ trên nỗi đau xót, căm thù được khắc sâu bằng sự đối lập giữa hai cảnh trước và sau, thanh bình và chiến tranh, tương phản giữa ngôn từ - Xưa kia, những năm tháng bình yên thì “tưng bừng rộn rã”, “bây giờ" khi giặc tràn tới thì "chia lìa đôi ngả", “tan tác về đâu?”.

Câu thơ “ Bây giờ tan tác về đâu ?" và "Bây giờ đi đâu vê đâu" là những câu thơ hay cảm động được nhắc lại nhiều lần như một điệp khúc. Nỗi đau như xé lòng. Quê hương mịt mù khói lửa. Nỗi đau đớn xót xa tưởng như không còn giới hạn nào, không thể nào kể xiết!

Viết vê tội ác quân xâm lược, hầu như nhà thơ nào cũng để lại những câu thơ tâm huyết làm xúc động lòng người. Đó là "những vần thơ một thời mà mãi mãi”

- "Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới

Ngõ Chừa cháy đỏ những thân cau”

(“Núi đôi” - Vũ Cao)

- "Giặc về giặc chiếm đau xương máu

Đau cả lòng sông, đau cỏ cây”

("Quê mẹ" - Tố Hữu)

- "Làng ta mấy lần bom giội nát

Dừa ngã ngổn ngang, xơ xác bờ tre”

("Trở về quê nội” - Lê Anh Xuân)

- v.v……….

Thơ hay là thơ có hồn. Đoạn thơ trên đây từ cảm xúc đến ngôn ngữ, hình tượng đã để lại trong lòng người đọc những tình cảm sâu sắc, những ấn tượng mạnh mẽ về tình người, tình quê hương, đất nước. Cấu trúc đoạn thơ thành 2 mảnh đối lập: quá khứ thanh bình, yên vui, tươi đẹp với hiện tại đau thương, xót xa, có tác dụng như một lời kết tội đanh thép quân xâm lược. Hoài niệm đẹp về quê hương gắn liền với hiện tại điêu tàn, để ta “nhớ tiếc", để ta "xót xa" và căm giận. Tinh yêu quê mẹ đất cha, yêu dòng sông Đuống "ngày xưa", yêu màu sắc hương vị của lúa ngô khoai, của tranh Đông Hồ... được Hoàng Cầm nói lên một cách thiết tha, sâu nặng. Chất Kinh Bắc được thể hiện một cách tài hoa độc đáo, làm nên vẻ đẹp thẩm mĩ bài thơ "Bên kia sông Đuống" để ta yêu quý và trân trọng.

BÀI CÙNG NHÓM