Căn cứ vào hoàn cảnh chính trị của đất nước ta khi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, anh (chị) hãy phán đoán về mục đích viết, đối tượng viết của bản tuyên ngôn?

Đối với Hồ Chí Minh, trước khi viết cái gì, Người luôn đặt câu hỏi viết cho aiviết để làm gì, tức là xác định rõ ràng về đối tượng, mục đích sáng tác. Trường hợp Tuyên ngôn Độc lập, một văn bản chính trị có ý nghĩa đối với cả dân tộc, điều đó càng rõ hơn.

- Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, có những câu: Hỡi đồng bào cả nước;... chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng... Điều đó có nghĩa, Bác Hồ viết cho đồng bào cả nước và nhân dân thế giới. Mục đích viết nằm ngay ở tên của văn bản: Tuyên ngôn Độc lập. Song, nếu đặt vào hoàn cảnh chính trị của đất nước ta lúc bấy giờ, đối tượng và mục đích viết của Tuyên ngôn Độc lập không đơn giản như thế.

- Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), thì ở miền Nam, thực dân Pháp núp bóng quân đội Anh (danh nghĩa thay mặt Đồng minh, vào giải giáp quân Nhật) đang tiến vào Đông Dương. Còn phía Bắc, bọn Tưởng Giới Thạch, tay sai của đế quốc Mỹ, đang ở sẵn ngoài biên giới. Vả lại, với trí tuệ mẫn tiệp của mình, Hồ Chủ tịch biết lúc ấy, “mâu thuẫn giữa Anh - Pháp - Mĩ và Liên Xô có thể làm cho Anh, Mĩ nhân nhượng với Pháp và để cho Pháp trở lại Đông Dương”. Bản thân thực dân Pháp, rắp tâm chuẩn bị cho cuộc xâm lược Đông Dương lần thứ hai của mình, đã đưa ra dư luận thế giới những lí lẽ: đây vốn là thuộc địa của chúng; chúng đã có công “khai hóa” xứ sở này; việc trở lại Đông Dương là lẽ bình thường, khi Nhật đã thua trận.

- Hoàn cảnh chính trị ấy cho thấy, dù được, đọc trước quần chúng nhân dân nước nhà và để “tuyên bố với thế giới”, nhưng đối tượng của bản Tuyên ngôn Độc lập không trừu tượng và mục đích của văn bản ấy cũng không đơn giản chỉ là lời tuyên bố độc lập. Đối tượng mà bản Tuyên ngôn Độc lập nhắm đến, trước hết là bọn đế quốc Anh, Pháp, Mĩ. Ở bản Tuyên ngôn Độc lập, bên cạnh sự khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam, còn là một cuộc tranh luận nhằm bác bỏ lí lẽ của bọn đế quốc xâm lược trước dư luận quốc tế.

- Tuyên ngôn Độc lập tuy trích dẫn hai bản tuyên ngôn của nước Mĩ và nước Pháp, nhưng tác giả không dừng lại với nội dung của các văn bản ấy. Hồ Chí Minh trích dẫn để “suy rộng ra” về quyền độc lập tự do của các dân tộc thuộc địa và để khẳng định “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Như vậy, dù là Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng nó còn có ý nghĩa đối với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam mở đầu cho một kỷ nguyên mới của lịch sử nhân loại - kỷ nguyên độc lập dân tộc đối với các nước thuộc địa, và Tuyên ngôn Độc lập là văn bản đánh dấu kỷ nguyên ấy.

BÀI CÙNG NHÓM