DÀN Ý ĐẠI CƯƠNG
1. TÌM HIỂU ĐỀ:
- Đây là kiểu bài phát biểu cảm tưởng về nhân vật văn học. Cụ thể là phát biểu cảm tưởng về nhân vật Mèo Con trong truyện Cái tết của Mèo Con của nhà văn Nguyễn Đình Thi.
- Cần phải đọc kĩ truyện, tìm hiểu kĩ nhân vật Mèo Con. Từ những hiểu biết chắc chắn về nhân vật Mèo Con, cần phải nêu được cảm nghĩ của mình. Đồng thời phải làm sáng tỏ vì sao mình lại có những suy nghĩ và tình cảm như vậy?
2. DÀN BÀI SƠ LƯỢC:
a) Mở bài
- Giới thiệu nhân vật Mèo Con trong truyện Cái tết của Mèo Con.
- Nêu cảm nghĩ chung về nhân vật Mèo Con, rất yêu quí nó.
b) Thăn bài
- Rất thích Mèo Con vì:
+ Hình dáng
+ Tiếng kêu
+ Hình ảnh Mèo Con sưởi nắng
- Rất yêu quí Mèo Con vì:
+ Thái độ Mèo Con khi lần đầu chứng kiến lũ chuột ăn uống phá phách.
+ Sự dũng cảm và mưu trí của Mèo Con.
c) Kết luận
Nhấn mạnh một lần nữa tình cảm yêu quí Mèo Con.
3. DÀN BÀI CHI TIẾT:
a) Mở bài
- Giới thiệu nhân vật Mèo Con trong truyện Cái tết của Mèo Con của nhà văn Nguyễn Đình Thi.
- Nêu cảm nghĩ chung về nhân vật Mèo Con: Rất yêu quí Mèo Con. Càng ngày càng có thiện cảm và quí mến Mèo Con.
b) Thân bài
+ Hình dáng của Mèo Con rất dễ thương: mắt, tai, màu sắc, v.v...
+ Tiếng kêu: ngheo ngheo.
+ Hình ảnh Mèo Con sưởi nắng.
. Mèo Con: rũ lông một hồi cho hết bụi tro, rồi nằm liếm mình, liếm chân tỉ tỉ, cho đến lúc trắng nõn hết cả.
. Nắng lên Mèo Con thích lắm: chạy giỡn hết góc này đến góc khác, hai tai dựng đứng lên, cái đuôi ngoe nguẩy, v.v...
- Rất yêu quí Mèo Con vì:
+ Thái độ Mèo Con khi lần đầu chứng kiến lũ chuột ăn uống phá phách: Mèo Con tức giận và xấu hổ.
+ Sự dũng cảm và mưu trí của Mèo Con.
. Cuộc chiến đấu của Mèo Con với Hổ Mang: Mèo Con dũng cảm nhưng chưa mưu trí và sức mạnh để chiến thắng Hổ Mang.
. Cuộc chiến đấu của Mèo Con với Chuột Cống: Mèo Con dũng cảm, mưu trí, đã chiến thắng Chuột Công.
c) Kết bài
Nhấn mạnh một lần nữa tình cảm nhất mực yêu quí Mèo Con, một chú mèo mưu trí và dũng cảm chiến đấu và chiến thắng bọn gian tham, độc ác.
4. GỢl Ý LÀM BÀI
a) Mở bài
Đọc Cái Tết của Mèo Con của nhà văn Nguyễn Đình Thi, nếu như người đọc cảm ghét Hổ Mang, Chuột Cống bao nhiêu thì lại càng yêu mến Mèo Con bây nhiêu. Ngay từ giây phút đầu xuất hiện trong cái thúng của bà cái Bống. Mèo Con đã chiếm được thiện cảm và khiến mọi người yêu quí.
b) Thân bài
Em thích chú Mèo Con ngay từ lúc đầu chú xuất hiện. Một chú mèo thật dễ thương! Trong cái thúng của bà cái Bống đi chợ về, hai con mắt xanh sợ hãi của Mèo Con nhìn lên hấp háy. Hai cái tai có đốm đen mượt như nhung động đậy. Chú mèo trắng nằm cuộn tròn kêu “ngheo ngheo”.
Mèo Con như thế ai mà chẳng thích. Thế nhưng, người ta sẽ thích thú hơn khi tận mắt nhìn thấy chú sưởi nắng, chơi ở sân, đuổi bướm, trèo cau. Thoạt đầu, Chú Mèo Con rũ lông một hồi, rồi nằm liếm mình, liếm chân, tỉ mỉ cho đến lúc trắng nõn hết cả. Rồi khi nắng lên, cái đuôi ngoe nguẩy Mèo Con vồ hụt bướm “nhảy một cái thật cao theo bướm, rồi cuộn tròn lăn lóc giữa sân, cho đến lúc chạm bịch vào gốc cau. Và Mèo Con ôm lấy thân cây cau trèo nhanh thoăn thoắt", v.v...
Một chú mèo thật lanh lợi và hiếu động! Chứng kiến những cảnh tượng đó, người ta thấy chú Mèo Con đáng mến, đáng yêu biết bao!
Sẵn có thiện cảm với Mèo Con, người ta càng yêu quý chú hơn khi hiểu được tính nết, sự mưu trí và hành động dũng cảm của chú.
Lần đầu tiên nhìn thấy lũ chuột ăn uống, phá phách, lúc đầu Mèo Con run sợ. Nhưng đến khi lũ chuột xấu xa đó đã bỏ đi, Mèo Con không run sợ nữa mà rất tức giận và xấu hổ. Mèo Con tức giận vì lũ chuột tham lam, tàn ác và thô bỉ. Mèo Con xấu hổ vì nó và cả bác Nồi Đồng, chị Chổi chẳng những không ngăn chặn được lũ chuột mà tỏ ra khiếp nhược trước bọn chúng. Thái độ đó của Mèo Con thật đáng để chúng ta lưu ý.
Người đọc càng yêu quí và khâm phục Mèo Con khi theo dõi cuộc chiến đấu của chú với Hổ Mang và Chuột Cống.
Nghe tiếng kêu cứu của gà mẹ, Mèo Con không kịp suy nghĩ gì, nhảy chồm lên giữa mình Hổ Mang. Lần chiến đấu này. Mèo Con phải nhờ gà mẹ mách nước và nhờ mẹ Bống tiêp viện mới chiến thắng được Hổ Mang. Song ai cũng cảm phục sự xả thân và tinh thần dũng cảm của Mèo Con.
Đến lần chiến đấu với Chuột Cống, Mèo Con đã trưởng thành lên rất nhiều. Mèo Con đã hoàn toàn chủ động khi chiến đấu với Chuột Công. Chú nói với Chuột Cống: "Mày hối lỗi đi, rồi tao cho mày về chầu ông vải" và “khép đuôi, giơ một chân lên, thò vuốt ra, đầu nghiêng nghiêng rình miếng". Biết Chuột Cống to khỏe, Mèo Con không dùng lối đánh giáp lá cà. Chú cứ thoăn thoắt nhảy bên này, vọt bên kia, đánh nhiều đòn trúng vào mõm kẻ địch, và cào nó xây xát. Được chị Chổi, bác Nồi Đồng tiếp sức, Mèo Con nhanh như cắt thò vuốt nhọn móc thật mạnh vào cái bụng trắng hếu của Chuột Cống. Chuột Cống bị móc thủng bụng lảo đảo. Mèo Con ngao một tiếng to, tát luôn luôn một cái nữa, “Bị mấy cái tát. Chuột Cống lăn kềnh rồi gục hẳn”. Mèo Con đã chiến thắng Chuột Cống một cách vẻ vang. Và người đọc vô cùng cảm phục mưu trí và tinh thần chiến đấu dũng cảm của Mèo Con.
c) Kết luận
Đọc truyện Cái tết của Mèo Con, người đọc nhớ mãi hình ảnh chú Mèo Con nhỏ bé, xinh xắn và thật đáng yêu. Nhưng cái ấn tượng sâu sắc nhất về chú Mèo Con trong lòng người đọc chính là sự thông minh và tinh thần dũng cảm của chú được thể hiện rất cụ thể trong cuộc chiến đấu nhằm tiêu diệt cái xấu và cái ác.