A. DÀN BÀI
1. Mở bài
Nội dung chính của truyện ngắn Vợ nhặt nói về người đàn bà không tên - người đàn bà đà tự rẻ rúng mình, đã liều mạng, đã can đảm và quyết làm một thứ vợ nhặt khi bị dồn đẩy đến bên bờ vực thẳm.
2. Thân bài
Phần thân bài có thể triển khai theo các ý chính sau:
- Giải thích nhan đề truyện Vợ nhặt.
- Phân tích những cách xử lí nghệ thuật của nhà văn Kim Lân đối với nhân vật người đàn bà vô danh về:
+ Lai lịch của nhân vật;
+ Cách xuất hiện của nhân vật;
+ Hành động và vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật.
3. Kết bài
Tựa đề Vợ nhặt của tác phẩm lấp lánh nhiều ẩn nghĩa.
B. BÀI LÀM
Có người đã thử đặt những nhan đề khác nhau cho tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân. Chẳng hạn như Nắng tình yêu, Câu chuyện tình ở xóm ngụ cư, Bài ca sự sống, hay Vượt qua Nhưng có lẽ tựa đề Vợ nhặt của chính tác giả là phù hợp nhất. Không một nhan đề nào khác có thể cô đọng và hàm súc hơn nhan đề ấy. Nhan đề ấy tạo cho độc giả cảm giác hiển nhiên là thế, hiển nhiên phải thế. Kim Lân không thể chọn nhan đề nào khác còn vì một lí do quan trọng hơn: nội dung của truyện ngắn. Nội dung chính của tác phẩm nói về người đàn bà không tên - người đàn bà đã tự rẻ rúng mình, đã liều mạng, đã can đảm và quyết làm một thứ vợ nhặt khi bị dồn đẩy đến bên bờ vực thẳm.
Truyện chỉ có ba nhân vật chính: anh cu Tràng, bà cụ Tứ và người đàn bà mà mãi cho đến dòng cuối cùng của tác phẩm tác giả vẫn không nêu tên. Hẳn là phải có một dụng ý nào đó của nhà văn. Nhung nếu đọc Vợ nhặt nhiều lần vào những điểm khác nhau, người đọc khó tính nhất cũng không cảm thấy việc cần phải biết tên nhân vật là một nhu cầu bức bách. Cho dù cô ta có là nhân vật chính đi chăng nữa thì việc cô ta tên gì, bao nhiêu tuổi, con cái nhà ai, quê quán ở đâu chẳng mấy quan trọng. Ai mà tính được, biết được từng con người cụ thể trong số hơn hai triệu người chết đói năm Ất Dậu? Vậy thì có ai phải băn khoăn truy tìm nguồn gốc hay cái tên của một hạt cát, một chiếc lá quay cuồng trong cơn lốc hay không? Đế tình trạng vô danh cho nhân vật như thế, có khi, thêm một sức nặng tố cáo và khái quát!
Nhưng Kim Lân chắc không chọn cách làm đó. Lấy nạn đói ghê sợ năm 1945 làm nền cho câu chuyện thực là một thử thách. Vì, với một người cầm bút, anh ta sẽ bị hút vào cái xu hướng “ôn nghèo kể khổ”, sẽ tự làm cho tác phẩm của mình nhạt nhẽo, sáo mòn đi bằng cách cố chỉ cho người đọc thấy mà căm hờn bọn phong kiến thối nát, bọn thực dân bất lương, bọn phát xít tàn bạo...
Trong nghề cầm bút, việc đầu tiên phải học, đó là học cách không nhường nhịn với chính mình. Hình như Kim Lân đã có lần nói thế. Và với Vợ nhặt, nhà văn đã thể hiện điều đó bằng lối viết thật tài tình mà người đọc biết chắc đó là kết quả của bao nhiêu suy tư, cân nhắc kĩ lường.
Tài cầm bút của một nhà văn đương nhiên phải được thể hiện ở những ngón võ nghệ thuật, nhưng là những ngón võ mà kẻ tinh mắt cùng khó phát hiện ra. Vợ nhặt cũng có những ngón võ như thế.
Ở đây chỉ xin nói về những cách xử lí nghệ thuật của tác giả đối với nhân vật người “vợ nhặt”. Riêng với nhân vật này lại cũng là một thử thách. Bởi, với nhân vật không tên riêng, đòi hỏi phải xây dựng một cá tính đậm nét, để ấn tượng lâu bền trong lòng người đọc là rất khó. Vì nguyên tắc tạo cá tính nhân vật phụ thuộc cơ bản vào hành trạng. Mà hành trạng của nhân vật người đàn bà trong tác phẩm thì hoàn toàn không có. Ngoài cách gọi của tác giả là “cô ả”, “thị”, “người đàn bà”…, thì không còn một thông tin nào khác.
Nhưng từ “cô ả”, “thị”, “người đàn bà”…, ngồi vêu mặt ở cửa nhà kho cùng mấy chị con gái, nghĩa là một kẻ vô danh trong đám người mà nhà phóng sự Vũ Trọng Phụng gọi là Cơm thầy cơm cô cho đến việc trở thành nàng dâu biết quán xuyến gia đình, nhà cửa trong gia đình Tràng là cả một hành trình đầy bất ngờ với bao biến động lớn lao trong cuộc đời của nhân vật này.
Nhà văn đã biết chớp lấy cơ hội hiếm hoi để nhân vật được bộc lộ chân giá trị của mình. Cho nên, bên dưới bề nổi của câu chuyện anh cu Tràng hỏi vợ một lần ở đầu đường với một câu hò vẩn vơ và một lần nữa ở xó chợ với mấy bát bánh đúc, dường như còn một mạch ngầm khác.
Cái câu hò mà có người gọi là hò hỏi vợ của Tràng, với bản thân anh ta thì đúng là để cho đỡ nhọc và cũng chẳng có ý chòng ghẹo tán tỉnh cô nào. Nhưng tại sao cái cô ả này lại chạy ra rồi cong cớn, rồi gọi nhà tôi ơi, rồi cười tít mắt khiến cho Tràng “thích lắm” và thấy rằng từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa có người con gái nào cười với hắn tình tứ như thế.
Ấy là vì, chính người đàn bà ấy đã nhìn thấy cái vẻ đẹp của một tâm hồn khỏe khoắn, hồn nhiên giữa tai họa. Có bao nhiêu người xám mặt vì lo âu, đói khát? Tràng thì, do bản tính mộc mạc, cứ hò hát... vô tư thế thôi. Phẩm chất yêu đời ham sống của anh, nếu có thể nói được như thế, chính là yếu tố đế cô gái nọ, sau này, chủ động tìm Tràng, rồi bịa ra chuyện thất hứa, lỡ hẹn, rồi ép Tràng phải mời ăn... Mà khi nghe Tràng bảo: “Đấy, muốn ăn gì thì ăn thì hai con mắt trũng xoáy của thị tức thì sáng lên rồi thị ngồi sà xuống ăn thật”, thậm chí cắm đầu một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì.
Nếu chẳng để ý câu thị đáp lại Tràng: “Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu” và đặc biệt là câu: “Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn sợ gì”, người đọc có thể cho rằng: người đâu mà thô tục vì miếng ăn mà vứt cả sĩ diện, danh dự.
Ở giữa cái thời điểm đói khát ấy, buộc một người không quen, gặp nhau giữa đường giữa chợ... đãi ăn để thoát khỏi chết đói mà không phải trong tư cách kẻ ăn xin, đâu phải là chuyện giản đơn? Người đàn bà ấy đã biến lời mời của Tràng, tưởng là xã giao, thành một sự thách đố. Và hành động ăn quyết liệt nọ chỉ là để chứng tỏ mình không sợ, mình đã thắng trong cuộc thách đố kia.
Có thể, nhân vật đã chẳng tính toán khôn ngoan, tỉ mỉ như chúng ta suy đoán. Nhưng chắc chắn tất cả những lời nói và hành động của người đàn bà ấy đều xuất phát từ một bản năng ham sống và một ý chí quyết phải sống.
Tình thế đã đặt chị phải đứng trước một sự lựa chọn: hoặc là chết đói mà bảo toàn danh dự, sĩ diện, hoặc là phải tạm quên sĩ diện, danh dự để ăn mà sống. Tất nhiên, chị đã chọn cách thứ hai. Người như thế, rõ ràng là con người có cá tính mạnh. Mà thực tế là người đàn bà ấy luôn luôn chủ động trước những tình thế khác nhau của hoàn cảnh.
Đúng là chị chấp nhận về theo Tràng như một thứ “vợ nhặt” nhưng không hề theo cái nghĩa tìm chốn nương thân tạm bợ trong lúc cơ nhỡ đói khát. Khi đã là vợ Tràng, chị lập tức trở thành một người khác: chín chắn, thận trọng và hiểu biết. Trong niềm hạnh phúc vì bỗng nhiên có vợ, Tràng “vênh mặt”, “phởn phơ” và nhiều lúc huýnh lên, đùa cợt, trêu chọc một cách thiếu tự nhiên. Ngược lại, người đàn bà ấy cũng biết đùa, biết pha trò, biết cách nhưng luôn biết giữ tư cách, thể diện và rất đúng mực.
Tôi tin rằng hành động theo không về với Tràng không hề là nhất thời do sự thôi thúc của cơn đói. Niềm cảm kích, tri ân một người đàn ông không quen biết mà hào hiệp, tốt bụng đã khiến cô hành động như thế. Mà cũng chẳng biết ai đã cưư mang ai, đã đem lại niềm vui cho ai... Vì suy ngẫm một chút, hóa ra cuộc tình duyên tình cờ trong sáng và đầy xót thương kia cũng chỉ là kết quả, là sự gặp gỡ của những tâm hồn ham sống. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên kể từ khi người đàn bà ấy bước vào cuộc đời Tràng thì mọi sự đều đổi khác: căn lều rúm ró, tối om như lột xác; bà cụ Tứ như trẻ ra hàng chục tuổi; còn Tràng, từ một anh trai nghèo thô kệch, cục Mịch bỗng cảm thấy giờ đây “mình mới nên người”, biết lo lắng, suy nghĩ về hạnh phúc, tương lai và khao khát đổi đời...
Nhân vật không tên riêng trong một truyện ngắn hiện đại khiến ta liên tưởng tới việc kế thừa truyện cổ tích trong văn học dân gian của tác giả Vợ nhặt. Điều này cần thiết phải có một sự chứng minh tỉ mỉ. Nhưng không phải là không có lí khi ai đó đã nói rằng có người vợ nhặt, anh cu Tràng đã nhặt được vàng. Và cũng như một nhân vật cổ tích, người đàn bà vô danh ấy đã mang đến cho gia đình Tràng biết bao điều lạ lẫm...
Cái tựa đề Vợ nhặt của tác phẩm, như đã nói, lấp lánh nhiều ẩn nghĩa.