Truyện cổ tích Nga Ông lão đánh cá và con cá vàng bắt đầu bằng cảnh mụ vợ ông lão đánh cá nghèo khổ ngồi kéo sợi trong túp lều nát và kết thúc cũng bằng cảnh ấy, như hoàn toàn không có chuyện gì xảy ra. Bắt đầu là cái máng lợn ăn sứt mẻ, kết thúc cũng là cái máng thảm hại đó. Tất cả đều do mụ.
Lẽ ra, mụ đã có cái máng mới cho lợn ăn.
Lẽ ra mụ đã có một cái nhà rộng đẹp.
Hơn nữa, mụ đã có thể làm một bà nhất phẩm phu nhân.
Thậm chí, mụ còn có thể làm đến cả nữ hoàng, tột cùng phú quý.
Vâng, lẽ ra mụ đã có thể có tất cả, nhờ ở lòng tốt của ông lão đánh cá chồng mụ và phép lạ đền ơn của cá vàng. Nhưng chính mụ đã tự phá bỏ tất cả những phép lạ ấy. Chính tại mụ, tại lòng tham vô độ của mụ chứ không phải tại ai khác...
Thoạt đầu, khi nghe ông lão kể về sự việc ông đã thả cá vàng xuống biển một cách vô tư, mụ vợ đã bực mình mắng chồng là “đồ ngu”. Mụ muốn cá vàng phải đền ơn bằng một cái máng cho lợn ăn. Kể ra mụ đã xử sự không hay với chồng, nhưng dù sao cái máng cũ cũng đã gần hỏng hẳn, ta sẽ dễ dàng thông cảm với điều mong muốn nhỏ bé ấy của mụ, như biển đã gợn sóng êm ả, hiền hòa. Giá như mụ vui lòng với chừng ấy!
Nhưng lòng tham của mụ hóa ra không đáy. Lòng tham ngày càng làm hư tâm tính mụ. Được cái máng rồi, mụ không chỉ mắng chồng, mà còn quát tháo, đòi thêm một tòa nhà rộng. Đòi hỏi bắt đầu quá đáng. Bây giờ biển không còn êm ả nữa, mà đã nổi sóng bực mình. Ta cũng bắt đầu giận mụ. Nhưng thôi, cũng có phần nào thông cảm được cả đời mụ đã phải ở trong một túp lều nát.
Như thể được đà, lòng tham của mụ tiếp tục gia tăng, mụ muốn làm một bà nhất phẩm phu nhân. Và ta hãy hình dung mụ: mình khoác áo lông, cổ quấn ngọc trai, chân đi giày đỏ, mồm ngoác rộng quở mắng kẻ hầu người hạ. Sao mà hách dịch lố lăng! Sao chóng quên nguồn gốc đến thế.
Vậy mà chưa hết, được voi đòi tiên! Mụ đòi làm nữ hoàng đứng trên đầu các bà nhất phẩm phu nhân nữa kia! Biển xanh đã nổi sóng dữ mịt mù căm giận, nhưng vẫn vì nể ông lão ân nhân, mà kiên trì cho mụ thỏa nguyện. Không ngờ, uy quyền cao càng khiến mụ biến chất, trở thành tàn bạo bất nghĩa ngay cả với chồng mình. Thậm chí mụ còn muốn ngôi vị vua Long Vương để thống trị ngay cả biển lớn, để bất “cả vàng phải hầu ta!” Lòng tham và uy quyền đã đẩy mụ đến mức quá chừng mù quáng, quá độ phi lí, bất nhân.
Một kẻ như thế làm sao thoát được hình phạt của luật trời cũng như của đạo người. Biển đã nổi giông bão ầm ầm, khác nào nỗi căm giận không thể dung tha của ta. Đối với mụ đàn bà vừa tham ác, bội bạc, vừa ngu muội đó, cách trừng phạt thích đáng là để mụ trở lại chỗ ban đầu: trong túp lều nát, trước cái máng lợn ăn sứt mẻ.
Biển xanh vốn hiền hòa, nhưng khi cần có thể nổi phong ba. Biển có thể cho tất cả, nhưng biển cũng có thể lấy đi tất cả. Tham thì thâm, hình ảnh mụ vợ ông lão đánh cá trở về với cái máng sứt mẻ là tấm gương tày liếp muôn đời cho phường đã tham ngu, lại thêm bạc ác!