Em hãy chứng minh ý kiến: Các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của văn học từ thế kỉ X đến thế kỉ XV, hầu hết là những người có tham gia cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, và tác phẩm tiêu biểu của họ cũng là những tác phẩm viết về cuộc đấu tranh chống ngoại xâm..

Với tư cách là những người trực tiếp nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ chủ quyền dân tộc, chống ngoại xâm phương Bắc, những nhà văn nhà thơ của giai đoạn văn học từ thế X đến thế kỉ XV đã lấy đề tài chống ngoại xâm như một đề tài chủ yếu trong những tác phẩm của họ. Cảm hứng thời đại của hào khí Đông A, của một thời Lam Sơn khởi nghĩa là chất men say, nguồn hiện thực giúp họ sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ của mọi thời đại. Rõ ràng nói đến giai đoạn văn học thời kì này, không thể không nhắc đến bài thơ thần của Lí Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ văn của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi..., thơ Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải, Trương Hán Siêu, Đặng Dung... tất cả đã tái dựng không khí anh hùng của một thời đại anh hùng, những anh hùng bất khuất chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

Mở đầu cho cảm hứng này là bài thơ thần của danh tướng Lí Thường Kiệt. Đây là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên, khẳng định sức mạnh của đất nước Đại Việt. Ở đây, với sức mạnh của quân và dân nhà Lí, chiến thắng trên sông Như Nguyệt là một nguồn thi hứng mãnh liệt làm tiền đề cho bản tuyên ngôn đầu tiên.

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đang hành khan thủ bại hư.

Có hiểu được nỗi khổ nhục của một ngàn năm Bắc thuộc mới hiểu hết được sự sảng khoái, niềm tự hào của bài thơ:

Núi sông Nam Việt, vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia, xứ sở.

Giăc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ

(Lê Thước - Nam Trân dịch)

Hùng khí của bài thơ vút lên tận trời, nó không chỉ làm hoảng kinh kẻ thù mà còn là một niềm động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu của tướng sĩ.

Ở Hịch tướng sĩ, sức mạnh càng được nhân lên gấp bội phần. Hiện thực lớn lao của ba lần kháng chiến đánh tan Nguyên - Mông đã được tái hiện. Hiện thực đó là bức tranh toàn cảnh tác động lớn lao đến quân dân nhà Trần. Nó biến thành lòng căm thù quân cướp nước.

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối... chỉ căm tức chưa được xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác ta gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng.

Không có sức mạnh của trận Bạch Đằng sấm vang chớp giật không thể có một âm điệu như thế trong Hịch tướng sĩ. Nên nhớ là mục đích của bài Hịch nhằm khích lệ tinh thần tướng sĩ nhà Trần. Cơ sở của sự khích lệ vẫn là sức mạnh long trời lở đất của những chiến thắng trước. Đó cũng là cơ sở để Trần Quốc Tuấn gọi sứ giả của cường địch phương Bắc là cú diều, dê chó.

Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem tấm thân dê chó mà bắt nạt tề phụ.

Có hiểu được tương quan lực lượng, binh mã giữa ta với kẻ thù, tầm vóc của quân đội nhà Nguyên với thế giới mới thấy hết giá trị của những từ xưng hô đầy khinh miệt, mang tính chiến đấu cao của Hịch tướng sĩ.

Sức mạnh của lời động viên, khích lệ kia đã thành hiện thực. Quân đội nhà Trần đánh tan quân Nguyên lần thứ ba. Tràn ngập trong văn thơ giai đoạn này là cảm hứng tự hào về sức mạnh của một thời đại anh hùng chống ngoại xâm.

Mở đầu cho bản đại hùng ca này là: Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu. Có thể nói rằng đó là một bản tổng kết vĩ đại về sức mạnh chiến thắng của quân dân ta với kẻ thù xâm lược.

Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã Cũng là bãi đất xưa Ngô chúa phá Hoằng Thao Đương khi ấy:

Thuyền bà muôn đội Tinh kì phấp phới Tì hổ ba quân Giáo gươm sáng chói.

Lời phú sảng khoái mà tha thiết, rực lửa chiến thắng mà vẫn chứa chan nhân nghĩa. Đó cũng là sức mạnh chiến thắng, lí tưởng sáng ngời của một đất nước luôn luôn bất khuất chống ngoại xâm.

Trong âm điệu đó, những danh tướng đời Trần như Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải vừa rời tay gươm, đã không ngăn cảm xúc, cầm bút hoà chung vào bản hợp xướng vĩ đại của đất nước. Trong Tụng giá hoàn kinh sư, Trần Quang Khải viết:

Đoạt giáo Chương Dương độ 

Cầm hồ Hăm Tử quan

Thái bình tu trí lực

Vạn cỏ thử giang sơn.

Hay như Phạm Ngũ Lão, từ những chiến thắng, từ hình ảnh những người anh hùng thời đại, ông đã khắc tạc trong thơ tượng đài kì vĩ của người nam nhi mang lí tưởng chống giặc ngoại xâm:

Hoành sóc giang san cáp kỉ thu

Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu.

Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.

Tự hào và vĩ đại biết bao hình ảnh:

Múa giáo non sông trải mấy thu

Ba quân khí mạnh át sao Ngưu.

Có thể nói rằng đó là hình ảnh chung của con người Việt Nam trên con đường gian khổ để giữ gìn giang san gấm vóc. Hình ảnh này tiêu biểu cho vẻ đẹp thời đại. Nó có giá trị khởi đầu để sau đó xuất hiện những hình ảnh kế tục mà nổi bật hơn cả là hình ảnh chiến đấu và chiến thắng của dân tộc trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.

Mười năm trường kì gian khổ, nếm mật nằm gai, mười năm ngẫm thù lớn há đội trời chung đã hun đúc nên sức mạnh long trời lở đất của nghĩa quân Lam Sơn trước quân cuồng Minh. Nếu Nam quốc sơn hà là bản tuyên ngôn độc lập thì bài Cáo bình Ngô là bản tổng kết mười năm anh dũng, gian khổ chống giặc, mở ra một kỉ nguyên mới cho tương lai đất nước. Hiện thực đã thổi vào thơ văn những luồng gió làm bùng sáng ngọn lửa tiêu diệt kẻ thù:

Đánh một trận sạch không kình ngạc,

Đánh hai trận tan tác chim muông.

Để rồi:

Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng, Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh.

Quả là trong Đại cáo bình Ngô niềm tự hào và tinh thần dân tộc đã lên đến đỉnh cao. Cùng với những áng thơ văn chiến đấu đời Lí, Trần, tác phẩm là một tập đại thành cho phép chúng ta nghĩ rằng âm điệu chiến đấu và chiến thắng là âm điệu chủ yếu của giai đoạn văn học thời kì từ thế kỉ X đến thế kỉ XV. Đây là một thời đại mà mọi tác phẩm, trước hiện thực lớn lao của đất nước, đã hoà chung một điệu, tạo nên một khúc anh hùng ca chiến đấu và chiến thắng của một thời đại anh hùng.

BÀI CÙNG NHÓM