Vì sao phải quan tâm đến những người nghèo? Vì đất nước ta còn nhiều gia đình khó khăn, có thể không có đủ cơm ăn, áo mặc. Ngày nay, khi kinh tế đất nước đã có những phát triển đáng kể, bên cạnh những toà nhà cao tầng, bên cạnh những tiện, nghi đầy đủ... vẫn còn đó những ngôi nhà lụp xụp, những tấm áo vá, những bữa cơm đạm bạc, những đứa trẻ phải nghỉ học để lo kiếm sống...
Con đường dẫn đến cái nghèo có muôn nghìn lối, nhắc đến chúng không ai tránh khỏi cảm thương, ngậm ngùi. Đất nước ta, điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng khó khăn cũng nhiều. Trong khi phần lớn người dân còn làm nông nghiệp bám vào đất, dựa vào sự thuận hoà của nắng mưa để kiếm kế sinh nhai thì mỗi năm trời lại giận dỗi, bão lũ đến vài ba lần: Chanchu, Shanshi... hay hạn hán vài ba bận: Thái Nguyên, Tây Nguyên.. Một đầm cá trị giá vài chục triệu, một cơn lũ quét qua đủ biến một ông chủ thành con nợ. Ngô lúa, hoa màu đang đến mùa, đến vụ, một đợt hạn hán kéo dài, một trận dịch bệnh...là đủ để biến nhiều gia đình vào cảnh trắng tay. Thậm chí những cơn bão lũ còn cướp đi tính mạng con người, những mái nhà của cả một vùng... Di chứng chiến tranh còn lại sau gần nửa thế kỉ cũng đã là nỗi nhức nhối, nỗi đau âm ỉ trong lòng Tổ quốc. Có những gia đình từ cha đến con cháu đều nhiễm chất độc màu da cam, để gánh nặng gia đình dồn một mình lên vai người phụ nữ... Tự nhiên sinh ra con người bình đẳng nhưng sự trôi dạt xô đẩy của hoàn cảnh đôi khi đã phân hoá, tạo ra những cảnh giàu - nghèo. Khoảng cách ấy, những con người Việt Nam chân chính ai cũng muốn lấp đầy, rút ngắn.