Văn nghị luận xã hội: Bàn về tính nóng nảy

Bạn đã nhìn thấy kẻ nóng nảy một lần nào chưa? Bạn đã chứng kiến một sự việc, vụ việc do kẻ nóng nảy gây ra chưa? Nóng nảy là một tính xấu. Kẻ nóng nảy không được ai ưa, thậm chí bị mọi người ghét, không ai muốn tiếp xúc với kẻ nóng nảy.

Nóng nảy là thiếu bình tĩnh trong quan hệ đối xử, dễ nổi nỏng, dễ bất bình, dễ có phản ứng dữ dội, gay gắt, thường gây ra nhiều chuyện đáng trách, đáng tiếc. Có câu ví mà nhiều người hay nhắc đến: “Nóng như Trương Phi”.

Kẻ nóng nảy do bản tính xấu. Lúc trạnh luận thì mặt đỏ tía tai, thái độ hung hăng, dữ tợn, nói to, hay quát nạt, chân tay múa may. Kẻ nóng nảy rất hiếu thắng, cãi nhau tay đôi mà rơi vào thế bí thì dùng lí sự cùn, dùng lời lẽ thô lỗ, cục cằn, để áp chế, để đe nạt, đe dọa. Kẻ nóng nảy thường ăn nói tục tằn, nếu có việc gì mà không bằng lòng, hài lòng thì hắn ta chửi mắng, và gây sự đánh nhau!

Kẻ nóng nảy không để ý tới chân lí, coi thường tình người, luôn gây ra ẩu đả, xung đột. Mọi chuyện bạo hành, bạo lực xảy ra trong gia đình, ngoài xã hội đều do kẻ nóng nảy gây ra.

Học sinh đánh bạn bị thương, đánh bạn bị chết, kéo bè kéo cánh chửi bới lẫn nhau, gây ra bao chuyện đau lòng cho cha mẹ, cho các thầy cô giáo mà báo chí và dư luận chê trách, lên án đều do học sinh hư, học sinh cá biệt gây ra. Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng một phần lớn do kẻ nóng nảy, kẻ “mất dạy” gây ra và cầm đầu.

Bố mẹ nóng giận mà chửi mắng, đánh đập con cái là điều không nên. Vợ chồng nóng giận, anh em bất hoà mà chửi bới nhau, đánh đập nhau, gây ra chuyện đau lòng là chuyện xấu. Có thầy cô giáo nóng giận đã bắt học trò quỳ, bắt đứng úp mặt vào tường, dùng lời lẽ gay gắt xúc phạm đến nhân cách học sinh là chuyện đáng chê. Những vụ ẩu đả, đâm chém xảy ra ở nơi này nơi nọ, đều do các băng đảng xã hội đen gây ra, kẻ cầm đầu thật ghê tởm, thật đáng sợ. Chúng còn hồ đồ, còn dữ tợn, còn nóng hơn lửa, nóng nảy hơn cả Trương Phi. Kẻ nóng nảy trở nên mất hết nhân tính!

Người khôn ngoan đừng kết bạn, đừng giao thiệp với kẻ nóng nảy. Không nên tranh luận, đừng nên bàn lời hơn lẽ thiệt với kẻ nóng nảy. Không nên tiếp xúc, không nên gần, đừng có gây ra sự hiểu lầm đối với kẻ nóng nảy.

Báo chí đã đưa tin nhiều chuyện đau lòng. Anh em nhà nọ đánh nhau, bác hàng xóm sang can ngăn liền bị thằng em đánh chết! Bọn du đãng ngồi uống rượu ở quán hàng cãi nhau, một ông khách vào can ngăn, bị chúng đánh chết, chém chết! Có “nghìn lẻ một” chuyện án mạng xảy ra do kẻ nóng nảy gây ra.

Tại sao “cổ động viên” bóng đá Hải Phòng đi đến sân bóng nào cũng bị ban tổ chức và khán giả của các tỉnh bạn e ngại? Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa là vậy!

Nóng nảy là một tính xấu. Rèn luyện, tu dưỡng sao, giáo dục sao để có thể làm nguội dịu kẻ có máu nóng, kẻ có cái đầu nóng như lửa? “Rượu vào lời ra"; kẻ nóng nảy lại có hơi men thì càng nóng nảy hơn. Gặp phải những kẻ như thế chúng ta nên tạm tránh, đừng phí lời phân bua. “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”; Con voi điên lại phải tránh xa, thật xa. Lửa cháy còn có thể dùng nước để dập tắt; còn cái đầu nóng của kẻ hung hãn thì lấy cái gì để “hạ” nhiệt?

Biết nóng nảy là tính xấu. Do vậy, cần phải rèn luyện và tập cho mình biết “nhẫn”. Phải biết sông hoà nhã, khiêm nhường. Đó là những điều nên biết, cần biết khi bàn đến tính nóng nảy!

Người ta thường nói “Chân lí là sức mạnh"; "chân lí mang tình người và lương tâm”. Kẻ nóng nảy chỉ biết sức mạnh, hắn không cần đến chân lí, không hề nghĩ đến lương tâm và tình người. Đó là những điều mà mỗi chúng ta cần hiểu một cách đầy đủ, sâu sắc trong ứng xử. Nhất là trong mọi quan hệ với kẻ nóng nảy!

BÀI CÙNG NHÓM