YÊU CẦU
1. Về kiểu bài, đây là kiểu bài phát triển cảm nghĩ về nhân vật văn học.
2. Yêu cầu của đề có chú ý đến hiểu biết về nhân vật, do đó những sự kiện, những chi tiết về tính cách nhân vật cần được thuật lại để làm nền cho suy nghĩ.
3. Nhân vật Đôn-ki-hô-tê là một nhân vật văn học nổi tiếng. Nét đặc sắc của nhân vật này là ham mê sách vở kiếm hiệp, muốn làm hiệp sĩ, sống như các hiệp sĩ giang hồ ngày xưa. Đôn-ki-hô-tê sống có lý tưởng cao đẹp, chàng dũng cảm, cương trực, luôn luôn muốn trừ diệt cái ác, cứu giúp mọi người, đó là mặt tốt của nhân vật. Nhưng Đôn-ki-hô-tê lại hành động mù quáng, lẫn lộn, khờ dại. Chàng chỉ sống theo sách vở, bất chấp thực tế, vì thế hành động của chàng ngớ ngẩn, nực cười, và phải trả giá đắt.
4. Nhũng cảm xúc nghĩ của người viết tùy thuộc vào sự cảm thụ tác phẩm và hiểu biết nhân vật. Người viết có thế trình bày hoàn toàn thẳng thắn, miền là hợp lí.
BÀI LÀM
Tác phẩm Đôn-ki-hô-tê của nhà vàn Tây Ban Nha Xec-van-tex đã để lại trong em nhiều cảm xúc sâu sắc. Nhân vật chàng quý tộc nghèo Ki-ha-đa - sau là hiệp sĩ Đôn-ki-hô-tê đáng quý và cũng đáng thương vì những ý tưởng tốt đẹp và hành động mù quáng điên rồ.
Điều đáng nói ở chàng hiệp sĩ này trước tiên là những ước mơ cao đẹp. Quá say mê những tiểu thuyết kiếm hiệp rẻ tiền, trong tâm tưởng của Đôn-ki-hô-tê chỉ có những hành động cao thượng trừ gian, diệt ác bảo vệ dân lành và những chàng hiệp sĩ lừng danh ẩn hiện trong thế giới giang hồ.
Chao ôi! Từ một con người bình thường chỉ vì không biết giới hạn niềm yêu mến của mình mà Đôn-ki-hô-tê đã trở thành người u mê, suốt ngày vùi đầu vào sách vở. Đến bản thân mình, chàng cũng chẳng chú ý tới đến nỗi "gầy xơ xác chỉ còn xương bọc da, đầu óc teo đi". Nhưng dù sao đi nữa chúng ta cần phải trân trọng mơ ước của Đôn-ki-hô-tê. Mơ ước tuy lãng mạn nhưng lại thể hiện một khát vọng phiêu lưu mạo hiểm, tiêu diệt cái ác, cái xấu, cứu giúp mọi người, để lại tiếng thơm muôn đời. Đôn-ki-hô-tê một mình một ngựa xông thẳng vào lũ khổng lồ (những cối xoay gió) không một chút sợ sệt chứng tỏ chàng dũng cảm biết bao. Bị ngã ngựa "nằm không cựa quậy", nhưng chàng không kêu đau. Điều đó thật đáng khâm phục. Nhưng Đôn-ki-hô-tê cũng thật là ngây thơ và mù quáng. Ngay cả ước mơ bình thường là có người yêu mến mà chàng cũng không đạt được. Chàng tôn thờ nàng Đun-xi-nê-a làng Tô-bô-xô mặc dù người con gái ấy không biết Đôn-ki-hô-tê là ai. Giám mã Xan-trô can ngăn thế nào chàng cũng khăng khăng coi những cối xay gió là những tên khổng lồ và quyết giao đấu. Trên đời này có ai lại ngu ngốc như hiệp sĩ Đôn-ki-hô-tê không? Chắc chẳng có ai đem sinh mạng mình để điên rồ đánh nhau với cối xay gió. Kết quả của hành động mù quáng đó là Đôn-ki-hô-tê đã thất bại thảm hại: ngọn giáo gãy tan, con ngựa Rô-xi-nan-tê còm cõi chỉ còn da bọc xương thì chổng bốn vó lên trời. Còn hiệp sĩ Đôn-ki-hô-tê? Chàng bị văng ra xa bởi cú ngã như trời giáng. Thật là tội nghiệp. Ta thương cảm, buồn cười và thật xấu hổ cho chàng. Cái gì cũng bắt chước sách vở. Đau đớn không kêu. Thức một đêm nghĩ đến tình nương, nhịn ăn vì "nghĩ đến người yêu cũng đủ no rồi". Con người ảo tưởng và u mê của chàng lại được dịp bộc lộ khi gặp hai tu sĩ và cỗ xe ngựa chở một phu nhân. Bất chấp lời khuyên tỉnh táo của Xan-trô, chàng đinh ninh đó là hai gã phù thủy bắt cóc một nàng công chúa. Thế là lao vào giao đấu. May mà thắng hai thầy tu. Nhưng kị sĩ tỉnh Vi-xcai-a không chịu đựng nổi sự gàn dở của Đôn-ki-hô-tê đã quyết đấu. Bao nhiêu căm hận, tức tối và lòng dũng cảm không đúng chỗ của chàng đã khiến chàng lao vào chiến đấu "như điên như dại". Chàng nhận được gì qua hành động điên cuồng mù quáng đó? Mất một nửa tai trái ư? Hay là sự tự hào về lòng cao thượng đã tha chết cho kẻ bại trận? Hoặc lời cầu xin của phu nhân cảm ơn giả vờ và hứa bừa sẽ thi hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của chàng?
Đôn-ki-hô-tê là hiệp sĩ chiến đấu cho cái thiện, diệt trừ cái ác. Chàng là con người cương trực, dũng cảm, dám xả thân vì nghĩa lớn. Nhưng chàng hành động một cách điền rồ, ảo tưởng, mù quáng. Em vừa yêu mến, kính trọng vừa thương hại, tức giận Đôn-ki-hô-tê, mẫu người chỉ biết sống bằng mơ ước viển vông bất chấp thực tế. Em tự rút ra bài học: không nên lún sâu vào một điều thái quá. Những sách kiếm hiệp, sách chưởng đọc quá nhiều sẽ có hại cần phải suy nghĩ thực tế, hành động đúng đắn và sáng suốt để không rơi vào tình trạng như Đôn-ki-hô-tê trong tác phẩm bất tử của Xec-van-tex.