Tình yêu quê hương, đất nước là một chủ đề quen thuộc trong nền văn học Việt Nam, nhưng mỗi nhà văn, nhà thơ lại thể hiện một khác. Nguyễn Đình Thi có "Đất nước", Chế Lan Viên có "Tiếng hát con tàu", Tố Hữu có "Việt Bắc"... Còn với nhà thơ Hoàng cầm, "Bên kia sông Đuống" đã thể hiện cao độ niềm tiếc nuối, xót xa trước cảnh tượng quê hương bị tàn phá. Hình ảnh những ngọn lửa hung tàn, ngùn ngụt bốc lên hủy diệt làng quê được miêu tả trong mười lăm dòng thơ gây ấn tượng mạnh mẽ từ câu: "Bên kia sông Đuống - Quê hương ta lúa nếp thơm nồng" đến câu:
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu.
Trước hiện tại đau thương ấy, nhà thơ càng nhớ tiếc một thuở thanh bình của miền quê bên bờ sông Đuống. Tình yêu và nỗi đau đã khiến cho đoạn thơ này trở thành một trong những đoạn thơ đặc sắc nhất.
Trong một đêm tháng tư, khi hay tin quân thù giày xéo quê hương, nhà thơ đã có bao nhiêu bồi hồi, nuối tiếc những tháng ngày được sống yên vui, thanh bình. Đoạn thơ mở đầu bằng câu "Bên kia sông Đuống", là câu thơ trở đi trở lại nhiều lần, lại dùng làm tên gọi của bài thơ nên có khả năng gợi ra nhiều suy ngẫm. Lúc này nhà thơ đang ở chiến khu, bên này sông Đuống để hướng về "Bên kia sông Đuống" nơi quê hương của nhà thơ với những xót xa nhớ tiếc. Nhưng câu thơ cũng gợi ra cảm giác xa xôi, ngăn cách, chia lìa. Dòng sông Đuống đã trở thành ranh giới chia cắt "Ngày xưa cát trắng phẳng lì - Xanh xanh bãi mía bờ dâu - Ngô khoai biêng biếc" với hôm nay "Giặc kéo lèn ngùn ngụt lửa hung tàn". Dòng sông Đuống còn tạo sự ngăn cách giữa thực tại đau thương, ruộng khô, nhà cháy. "Chó ngộ một đàn - Lưỡi dài lê sắc máu" với quá khứ yên bình:
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hề đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Trong tâm trạng xao xuyến, bồi hồi tiếc nuối, nhà thơ thấy hiện lên trong tâm trí mình hình ảnh vùng quê:
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.
Những câu thơ Hoàng cầm vừa nói đến vẻ đẹp của ruộng đồng vừa thể hiện nét đẹp của truyền thống văn hóa. "Quê hương ta" đó chính là một vùng quê Kinh Bắc, xứ sở của những làn điệu dân ca và một dòng tranh dân gian nổi tiếng. "Quê hương ta" có "lúa nếp thơm nồng" với đất đai màu mỡ, phì nhiêu, với những con người cần cù siêng năng. Bàn tay người Kinh Bắc không chỉ để lại dấu ấn ở những "bãi mía, bờ dâu, ngô khoai biêng biếc" mà còn làm đẹp thêm cho quê hương bởi nét vẽ tài hoa độc đáo với Đánh ghen, Hứng dừa, Đám cưới chuột... Trong cảm nhận riêng của Hoàng Cầm, đó là "Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong - Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp".
Từ hoài niệm về quá khứ yên bình, nhà thơ trở lại với hiện tại đau thương:
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn.
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang.
Trong cảm nhận của Hoàng cầm, ngày quân thù giày xéo quê hương không còn là một ngày cụ thể nữa mà chỉ được gọi là "ngày khủng khiếp", cho thấy bao đau đớn, xót xa. Quân giặc tới đâu là "đốt sạch, phá sạch, giết sạch", gây ra một cảnh tượng thật dữ dội. Chúng đã bị "vật hóa" trong cái nhìn đầy căm thù của nhà thơ. Chúng điên cuồng như một đàn "chó ngộ", hung tợn, điên dại đem chết chóc đến mảnh đất đang yên bình. Khắp nơi "bờ hoang ngõ thẳm" không có nơi đâu là máu của dân lành không đổ xuống. Giọng thơ như vẫn còn chất chứa niềm xót xa, nấc nghẹn của tác giả khi quê hương chìm đắm trong cảnh bạo tàn:
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu.
Những dòng thơ vẽ ra sự chia lìa đau đớn và gợi cho ta nghĩ về sự hủy hoại văn hóa dân tộc. Thực tế lúc ấy có cảnh mẹ con chia lìa, nhưng khi tác giả viết "Mẹ con đàn lợn âm dương - Chia lìa đôi ngã" thì có nghĩ là những bức tranh làng Hồ mang hồn cốt dân tộc kia cũng đã bị chúng giày xéo, thiêu hủy. Chúng hủy hoại cả khát vọng hòa hợp, yên bình của người dân, hủy hoại cả những giá trị văn hóa. Cùng chung một bút pháp như thế, câu thơ "Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã" có thể kể về những lứa đôi bị chia lìa "mới ngỏ lời thôi đành lỡ hẹn" nhưng cũng có thể miêu tả sự hủy diệt những giá trị tinh thần, những bức tranh vô tội. Kẻ thù tàn bạo và hung ác. Chúng không chỉ làm cho cuộc sống của người dân tan tác, điêu linh mà chúng còn chà đạp lên những gì là truyền thống văn hóa, là hồn cốt của dân tộc ta. Đoạn thơ kết thúc bằng câu hỏi "Bây giờ tan tác về dâu" đã xoáy sâu vào tâm trí bao người. Giọng thơ trầm ngâm, ẩn chứa bao nhiêu tiếc nuối, xót xa. Bây giờ đó chính là hiện tại đau thương, tàn phá, là cái ngày "khủng khiếp" trong tâm tưởng của tác giả. Chính vì vậy nó càng gợi sự nhức nhối sâu sắc hơn. Suốt chiều dài bai thơ, ta đã gập nhiều những câu hỏi như thế: "Bây giờ đi đâu về đâu?", "Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?". "Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?"... Những câu hỏi cứ trở đi trở lại càng khiến ta thêm nhớ thương vùng quê Kinh Bắc yên bình và đau xót, căm giận quân thù điên cuồng giày xéo, hủy diệt cuộc sống, hủy hoại những giá trị văn hóa của dân tộc ta.
Đoạn thơ thể hiện cảm xúc yêu thương và căm giận, yêu tha thiết và đau đớn đến xót xa trước cảnh tượng quê hương, những người thân bị ngọn lửa hung tàn của kẻ thù thiêu đốt. Tình cảm của nhà thơ đã đủ sức biến thành hành động, trả thù cho những mất mát, đau thương. Thế nên ở đoạn thơ sau ta mới bắt gặp hình ảnh người chiến sĩ ra trận thầm lặng mà quyết liệt khiến quân thù khiếp sợ.
Con đến giờ xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Bài thơ Bên kia sông Đuống tuy khá dài, nhưng ở đoạn nào cũng có những câu, những ý thơ hay, khiến người đọc thích thú. Thế mới biết bút lực của Hoàng cầm khi viết một mạch xong bài thơ này thật đáng cảm phục.