Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Khổ thơ trên dành cho không gian hùng vĩ, oai linh của Tây Bắc. Con đường dốc mới ấn tượng làm sao. Một câu thơ bảy chữ mà có đến hai chữ dốc: khúc khuỷu và thăm thẳm. Dốc vừa quanh co, gấp khúc vừa cao thăm thẳm. Cao đến nỗi lên đến đinh dốc rồi thì súng có thể chạm vào trời để mà ngửi để mà xem hơi của da trời có mùi gì. Súng ngửi trời là hình ảnh vừa nhân hóa lại vừa ngoa dụ. Chỉ để nói cái cao thăm thẳm của dốc. Ngàn thước lên lại ngàn thước xuống càng tạo cho cảm giác con đường dốc ngược. Mà dốc trong mưa lại càng trơn, lên đã khó, xuống càng khó hơn. Thế nhưng thấp thoáng nóc nhà trong mưa Pha Luông làm cho đoạn đường như bớt đi vẻ khắc nghiệt. Mưa xa khơi. Làm gì có biển mà xa khơi? Nhưng biển mây, biển mưa tạo cảm giác ấy, một cảm giác ấm lòng giữa thiên nhiên hùng vĩ mà khắc nghiệt. Cả câu thơ gồm toàn những từ thanh bằng như diễn tả đã hết ngàn thước xuống và đã bắt đầu đến đoạn đường bằng phẳng... mà cũng có thể chỉ là ảo giác và ao ước của người đang chật vật với cái dốc thăm thẳm.
Kỉ niệm lại gọi về một thời gian không ngắn trên chặng đường hành quân Tây Tiến của đoàn quân Tây Tiến:
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Phải hoang dã lắm, vắng người lắm nên cọp mới cả gan đến trêu người. Nhưng vượt qua được chặng dốc, vượt qua được thác ghềnh, qua nơi trú quân tạm thời đến được với dân thì Tây Bắc không chỉ là hũng vĩ, khắc nghiệt, bí ẩn mà Tây Bắc còn ấm áp, thơ mộng. Bát cơm nóng lên khói giữa trời mưa lạnh và em gái Mai Châu với nắm xôi nếp thơm của mùa gặt mới hay là mùa em đón người lính cụ Hồ là hình ảnh làm cho Tây Bắc ấm mãi trong lòng, đọng mãi trong trí nhớ của người chiến sĩ.