Giới thiệu về sự nghiệp sáng tác của tác gia Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ cách mạng, người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam và nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người không chỉ để lại cho dân tộc một sự nghiệp chính trị vĩ đại mà còn là một nhà báo, một nhà văn, một nhà thơ có vị trí quan trọng trong trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam.

Từ nhỏ, Hồ Chí Minh đã sớm có năng khiếu văn học, yêu thích văn học dân gian, văn thơ cổ điển và thơ yêu nước Việt Nam, am hiểu sâu sắc các thể thơ của Trung Quốc, Trong thời gian hoạt động ở Pháp, Anh, Người say mê tìm hiểu văn hoá, văn học phương Tây và đã có những ảnh hưởng nhất định từ các nền văn học này. Sinh thời không có ý định gây dựng cho mình một sự nghiệp văn học nhưng khi khám phá ra sức mạnh của văn học thì Người đã nắm lấy nó và sử dụng như một thứ vũ khí đắc lực. Hồ Chí Minh luôn coi văn học là một vũ khí và nhà văn cũng phải có tinh thần xung phong như chiến sĩ ngoài mặt trận. Người chú trọng đến tính chân thật, tính dân tộc của văn học, sáng tác bao giờ cũng xuất phát từ mục đích và đối tượng để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh rất phong phú, bao gồm nhiều thể loại và phong cách khác nhau, phu hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh, khi viết bằng tiếng Pháp, khi viết bằng tiếng Hán, khi bằng tiếng Việt. Đáng chú ý nhất là các tác phẩm chính luận, truyện ngắn, thơ ca và hồi kí.

Đầu tiên trong sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh phải kể đến là văn chính luận với các tác phẩm tiêu biểu như: “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản lần đầu tại Pa-ri năm 1925; “Tuyên ngôn độc lập” mang ý nghĩa lịch sử trọng đại khai sinh ra nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam... Văn chính luận của Người có lời văn chặt chẽ, súc tích, ngôn ngữ sắc sảo, giàu tính thuyết phục... xứng đáng là áng văn chính luận đanh thép, hùng tráng và mẫu mực. Bên cạnh văn chính luận, di sản văn học của Hồ Chí Minh trong các thời kì khác nhau còn bao gồm nhiều hình thức và thể loại khác, về văn xuôi, đó là những truyện ngắn, truyện kể, phóng sự, hồi kí, truyện vui, tiểu phẩm, kịch... bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Đáng chú ý nhất là những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp trong thời kì hoạt động ở Pháp, có ý nghĩa mở đầu cho nền văn học vô sản Việt Nam và có vị trí đặc biệt trong nền văn học chông thực dân trên thế giới.

Qua các truyện ngắn này người đọc có thể nhận ra một cây bút văn xuôi tài năng với trí tưởng tượng phong phú, vốn văn hoá sâu rộng, một trí tuệ sắc sảo, hóm hỉnh và một trái tim tràn đầy nhiệt huyết yêu nước và tinh thần cách mạng, về thơ, có thể chia sự nghiệp sáng tác của Người ra làm hai loại: thơ trữ tình và thơ ca tuyên truyền. Loại trên thường được sáng tác khi có những rung cảm trước thiên nhiên, cuộc đời, con người, giãi bày tình cảm. Thơ ca tuyên truyền phong phú, đa dạng trong hình thức và ngôn ngữ diễn đạt, gần gũi dễ hiểu với nhân dân. Tên tuổi Hồ Chí Minh gắn liền với tập “Ngục trung nhật kí” (Nhật kí trong tù), một tập nhật kí viết bằng thơ trong thời gian người bị giam cầm ở nhà tù Tưởng Giới Thạch từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu năm 1943. Đây là một tập thơ đặc sắc, đa dạng linh hoạt về bút pháp, kết tinh giá trị tư tưởng và nghệ thuật thơ ca Hồ Chí Minh. Nổi bật trong thơ là hình ảnh nhân vật trữ tình mang nặng “nỗi nước nhà” mà phong thái vẫn ung dung, tâm hồn chan hoà giao cảm với thiên nhiên, thể hiện bản lĩnh cách mạng luôn vượt qua gian khổ, làm chủ tình thế, tin tưởng vào tương lai tất thắng, ở tất cả các thể loại, sáng tác, Người đều tạo ra những nét phonng cách riêng, độc đáo, hấp dẫn, từ ngôn ngữ, thể loại, bút pháp, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật xây dựng tình huống... vừa cổ điển, vừa hiện đại.

Với một sự nghiệp văn học phong phú và nhiều giá trị như vậy, Hồ Chí Minh thực sự xứng đáng là một nghệ sĩ lớn, một niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

BÀI CÙNG NHÓM