Đề bài:
1. Trình bày ngắn gọn những hiểu biết về hoàn cảnh ra đời và tác giả, dịch giả của Chinh phụ ngâm.
2. Tâm trạng của người chinh phụ trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.
3. Trình bày đặc điểm nghệ thuật của văn bản Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.
Hướng dẫn:
1. Hoàn cảnh ra đời của Chinh phụ ngâm:
Chế độ phong kiến Việt Nam bước vào thời kì khủng hoảng trầm trọng. Nội bộ giai cấp phong kiến lục đục, tranh giành quyền lợi. Sự giằng co Lê — Mạc, Trịnh — Nguyễn kéo dài khiến cho nhân dân cực khổ, lầm than, sông trong cảnh huynh đệ tương tàn. Mâu thuẫn giữa tầng lớp giai cấp thông trị và nhân dân càng trở nên gay gắt, làm nên cả “thế kỉ nông dân khởi nghĩa”. Cảnh loạn li, chinh chiến là hiện thực dội vào nhiều tác phẩm. Chinh phụ ngâm đã ra đời trong bối cảnh lịch sử, văn hóa như vậy.
Tác giả Đặng Trần Côn sống vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII, quê ở Nhân Mục, nay là quận Thanh Xuân, Hà Nội. Là người miệt mài học tập từ thuở nhỏ nhưng ông không nặng nề chuyện thi cử đỗ đạt. Con đường khoa cử của ông tuy không thật lừng lẫy nhưng tác phẩm Chinh phụ ngâm lại gắn liền với tên tuổi của ông suốt mấy thế kỉ qua. Chinh phụ ngâm vượt ra khỏi khuôn khổ “tập cổ” (vì tác phẩm của ông lấy ý hoặc phỏng theo những câu thơ trong Nhạc phủ, Đường thi của Trung Quốc) sáo mòn, đơn điệu nhờ cảm xúc dồi dào, chan chứa tinh thần nhân đạo.
Hiện có nhiều bản dịch Chinh phụ ngâm của những dịch giả khác nhau. Bản dịch hiện hành thường được cho là của Đoàn Thị Điểm.
Dịch giả Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748), quê ở Giai Phạm, huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Đoàn Thị Điểm nổi tiếng thông minh, hay chữ, có bản lĩnh và giàu nghị lực. Sau khi từ chối nhiều người quyền quý, năm 37 tuổi, bà nhận lời lấy tiến sĩ Nguyễn Kiều. Sáng tác của Đoàn Thị Điểm gồm có thơ chữ Hán, chữ Nôm, tập Truyền kì tân phả. Có thể vì cảnh ngộ riêng (ngay sau khi lấy vợ, ông Nguyễn Kiều phải đi sứ 3 năm) mà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã chuyển dịch thành công Chinh phụ ngâm.
2. Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ là một đoạn trích diễn tả sâu sắc tâm trạng người chinh phụ. Nghị luận về nội dung này có thể có nhiều cách khác nhau, tương ứng với những dàn ý khác nhau, ớ đây chỉ nêu một gợi ý phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong văn bản.
Trong đoạn trích, tác giả đã miêu tả:
- Tình cảnh người chinh phụ:
+ Khi dạo ngoài hiên vắng, trước đèn, đốt hương, khi lại soi gương, đánh đàn... trong mọi việc, nàng đều chỉ có một mình, cô đơn.
+ Cảm giác cô đơn cùng cực là khi nàng đánh đàn và “dây uyên kinh đứt” - chi tiết thể hiện sự bế tắc, tuyệt vọng.
- Cảnh vật:
+ Không gian rộng dài xa xôi. Nói cách khác, không gian ấy “đo” khoảng cách ngăn giữa người thiếu phụ và người chinh phu.
+ Buồn thương, héo tàn.
- Niềm khát khao, mong ước hạnh phúc lứa đôi.
3. Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ là một minh chứng cho sự thành công về nghệ thuật của tác giả Chinh phụ ngâm trong việc miêu tả tâm trạng con người. Bản dịch vừa thể hiện được thành công đó, vừa có những sáng tạo:
- Về thể loại - thể thơ song thất lục bát:
+ Là một thể thơ dân tộc gần gũi với cảm nhận của quần chúng;
+ Có khả năng lớn trong việc thể hiện giọng điệu buồn thương, đau đớn triền miên, không dứt.
- Ngôn ngữ: sử dụng nhiều từ láy, các hình ảnh so sánh trong việc miêu tả cảnh vật và diễn tả tâm trạng nhân vật.
+ Được lựa chọn thể hiện tinh tế những cung bậc của cảm xúc, tâm trạng nhân vật.
+ Được sử dụng nhằm mục đích biểu cảm.
+ Sử dụng các biện pháp tu từ làm tăng giá trị nghệ thuật.