“Đất ngoại ô" (1972), "Mặt đường khát vọng” (1974) của Nguyễn Khoa Điềm cho thấy một hồn thơ giàu chất suy tư, cảm xúc dồn nén, thể hiện những tâm tư của người thanh niên trí thức trước những vấn đề trọng đại của dân tộc ta thời chống Mĩ.
Đoạn thơ "Đất Nước" là chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng". Trước Nguyễn Khoa Điềm, đề tài quê hương đất nước đã được nói rất hay, rất đằm thắm trong những bài thơ nổi tiếng như "Bên kia sông Đuống" (Hoàng Cầm), “Đất nước” (Nguyễn Đình Thi) “Quê hương" (Giang Nam),... “Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm là một khúc ca - sự nhận thức về nguồn gốc sâu xa của Đất Nước, về trí tuệ, tâm hồn và ý chí của Nhân Dân đã tạo dựng nên một “Đất nước của Nhân Dân, Đất Nước của ca dao, thần thoại". Có thể nói tư tưởng “Đất Nước Nhân Dân" đã được thể hiện một cách sâu sắc và độc đáo trong đoạn thơ "Đất Nước" này.
Đoạn thơ dài 110 câu thơ tự do, đậm đặc chất liệu vãn hóa dân gian. Ta có cảm nhận: tục ngữ ca dao, dân ca, truyền thuyết, cổ tích,... đã hóa thân trong những vần thơ "Đất Nước". Từ con người đến cảnh vật, từ các chi tiết lấy từ nhịp sống cần lao, dân dã như "gừng cay, muối mặn", như "cái kèo cái cột thành tên”, “miếng trầu”, “hạt gạo”, … đến chuyện "yêu nhau và sinh con đẻ cái", chuyện "chèo đò, kéo thuyền vượt thác"... bình dị thế thôi nhưng mở ra một không gian nghệ thuật vô cùng thân thuộc, làm dội lên trong lòng ta niềm tự hào về một Đất Nước “vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (NguyễnTrãi). Chất liệu văn hóa dân gian ấy được nhà thơ sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật tạo nên tính độc đáo và vẻ đẹp thẩm mĩ, đồng thời qua hệ thống hình tượng và cảm hứng trữ tình diễn tả một cách hào hứng và phóng khoáng tư tưởng chủ đạo "Đất Nước của Nhân Dân" đem đến cho người đọc bao tự hào xúc động.
Nếu như bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi là một giọng điệu đĩnh đạc, hào hùng, "Bên kia sông Đuống" của Hoàng Cầm là một giọng thơ bồi hồi, sâu lắng,... thì trong đoạn thơ này, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện những xúc cảm xúc và suy tưởng về Đất Nước dưới dang một lối trò chuyện tâm tình
Phần đầu khúc ca, tác giả nói về lịch sử đất nước - một đất nước hình thành từ "những ngày xửa ngày xưa"...qua bốn nghìn năm “đằng đẵng”. Không kể lại những sự kiện lịch sử oai hùng, những chiến công oanh liệt, những anh hùng lừng danh mà “anh em đều nhớ”, Nguyễn Khoa Điềm đã triển khai cảm hứng về Đất Nước bằng những cái bình dị, bình thường rất gần gũi và thân thương với mọi gia đình Việt Nam. Có tiếng nói của mẹ, miếng trầu của bà, có sự tích “Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc"... Có thuần phong mĩ tục, có tình nghĩa mẹ cha, có mồ hôi làm ra bông lúa hạt gạo, có ngôn ngữ nhân dân, lời ăn tiếng nói do nhân dân sáng tạo ra đặt tên cho những vật quanh mình...
... "Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn,
Đất Nước lớn lên khi dân mình trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cải cột thành tên,
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...".
Đoạn thơ trên gợi nhớ đến truyền thuyết “Thánh gióng”, truyện cổ tích “Trầu Cau” phong tục búi tóc của người Âu Lạc, gợi nhớ đến những bài dân ca về tình vợ chồng, về công việc nhà nông. Thơ tuy chỉ gợi, chỉ vẽ ra một vài nét thoáng nhẹ, mơ hồ, xa xôi nhưng đậm đà ý vị.
Đất Nước bình dị và đáng yêu, cụ thể và gần gũi với “em” và “anh” với mỗi chàng trai, cô gái. "Đất là nơi anh đến trường – Nước là nơi em tắm” là cây đa giếng nước, sân đình, là bến đò "nơi ta hò hẹn", là nơi “em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm"; là khúc dân ca vời vợi đã thấm vào máu, vào hồn của mỗi con người Việt Nam từ thuở còn nằm trong nôi:
"Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc",
Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi"...
Đất Nước thiêng liêng và tự hào biết mấy. Cha Rồng mẹ Tiên đã sáng tạo ra Đất Nước này. Lời thơ thầm thì nói về tình non nước sâu nặng. Nó dẫn hồn ta trở về cội nguồn qua huyền thoại diệu kì:
"... Đất là nơi Chim về,
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”
Tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân" được nói đến một cách cực kì sâu đậm khi nhà thơ ngợi ca giọt mồ hôi và xương máu của nhân dân. Đất Nước trường tồn qua "thời gian dài đằng đẵng" và trải rộng trên một "không gian mênh mông". Chính Nhân dân đã đổ mồ hôi và xương máu để xây dựng và bảo vệ Đất Nước. Một dân tộc cần cù và dũng cảm. Lớp lớp người biết làm ăn giỏi và sống trong tư thế hiên ngang. Çâu chuyện lứa đôi không nói về tình yêu mà nói về nghĩa tình non nước:
“…Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành ành hùng...".
Suốt hàng ngàn năm lịch sử, chính Nhân dân là những người sáng tạo nên Đất Nước này: "Không ai nhớ mà đặt tên - Nhưng họ làm ra Đất Nước". Hạt lúa do bàn tay dân ta trồng; lấy hòn than, con cúi để giữ lửa; truyền cho con cháu tiếng nói ông cha; đắp đập be bờ để làm ra cây trái. Họ "đã làm” và “đã giữ”, “họ truyền”, “họ đắp đập be bờ"... và "bốn nghìn lớp người" đã làm nên tất cả:
"... Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái...".
Ngôn ngữ thơ (giữ và truyền, gánh, đắp đập be bờ) được nhấn đi nhấn lại để tô đậm truyền thống cần cù lao động của Nhân dân - chủ nhân của Đất Nước.
"Nhân dân ta có một lồng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta" (Hồ Chí Minh). "Nước chúng ta - Nước những người chưa bao giờ khuất” (Nguyễn Đình Thi); "Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” (Huy Cận); “Tuốt gươm không chịu sống quỳ"(Tố Hữu). Nguyễn Khoa Điềm cũng có một lối nói độc đáo tư tưởng ấy:
"Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại”
Tư tưởng "Đất Nước và Nhân dân" là sự ngợi ca mồ hôi và xương máu của nhân dân. "Không có mồ hôi và máu thì các dân tộc không thể có lịch sử" (Ăngghen). Chính vì thế mà nhà thơ trẻ đã viết:
"Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao huyền thoại”
Hai câu thơ mà bốn lần nhắc lại từ "Đất nước” hai lần láy lại từ “Nhân dân”, biểu lộ biết bao tình thương mến!
Đất nước ta vô cùng tráng lệ với núi cao, sông dài, biển rộng, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Những tên núi, tên sông đã soi bóng vào thơ ca dân tộc. "Bạch Đằng giang phú" của Trương Hán Siêu, "Dục Thúy Sơn”, “Côn Sơn Ca” của Ức Trai,
"Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan, "Đêm trăng sáng bên sông Trà” của Cao Bá Quát, v.v... Giang sơn gấm vóc biết mấy tự hào! "Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi” (Tố Hữu). Nguyễn Khoa Điềm cũng nói về núi, về sông của Đất Nước, nhưng anh không nói về "địa linh nhân kiệt", "quan hà hiểm trở", “một cảnh chiều tà”, … mà có một lối nói riêng. Mỗi một địa danh, mỗi một thắng cảnh như một nét khắc, nét tạc vào cõi đất trời vẻ đẹp tâm hồn với những đức tính quý báu của nhân dân ta như tình yêu chung thủy của lứa đôi, sức mạnh quật khởi, ý chí tự lập tự cường, đức tính hiếu học, bàn tay cần cù, khéo léo, tấm lòng hồn hậu, bao dung.,.:
... "Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín nươỉ chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Những học trỏ nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên”.
Có những tên đất, tên làng vời vợi nghìn trùng gợi lên trong lòng người đọc hôm nay nhớ vể ông cha đã từng "mang gươm đi mở cõi” lấn biển, khai hoang, đoạn kình, bộ hổ, bắt sấu, đào kênh. Đoạn thơ như một đài tưởng niệm về công đức của Nhân dân - những anh hùng vô danh đã góp máu và mồ hôi làm nên Đất Nước:
"Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”.
Cảnh núi sông như hội tụ lập lánh qua những vần thơ đẹp cho ta nhiều rung cảm. Tiếp đó, nhà thơ đi tới một nhận thức khái quát: hồn sông cũng là điệu tâm hồn của Nhân dân:
”Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”.
Cấu trúc câu thơ biến hóa như một phức điệu đa thanh và đa âm, làm cho cảm xúc thơ dồn nén, giọng thơ thiết tha bồi hồi.
"Đất Nước của Nhân dân” không chỉ trường tồn trên chiều “đằng đẵng” của lịch sử, trải ra trên chiều rộng "mênh mông" của không gian địa lí, mà còn ở tầm sâu của tâm hồn, ở tầm cao của ý chí giống nòi. Một dân tộc yêu ca hát, cuộc đời hòa quyện trong ca dao dân ca. Một nhân dân nghĩa tình trong nếp sống “Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội" biết sống thủy chung sắt son trong tình yêu, "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn", biết trung hiếu vẹn toàn:
“Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ"
"Mồng mười tháng ba" ngày giỗ Tổ Hùng Vương, cháu con tự bốn phương trời tụ hội về Phong Châu, một nén hương trầm tỏa khói, một cử chỉ thành kính, biết ơn tiên tổ. Trở về cội nguồn là một nét rất đẹp của tâm hồn Việt Nam.
Trên mọi chặng đường lịch sử hàng ngàn năm, nhân dân ta "những người lớp lớp” ngẩng cao đầu đi tới, dũng cảm và hiên ngang, kiên cường và bất khuất để bảo vê Đất Nước, giữ vững cơ đồ Việt Nam:
"Biết trồng tre đợi ngày thành gậy,
Đi trả thù mà không sợ dài lâu”
Kết thúc đoạn thơ là tiếng hát gân vang trên những dòng sông quê hương. Những con sông "trăm màu", và "trăm dáng" cuồn cuộn xuôi dòng...là hình ảnh của Đất Nước thân yêu. Tiếng hát của những người “chéo đò, kéo thuyền vượt thác” là nhịp sống lao động, lạc quan và yêu đời cúa nhân dân ta trên con đường đi tới ngày mai. Giọng thơ ngọt ngào âm vang đem đến cho chúng ta niềm tin yêu tự hào về sự trường tồn của Đất Nước muôn quý nghìn yêu:
"Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về đến Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợí trăm màu trên trăm dáng sông xuôi"
Bài đất nước của Nguyễn Khoa Điềm còn là “lời tự hát”. Anh hát về tình yêu đôi ta, anh hát về Nhân dân, về non sông Đất Nước, Anh hát về quá khứ “thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông”. Anh hát về một ngày mai với nhiều “mơ mộng”. Chính Nhân dân - người làm ra Đất Nước đã cho anh niềm tin thiêng liêng ấy:
"Mai này con ta lớn lên,
Con sẽ mang Đất Nước đi xa,
Đến những tháng ngày mơ mộng”.
Tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân" qua đoạn thơ này đã chi phối cách nhìn, cách cảm và cách nghĩ của nhà thơ trẻ Nguyễn Khoa Điềm trong những năm chiến tranh chống Mĩ vô cùng ác liệt. Tư tưởng này đã được diễn tả bằng một hồn thơ đậm đà màu sắc dân gian, nó đã làm phong phú thêm cho ý niệm về Đất Nước trong thơ ca Việt Nam hiện đại.
Cảnh sắc núi sông gắn liền với tâm hồn dân tộc, khí phách của giống nòi. Cái bình dị tồn tại quanh ta hòa quyện với cái cao cả thiêng liêng cho thấy vẻ đẹp vĩnh hằng của Đất Nước của nền văn hóa Việt Nam và sự trường tồn của dân tộc.
Bài thơ tuy có chỗ còn dàn trải, nhưng ý tuởng đẹp, cảm hứng và ngôn ngữ thơ độc đáo. Nó đã khơi dậy tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm và khát vọng công dân đối với Đất Nước trong mỗi chúng ta:
"Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời"