Hãy bàn luận ý kiến sau đây: “Học trò phải kính yêu và biết ơn thầy, cô giáo"

Ca dao có câu:

“Cơm cha áo mẹ, chữ thầy Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao ”.

Câu ca dao nhắc nhở mỗi chúng ta phải ghi nhớ tình sâu nghĩa nặng đối với mẹ cha, đối với thầy giáo - những người đã sinh thành, nuôi dưỡng và dạy bảo chúng ta nên người, trở thành người có ích cho xã hội. Có thể nói, đây là câu ca dao đẹp nhất, hay nhất nói về đạo lí làm người.

Trong bài này, chúng ta chỉ bàn về tình cảm của người học trò đối với thầy, cô giáo: “Học trò phải kính yêu và biết ơn thầy, cô giáo ".

Học trò phải biết trọng thầy, kính yêu thầy.

Con đường tuổi thơ là con đường đi học. Trường học là cánh cửa đón tuổi thơ chuẩn bị bước vào đời. Thầy, cô giáo sẽ thay mặt các vị phụ huynh, các gia đình và xã hội để dạy dỗ mọi thanh, thiếu nhi lớn khôn, trưởng thành theo thời gian.

Trong xã hội phong kiến, các thư sinh phải “thập niên dăng hoả”, được các thầy đồ giáo huấn cho chữ nghĩa, kinh sách thánh hiền. Không có các thầy đồ thì không thể có các ông Tú, ông Cử, ông Nghè - tầng lớp sĩ phu ngày xưa. Ông thầy là một trong ba giềng mối của xã hội, được quy định rõ trong "tam cương " Quân-Sư-Phụ.

Ngày nay, đất nước đổi mới và phát triển. Giáo dục trở thành quốc sách hàng đầu. Giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và trung học, giáo dục đại học và cao đẳng được mở rộng và hiện đại. Trường học mở rộng cửa đón thế hệ trẻ bước vàọ con đường học vấn, con đường tươi sáng tương lai. Sứ mệnh của thầy, cô giáo thật nặng nề, vẻ vang: dạy chữ, dạy toán, dạy ngữ văn, dạy khoa học, dạy luân lí đạo đức, dạy ngoại ngữ,... cho thế hệ trẻ, đưa con, em vào các trường đại học, đào tạo thành người lao động mới, nhà khoa học mới, tiếp nối cha, ông, gánh vác sự nghiệp xây dựng nước nhà ngày càng giàu đẹp.

Công lao "trồng người’’ của các thầy, cô giáo thật vô cùng to lớn. Nhờ thầy, cô giáo dạy dỗ mà tuổi trẻ trưởng thành. Cho nên học trò phái trọng thầy, kính yêu thầy. Nghĩa là phải lễ phép, biết vâng lời, chăm chỉ siêng năng học hành, làm theo lời thầy dạy bảo. Người gieo trồng chỉ mong cây ra hoa kết trái. Học trò ngày một giỏi giang thì thầy, cô giáo mới hạnh phúc, tự hào. Biết trọng thầy, kính yêu thầy là đạo lí làm người của học trò xưa nay.

Học trò phải biết ơn thầy, cô giáo đã dạy dỗ mình. Đó là tình nghĩa thầy - trò. Ông bà, cha mẹ luôn luôn nhắc nhở con cháu: "Không thày đố mày làm nên ", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây ", "Uống nước nhớ nguồn ”.

Nhờ công ơn dạy dỗ của thầy mà trò nên người. Có không ít người, khi đã trở nên tài giỏi, có địa vị cao sang vẫn không bao giờ quên người thầy từng dạy dỗ mình thời trai trẻ. Sử sách đã ghi lại nhiều câu chuyện cảm động về nghĩa thầy - trò. A-lếch-xan-đơ Đại đế (Hi Lạp) cách chúng ta gần 2500 năm, trên con đường trường chinh xa xôi vạn dặm vẫn gửi về biếu A-rít-xtốt, người thầy kính mến, nhà bác học vĩ đại một con thú lạ, một mẩu thảo mộc để thầy nghiên cứu. Các-nô là Tổng thống Pháp, lúc về thăm quê đã ghé vào trường cũ để thăm người thầy giáo già, và nói: "Thưa thầy, con là Các-nô... ". Lê Hiến Tống là thế tử của Lê Thánh Tông, thuở nhỏ là học trò của Tiến sĩ Nguyễn Bảo. Lê Hiến Tông lên làm vua đã về tận làng Phương Lai, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình để thăm thầy và mừng thọ thầy. Còn có biết bao câu chuyện cảm động khác.

Hiện nay ở nước ta, ngày 20 tháng 11 hàng năm là ngày  Nhà giáo Việt Nam được tổ chức rộng khắp và vô cùng long trọng. Truyền thống "Tôn sư trọng đạo" và tình cảm "Uống nước nhớ nguồn " thấm sâu vào lòng dân tộc. Báo chí đã nêu lên bao câu chuyện cảm động về nghĩa thầy - trò.

Trên đường đi tới ngày mai tươi đẹp, mỗi chúng ta ngày một trưởng thành, tài năng ngày một nở rộ. Những hoa thơm trái ngọt, những thành quả lao động sáng tạo do trí tuệ và công sức mình làm nên, mỗi chúng ta mãi mãi ghi nhớ công ơn to lớn của mẹ cha, của thầy cô giáo đã sinh thành, nuôi dưỡng, dạy bảo chúng ta. Trọng thầy, kính yêu thầy, biết ơn thầy là bài học làm người để mỗi chúng ta khắc cốt ghi tâm.

BÀI CÙNG NHÓM