Khổng Tử (551 - 479 trước công nguyên) là một học giả, một triết gia vĩ đại cả thế giới phải ngưỡng mộ. Ông cũng là một người nổi tiếng về Hối nhân bất quyện (Dạy người không biết mệt). Xin được ít phút lạm bàn đôi điều mà Khổng Tử vẫn canh cánh suốt đời để dạy người và dạy mình - chữ Tu thân - Lập ngôn.
Đối với Khổng Tử, khái niệm Tu thân thật là sâu rộng. Từ việc gột rửa giữ gìn thân mình đúng với đạo Trung dung (Không thiên lệch, không suy đổi, yên trị được công việc, từ chối ham muốn) đến việc học hành, hiếu nghĩa, những việc nhỏ nhặt hàng ngày, thậm chí Tu thân ngay trong ý nghĩ của mình. Ông cho rằng:
"Từ thiên tử đến thứ dân, ai cũng phải lấy tu thân làm gốc. Vì gốc đã loạn, thân không thể đứng được. Chỗ đáng đầy đặn mà xử bạc bẽo, chỗ đáng xử bạc bẽo mà đầy đặn là gốc của loạn ". Đối với bản thân, "Phải biết giữ trai giới, chay tịnh, ăn mặc phải chỉnh tề. Những điều trái với Lễ chẳng thể động lòng. Biết loại bỏ điều gièm pha. Xa lánh nữ sắc. Coi của cải là hèn mọn. Coi đức hạnh là cao quý". Đối với người làm việc công: Ông đề cao chữ tín và chữ hiếu để tu thân: "Đối với người hành đạo, lời nói phải đi đôi với việc làm, việc làm phải đi đôi với lời nói, ở địa vị trên chẳng đè nén dưới, dưới chẳng vin dựa trên, giữ thân ngay thẳng, chẳng phiên luỵ, thù oán ".
Khổng Tử mở rộng chữ Tu thân: "Ham học thì gần với trí, ra sức làm việc thiện thì gần với nhân, biết hổ thẹn thì gần với dũng. Có được ba điều ấy ắt biết làm gì để tu thân vậy". Người xưa đề ra chín phép tắc để coi sóc việc thiên hạ: Tu thân, Tôn hiền, Thương người, Kính trọng đại thần, Xét công lao bề tôi. Coi dân như người nhà, Chiêu mộ các nhà công nghệ, Trọng đãi người xa tới, Bao bọc các nước chư hầu... Thì Tu thân phải đặt lên hàng đầu vì "Tu thân thì đạo được thành lập ".
Với quan niệm "Tu thân vi lập" (Tu thân thì đứng được), ông đã khái quát tầm quan trọng của việc Tu thân đối với mỗi người: ‘Từ đời xưa, người nào muốn làm sáng đức sáng của mình trong thiên hạ thì trước hết phải tề gia, muốn tề gia trước hết phải dừng ở chỗ chí thiện. Chí thiện thì lòng mới yên ổn. Lòng có yên ổn thì sau mới suy nghĩ để làm việc cho đạt mục tiêu ".
Đối với Khổng Tử, Tu thân và Lập ngôn là hai khái niệm song song vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của nhau - mà trước hết là phải học. Mồ côi cha từ lúc ba tuổi,
nhưng có chí lớn; đến năm mười lăm tuổi, Khổng Tử đã nổi tiếng về tài cao học rộng. Ông từ chối giàu sang, quyền quý để đi chu du khắp thiên hạ, học trong đời và học trong sách để phụng sự cho việc lập ngôn, ông nói: “Lập nghiệp đã khó, lập ngôn khó thay! ". Ngày nay, chúng ta gọi những nhà văn, nhà thơ, nhà báo... cũng là một trong những kẻ sĩ lập ngôn. Tư tưởng tu thân để lập ngôn của Khổng Tử là bén rễ từ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Tích cực nhập thế bền bỉ truy cầu, thanh thản mà trung dung. Với ông, "Người mà bất nhân thì văn chẳng để làm gì!". Ông còn nhấn mạnh, ,ãDù có đạt thành quả gì, kẻ sĩ không có đức hạnh cũng chỉ là tiểu nhân ". ông nhấn mạnh với người lập ngôn "Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân ". (Cái mà mình không muốn thì đừng làm cho người ta). Theo ông, làm một kẻ lập ngôn thì phải học để gánh nặng đường xa. Với ông, tắTam nhân đồng hành tất hữu ngã sư" (Ba người đi kia, ắt có một người làm thầy ta). Ông cho rằng: "Thích trí tuệ mà ít học thì hay du đãng, thích dũng khí mà ít học thì ngông cuồng, vọng động". Ông tránh xa việc ‘Văn thắng chất và chất thắng văn". Đồng thời "Người trí giá thì không thể bị mê hoặc, Không vì mấy đấu gao mà viết cho kẻ bất nhân ". Người lập ngôn "Bần hàn mà vui với đạo, ăn không cầu no, ở không cầu yên, cẩn trọng ở lời nói, giữ được đạo của mình, biết phán tỉnh ". Ông quan niệm "Việc có thể nói mà không nói là người bất dũng, việc không nên nói mà nói thì nhân không đúng chỗ". Muốn lập ngôn phải nhớ: "Ác ngôn xuất khẩu, túc vô vong tẩu " (Lời nói ác ra miệng thì chân không kịp chạy).
“Một lời có thể hung bang trị quốc được vậy", quả thật Lập ngôn khó thay!