Theo anh (chị), làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng sạch đẹp?

Sạch và đẹp từ lâu đã trở thành yêu cầu đối với một xã hội tiến bộ, văn minh. Đất nước ta đang trên con đường phát triển, hai từ sạch và đẹp cũng không còn xa lạ đối với mỗi chúng ta.

Sạch và đẹp luôn đi cùng với nhau bởi có sạch thì mới đẹp.

Sạch được định nghĩa ở nhiều cấp độ. Là không có bụi bặm rác rưởi, cáu ghét hoặc không bị hoen ố. Là không chứa chất bẩn hoặc yếu tố gầy hại do được xử lý theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh.

Đẹp cũng vậy. Đó có thể là hình thức hoặc phẩm chất đem lại sự hứng thú đặc biệt, làm cho người ta thích nhìn ngắm hoặc kính phục (như một cô gái đẹp chẳng hạn!). Đó cũng có thể là có được sự hài hòa tương xứng.

Đất nước ta đã sạch và đẹp chưa?

Chúng ta có những con đường mà nhiều quốc gia phát triển cũng phải ghen tị vì sự duyên dáng, đẹp đẽ của nó: những tán cây rợp bóng, những cánh hoa rực rỡ nhiều màu sắc như đường Nguyễn Chí Thanh, đường Liễu Giai,... Chúng ta cũng có những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng: đây Hồ Gươm nên thơ, xinh đẹp; đây bát ngát Tây Hồ vọng tiếng sâm cầm vỗ cánh, đây nữa những vịnh Hạ Long, núi Bạch Mã, thảo cầm Viên,... Đặc biệt, đã đến với Việt Nam khó ai có thể quên những tà áo dài duyên dáng giữa một thoáng sông Hương tím lững lờ...

Song, chúng ta cũng cần thừa nhận một thực tế đáng buồn: Sạch và đẹp chưa ăn sâu vào nếp nghĩ lối sống của người dân hoặc ta nghĩ về sạch và đẹp còn thiển cận, hẹp hòi.

Bằng chứng cho điều ấy là những không gian mịt mù bụi đường, khói thuốc. Là những đống rác, những vỏ kẹo, những bã cao su,... có thể bị vứt ở bất cứ nơi nào. Là những con sông chở nặng những chất thải của sinh hoạt của công nghiệp... Đó là chưa sạch.

Còn có những khu dân cư nhà cửa xây dựng tùy tiện, không theo quy hoạch, lấn chiếm đất công, che khuất những di tích lịch sử. Còn những lối ăn mặc đua đòi, không hợp hoàn cảnh (mặc váy ngắn đi chùa hay đi dép lê đến dự tiệc,... chẳng hạn!)... Đó là chưa đẹp.

Nhiều người quan niệm: chỉ cần sạch nhà mình, đẹp nhà mình là được. Vậy là họ dọn khỏi nhà những gì là không sạch và ném ra bất kỳ nơi đâu không phải nhà họ. Nhưng vô tình, họ làm sạch cái “tôi” nhưng lại làm bẩn cái “ta” chung. Không biết cái “ta” ấy cũng có phần của họ. Làm bất kỳ việc gì, người ta cũng chỉ nghĩ đến việc làm đẹp cho cá nhân. Thật ích kỷ khi nghĩ đến sự thoải mái, tự tin của riêng mình mà làm mất đi mỹ quan, giẫm lên những truyền thống của phong tục tín ngưỡng,... Chưa sạch, chưa đẹp còn bởi các cơ quan chức năng chưa thực sự vào cuộc trong việc giữ gìn, bảo vệ cái sạch, cái đẹp. Sở môi trường ở đâu khi người dân ngang nhiên vứt rác làm ô nhiễm mỗi đêm giao thừa hàng nghìn cành cây bị đốn? Người quản lý đô thị ở đâu khi những ngôi nhà trái phép vẫn mọc lên?

Chúng ta có nhiều cách để làm bản thân và môi trường sạch đẹp. Trước hết cần đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ, có cách ăn mặc hợp người hợp cảnh. Cũng cần làm vệ sinh tại nơi mình sinh sống: trong nhà, ngoài ngõ. Thời gian gần đây, nhiều khu dân cư có ngày thứ 7 vệ sinh, cứ cuối tuần cả khu làm vệ sinh nơi ở. Điều đó thực sự đã và đang phát huy tác dụng. Mô hình này nên phát huy, nhân rộng. Đã sạch rồi, chúng ta cần làm đẹp bằng cách trang trí nhà cửa, trồng cây xanh lấy bóng mát, trồng hoa lấy hương thơm. Ngôi nhà không có bóng cây thực sự đang thiếu đi điều gì rất lớn.

Ở phạm vi rộng hơn cần sự can thiệp của các cơ quan chức năng. Ở Singapo, chính quyền phạt rất nặng những hành vi xả rác ra đường phố. Nên chăng chúng ta cần học tập? Việc quy hoạch đô thị, các địa điểm công cộng cần có kế hoạch phương hướng rõ ràng. Tránh “đào lên lấp xuống”, “may vá” nham nhở như những con đường.

Sạch và đẹp là yêu cầu của văn minh và là nhu cầu của mỗi cá nhân. Vậy chúng ta cần hành động vì sự sạch đẹp của bản thân và xã hội.

BÀI CÙNG NHÓM
crossorigin="anonymous">
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.