Lịch sử văn học đã từng chứng minh văn học nghệ thuật là một vũ khí đấu tranh giai cấp có hiệu quả. Những áng văn lớn trong văn học như “Bình Ngô đại cáo” (Nguyễn Trãi), “Truyện Kiều” (Nguyễn Du), thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Đình Chiểu... đều thật sự có giá trị về tư tưởng và có tinh thần đấu tranh giai cấp mạnh mẽ. Chính vì thế mà Nguyễn Đình Chiểu đã từng viết:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà”
Nhà thơ Trần Tuấn Khải cũng xem văn chương thực sự chỉ có khí phách và linh hồn khi gắn liền với hồn thiêng đất nước:
“Đời không duyên nợ thà không sống
Văn có non sông mới có hồn”
Nhà thơ Sóng Hồng lại viết:
“Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”
Trong bức thư gửi cho anh em họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận”. Lời căn dặn của Người thể hiện rất rõ trong tập thơ “Nhật kí trong tù”.
Trong bài thơ “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi”, Người đã khẳng định:
“Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”
Đúng vậy, chất thép ở đây là tính chiến đấu, là nội dung đấu tranh xã hội của thơ ca. Tuy là mặt trận không tiếng súng, kẻ thù không trực tiếp nhưng đây lại là một mặt trận vô cùng quan trọng. Thông qua văn học nghệ thuật mà tội ác của kẻ thù bị phơi bày, lên án. Trong bài thơ “Bốn tháng rồi”, Bác đã từng viết:
“Bốn tháng cơm không no
Bốn tháng đêm thiếu ngủ
Bốn tháng áo không thay
Bốn tháng không giặt giũ”
Khi phải chịu đựng sự tra tấn của nhà tù Tưởng giới thạch đến mức “Răng rụng mất một chiếc/Tóc bạc đi ít nhiều”, Bác vẫn luôn mang trong mình một ý chí kiên định:
“Muốn lên sự nghiệp lớn
Tinh thần phải càng cao”
“Nhật kí trong tù” được coi như một cuốn phim tư liệu có sức tố cáo, phê phán mạnh mẽ đồng thời cũng khắc họa chân dung của Hồ Chí Minh - một tấm gương nghị lực phi thường, một bản lĩnh vĩ đại.
Không chỉ dừng ở đó, Nhật kí trong tù đã phanh phui một cách rõ nhất nhà tù Tưởng Giới Thạch. Trong bài thơ “Em bé trong nhà lao Tân Dương” Người đã viết:
“Oa! Oa! Oa!
Cha trốn không đi lính nước nhà
Đến nỗi thân em vừa nửa tuổi P
hải theo mẹ đến ở nhà pha”
Hay cảnh:
“Anh ở trong song sắt
Em đứng ngoài song sắt
Gần nhau trong gang tấc
Mà biển trời cách mặt”
Tấm lòng bao la yêu thương đối với nhân loại của Bác Hồ không chỉ là nỗi đau đời, tình thương dành cho mọi kiếp người, không phân biệt màu da, chủng tộc. Từ đó, Người bộc lộ sự trân trọng và niềm tin yêu con người, tin ở bản chất con ngựời.
“Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công”
Nhật kí trong tù là một tập thơ có giá trị lớn nhất, có sức hấp dẫn ở rất nhiều phương diện. Chính vì vậy, thông qua tập thơ này, Hồ Chí Minh cũng gửi gắm một phần nào đó vào vai trò của người nghệ sỹ. Trên mặt trận này, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ phải có tư chất và trách nhiệm của những chiến sĩ:
“Nhà thơ cũng phải biết xung phong”