Anh (chị) hãy giải thích nguyên lí Tảng băng trôi mà nhà văn Hê - minh - uê đưa ra

Ơ-nít Hê-minh-uê là nhà văn Mĩ để lại dấu ấn sâu sắc trong văn xuôi hiện đại phương Tây và góp phần đổi mới lối viết truyện, tiểu thuyết của nhiều thế hệ nhà văn trên thế giới. Truyện ngắn của ông được đánh giá là những tác phẩm mang phong vị độc đáo hiếm thấy. Mục đích của nhà văn là viết một áng văn xuôi đơn giản và trung thực về con người.

Dựa vào hiện tượng vật lí, khi một tảng băng trôi trên đại dương, chỉ có một phần nổi lên trên và bảy phần chìm dưới mặt nước, Hê-minh-uê nêu lên nguyên lí Tảng băng trôi. Thông qua nguyên lí này, nhà văn muốn đề cao đặc trưng mạch ngầm văn bản của tác phẩm văn chương (cũng có thể hiểu đối với nhà văn): phải tạo ra được ý tại ngôn ngoại, nói ít hiểu nhiều. Cụ thể hơn, nhà văn không được trực tiếp phát ngôn cho ý tưởng của mình mà phải xây dựng hình tượng có nhiều sức gợi để người đọc tự rút ra phần ẩn ý bên trong. Nghĩa là, nhà văn phải xây dựng những độc thoại nội tâm, những hình ảnh ẩn dụ hay các biểu tượng mang ý nghĩa tượng trưng. Nguyên lí tảng băng trôi, theo Hê-minh-uê thì chỉ thực hiện được khi nhà văn hiểu biết cặn kẽ và làm chủ được các vấn đề mà mình muốn tái hiện, rồi loại bỏ các chi tiết mà nhà văn cho là không cần thiết, chỉ giữ lại phần cốt lõi và sắp xếp thế nào đó để khi tiếp xúc với tác phẩm, người đọc vẫn hiểu được cả những gì bỏ qua, không có trong văn bản. Còn nếu nhà văn không làm được các vấn đề, bỏ qua những gì mà chính nhà văn cũng không biết thì sẽ tạo ra những lỗ hổng trong tác phẩm, người đọc không thể tái hiện lại những mảng trống đó - đấy không phải là lối viết tảng băng trôi. Như thế, điều kiện đầu tiên để tạo ra nghệ thuật tảng băng trôi trong tác phẩm là nhà văn phải nắm rõ những gì liên quan đến việc viết và nội dung cần thiết, có thể bỏ chừng nào thì bỏ, càng nhiều càng tốt. Mục đích của thao tác này là nhằm phát huy khả năng đồng sáng tạo từ phía bạn đọc vì khi tiếp xúc với văn bản, người đọc sẽ tự hình dung (hoặc sáng tạo) nội dung của những chỗ đã được lược bỏ đi. Điều này đã được chính Hê-minh-uê tâm sự: Tôi luôn cố gắng viết theo nguyên tắc “Tảng băng trôi”. Cứ bảy phần tám của nó chìm cho một phần nổi. Bất cứ điều gì bạn biết mà có thể loại bỏ thì nó chỉ làm tăng thêm sức mạnh cho tảng băng của bạn. Đó là những phần không được viết. Nhưng nếu nhà văn bỏ qua điều đó bởi vì anh ta không biết, vậy thì sẽ có một lỗ hỏng trong truyện.

Loại bỏ để tạo khoảng trống trong tác phẩm là thao tác là Hê-minh-uê thực hiện nguyên lí tảng băng trôi. Những gì xuất hiện trên bề mặt văn bản chỉ là một phần tám của tổng thể văn bản nằm trong đầu tác giả. Vì lẽ này nên ông không chỉ tạo ra cho ngôn ngữ của mình sự chọn lọc nghiêm ngặt mà còn giúp các chi tiết, hình tượng trong tác phẩm dễ quy tụ dưới những hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng.

BÀI CÙNG NHÓM