Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cảnh tay đưa

Đó là một trong những khổ thơ đặc sắc nhất của bài thơ Tiếng hát con tàu. Bài thơ bày tỏ niềm vui sướng của Chế Lan Viên khi trở về với nhân dân, đất nước như tìm thấy, phát hiện ra nguồn nuôi dưỡng cho hồn thơ, cho nghệ thuật.

Chế Lan Viên thường sáng tạo trong thơ của mình thế giới hình ảnh giàu chất suy tưởng triết lí. Đoạn thơ trên thể hiện rõ đặc điểm này. Ở phần đầu bài thơ, tác giả bộc lộ niềm trăn trở, sự tự ý thức trước lời mời gọi lên đường. Đến đây, nhân vật trữ tình thể hiện khát vọng và niềm hân hoan, vui sướng được về với nhân dân. Những hình ảnh so sánh độc đáo đã giúp tác giả bày tỏ được một cách sâu sắc khát vọng và niềm hân hoan ấy. Các hình ảnh nai - suối, cỏ - giêng hai, chim én - mùa, trẻ thơ - sữa, nôi - cánh tay đưa đều là những hình ảnh gần gũi, quen thuộc. Dùng cái mộc mạc, giản dị để khái quát về mối quan hệ giữa thơ ca, nghệ thuật với cuộc sống, với nhân dân, Chế Lan Viên đã gợi cho người đọc những liên tưởng cụ thể, sinh động để hình dung ra những vấn đề vốn mang tính triết lí, trừu tượng. Từ cách xưng hô con - nhân dân đã hàm chứa sự gắn bó thân thiết, máu thịt, đến như nai về suối cũ, cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa, trẻ thơ đói lòng gặp sữa, nôi ngừng gặp cánh tay đưa thì trong nhận thức của thi nhân, nhân dân đã là nỗi nhớ mong, nguồn sống, ngọn nguồn nuôi dưỡng không thể thiếu, nơi chở che, cưu mang cảm hứng, sức sống của nghệ thuật.

BÀI CÙNG NHÓM