Phác họa hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Việt Bắc

“Thơ Tố Hữu là thơ của một chiến sĩ cách mạng, thơ của một nhà Cách mạng làm thơ” (Xuân Diệu). Thơ ông tiếp nối truyền thống thơ ca Cách mạng đầu thế kỷ và phát triển lên thành dòng thơ trữ tình chính trị của thời đại mới. Bài thơ “Việt Bắc” là một trong những bài thơ tiêu biểu của văn học Cách mạng thời kỳ bấy giờ. Bài thơ đã trở thành một cái mốc quan trọng phản ánh được chân thực tư tưởng, tình cảm của nhân dân, có lẽ vì thế mà nó đã thật sự là một trong những bài thơ hay nhất trong sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu cũng như nền thơ hiện đại của văn học Việt Nam.

Tháng 10-1954, Tố Hữu hoàn thành bài thơ Việt Bắc, một tác phẩm gồm 150 câu viết theo thể lục bát, phát triển một cách độc đáo và sáng tạo thể thơ truyền thống của dân tộc, làm cho bài thơ đậm đà tính chất dân gian và cổ điển, đồng thời cũng rất mới mẻ trong tư tưởng và chất liệu hiện thực, trong hình ảnh, giọng thơ, nhịp điệu và ngôn ngữ.

Bài thơ “Việt Bắc” quả là ra đời rất đúng lúc. Sau chín năm kháng chiến, hoà bình được lập lại trên miền Bắc, nửa đất nước đã được tự do, cách mạng chuyển sang một giai đoạn khác, căn cứ kháng chiến được chuyển dịch từ miền núi về đồng bằng, miền xuôi, Trung ương và Chính phủ từ chiến khu Việt Bắc trở về thú đô. Bài thơ không những là nỗi nhớ, tình cảm của nhà thơ đối với quê hương cách mạng và người dân nơi đây mà còn là ân tình đối với kháng chiến, là niềm vui hân hoan với chiến thắng hiện tại và hi vọng vững chắc về tương lai tươi sáng.

Việt Bắc thấm đẫm tình cảm, đầy tình thương yêu, quí trọng, biết ơn và lạc quan của tác giả. “Việt Bắc” ngọt ngào, đằm thăm, là một bài ca tâm tình, rất tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách thơ Tố Hữu. ông đã từng tâm sự rằng ông “phải lòng” với đất nước và nhân dân mình, đã nói về đất nước và nhân dân thì cũng như nói với người đàn bà mình yêu. Và từ đó, tình yêu đã biến thành ý nghĩa và “Việt Bắc” ra đời như tiếng hát ân tình chung của những người kháng chiến, của cả dân tộc VN hào hùng trong một thời điểm rất đáng ghi nhớ.

BÀI CÙNG NHÓM