Bài thơ Đất nước là bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Đình Thi và cũng là một trong những bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại.
Trong bản hợp xướng của thơ ca Việt Nam viết về đề tài Tổ quốc, bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi là một khúc nhạc gây được ấn tượng sâu sắc và mạnh mẽ.
Thi phẩm được sáng tác trong một thời gian dài, vì vậy tác giả có điều kiện đề cập đến nhiều biểu hiện khác nhau của lòng yêu nước. Cảm hứng về đất nước của ông bắt nguồn từ mùa thu Hà Nội. Điều này cũng dễ hiểu vì mùa thu có lẽ là mùa đẹp nhất của xứ sở, còn Hà Nội là trái tim của cả nước.
Đoạn thơ bình giảng là đoạn mở đầu bài thơ thể hiện cảm xúc của tác giả về đất nước qua cảm xúc về mùa thu Hà Nội trong quá khứ. Đây là đoạn thơ được xem là hay nhất toàn bài.
Ba câu thơ mở đầu, điểm nhìn của tác giả là từ mùa thu hiện tại, mùa thu ở chiến khu Việt Bắc. Việt Bắc là căn cứ địa cách mạng, là chiến khu tự do nên nhìn bầu trời thu như trong hơn, xanh hơn. Không khí thu cũng thật dịu nhẹ và hương vị thu cũng thạt ngọt ngào với mùi hương cốm mới.
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Nguyễn Đình Thi đã đem đến một tín hiệu mới để cảm nhận mùa thu: hương cốm. Trong thơ ca cổ, tín hiệu nhận biết mùa thu thường là hình ảnh: "Sen tàn cúc lại nở hoa" hay "Ngô đồng nhất diệp lạc - Thiên hạ công tri thu" (Một lá ngô đồng rụng - Thiên hạ biết thu về). Trong thơ ca lãng mạn, các nhà thơ cảm nhận mùa thu qua dáng liễu rủ ven hồ, qua hình ảnh lá thu rơi...
Ở đây, Nguyễn Đình Thi cảm nhận mùa thu bằng hương cốm. Hương cốm ngọt ngào gợi không khí thanh bình và không khí đồng quê dân dã rất Việt Nam. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Quang Dũng nhớ tới mùi hương cốm khi nhớ về kỉ niệm với đoàn quân Tây Tiến.
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Còn Hoàng cầm khi nhớ về quê hương Kinh Bắc cũng nhớ về hương vị quê hương:
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Nguyễn Đình Thi nhớ hương cốm, là nhớ về những mùa thu xưa đầy kỉ niệm. Hương cốm như từ quá khứ vọng về vương vất đâu đây và nhà thơ đã theo nó về với Hà Nội mùa thu xa:
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Khổ thơ viết về buổi sáng mùa thu Hà Nội là đóng góp độc đáo của Nguyễn Đình Thi vào mạch thơ viết về mùa thu của thơ ca Việt Nam. Đây là khổ thơ đã nắm bắt được những nét thần thái nhất của mùa thu đô thị, phố phường Hà Nội. Những nét thần thái ấy được diễn tả bằng ngòi bút tinh tế mẫn cảm và hào hoa nên những câu thơ càng hay, càng thêm quyến rũ.
Bức tranh thu ở đây tuy chỉ hiện ra bằng một vài đường nét chắt lọc, nhưng đủ cho ta hình dung về khung cảnh phố phường Hà Nội. Hai từ "Hà Nội" đã gợi ra một không gian với những phố dài heo hút, những thềm nắng lá rơi... Mùa thu đã hiện diện trong những đường nét không gian thật hòa hợp với nhau tạo nên một bức tranh thu vừa đơn sơ vừa sống động.
Nguyễn Đình Thi đã nhận ra sự hiện diện của mùa thu bằng cảm giác rất đặc trưng cho mùa, cảm giác "chớm lạnh":
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Câu thơ khiến ta nhớ tới một cảm giác tương tự ở khung cảnh tương phản trong mùa thu của thơ Nguyễn Khuyến:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
(Thu điếu)
Tuy nhiên, chữ "lạnh lẽo" cho thấy mùa thu cũng rất rõ nét, còn chữ "chớm lạnh" cho thấy mùa thu ở đây dường như mới phảng phất trở về. Chữ "chớm" gợi cho ta thay sự bắt đầu cua mùa thu. Không những thế nó còn cho ta thấy hơi hướng đầu tiên của mùa thu, còn nguyên sự tinh khôi, e ấp, ngập ngừng. Cho nên sáng thu ở đây trong mát và có phần thanh khiết.
Ba chữ "lòng Hà Nội" cũng là một cảm nhận tinh tế. Hà Nội cảm nhận mùa thu bằng tam lòng của no. Mùa thu đang nhẹ nhàng lan tỏa, đang đưa không khí se lạnh vào từng ngõ phố để thấm vào "lòng Hà Nội". Có thể nói, câu thơ diễn tả thời điểm mùa thu vừa chạm ngõ thủ đô.
Ở câu thơ tiếp theo, cảm nhận mùa thu lan đi xa hơn, dài hơn, rộng hơn. Ai đã từng ở Hà Nội đều thấy rằng ba chữ "những phố dài" được sử dụng rất chuẩn xác. Nó diễn tả đúng cảm giác khi nhìn phố phường Hà Nội những sáng thu. Đường phố lúc này chỉ có gió và lá, những con phố chưa bao giờ dài thế, ta ngỡ như nó đang dài hơn theo tầm nhìn và theo sự lan truyền của mùa thu...
Cả khổ thơ chỉ có một âm thanh duy nhất. Âm thanh xao xác của gió và lá. Đây là cái hồn riêng của mùa thu. Âm thanh xao xác đó phá tan đi bầu không khí tĩnh lặng đang ngự trị trong khổ thơ. Qua đó, ta thấy sự tinh tế trong việc sử dụng ngôn từ của tác giả. Trong bài Tiếng thu, Lưu Trọng Lư đã viết những vần thơ về một mùa thu ở rừng:
Em không nghe rừng thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
Chúng ta chú ý tới âm thanh "xào xạc". Thực ra "xào xạc" và "xao xác" đều là một âm thanh. Có điều âm thanh "xao xác" nghe cao hơn còn "xào xạc" nghe trầm hơn. Cả hai đều diễn tả thần thái mùa thu nhưng trong bài Tiếng thu dứt khoát phải là xào xạc. Âm thanh trầm đục gợi sự âm u và huyền bí của rừng già. Còn ở bài Đất nước, mùa thu đô thị phải đi với âm thanh xao xác. Âm thanh đanh sắc gợi được tiếng lá khô lăn trên mặt đường, mặt khác nó còn gợi được nỗi xao xác của lòng người trong giờ phut chia tay. Chữ "hơi may" rất hòa nhập với không khí chung. Mùa thu mới đến, tất đều còn chưa rõ nét. "Hơi may" nói được những làn gió nhẹ mỏng, phảng phất mơ hồ rất hợp với thời điểm chớm thu.
Trong khung cảnh đó xuất hiện hình ảnh của con người, dáng điệu của con người thích hợp với không khí buồn của đoạn thơ:
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Về hai câu thơ này đã có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, đây là những chiến sĩ của trung đoàn thủ đô đang lặng lẽ rút khỏi Hà Nội sau khi đã cầm chân thực dân Pháp để trung ương, chính phủ chuyển lên Việt Bắc an toàn. Ý kiến khác lại cho rằng đây là hình ảnh người Hà Nội ra đi từ khoảng thời gian sớm hơn trước nữa. Đó chỉ đơn thuần là con người vì lí do nào đó mà phải chia tay với thủ đô yêu dấu. Ý kiến thứ nhất rõ ràng không hợp lí bởi lẽ trung đoàn thủ đô rời Hà Nội ra đi vào một đêm mùa xuân năm 1947, để lại sau lưng "khói lửa ngút trời" (lời bài hát Người Hà Nội của chính Nguyễn Đình Thi), như thế không thể đi liền với hình ảnh "Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" được. Ý kiến thứ hai hợp lí hơn, hình ảnh người ra đi vì lí tưởng lớn hiện lên trong một tư thế dứt khoát, dửng dưng với những tình cảm riêng tư "đầu không ngoảnh lại", thế nhưng lòng họ trĩu nặng một nỗi buồn vì họ còn lưu luyến với mùa thu Hà Nội. Bề ngoài họ không "Bước đi một bước giây giây lại dừng" như tráng sĩ trong Chinh phụ ngâm, nhưng trong thâm tâm, từng chiếc lá rơi đều đánh thức lòng họ những cảm xúc bâng khuâng dìu dặt.
Khổ thơ khép lại bằng một câu thơ cũng đã gây nhiều tranh cãi.
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Có người ngắt câu thơ theo nhịp 3/1/3 nói lên vẻ đẹp riêng của mùa thu, cả nắng vàng và lá vàng rơi trên thềm nắng. Cách ngằt nhịp thứ hai theo nhịp thông thường 2/2/3? Cách ngắt nhịp này giản dị hơn va thể hiện được cả sự "ngoảnh lại" của tâm trạng. Câu thơ gợi ra một vẻ đẹp của mùa thu, những chiếc lá vàng rơi nơi thềm vắng. Nó không chỉ rơi trên thềm vắng mà còn rơi trong khoảng trống tâm trạng của người ra đi. Hình ảnh lá thu rơi là một hình ảnh quen thuộc của thơ ca cổ và cả thơ mới. Đã từng có: "Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo" trong thơ thu Nguyễn Khuyến. Đã từng có: "Vèo trông lá rụng đầy sân" trong thơ thu của Tản Đà. Đã từng có: "Lá thu rơi xào xạc" trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Tuy nhiên, câu thơ: "Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" vẫn là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Đình Thi, vẫn là một câu thơ hay đầy ấn tượng về mùa thu.
Bốn câu thơ vẽ ra một bức tranh tương đối hoàn chỉnh về phố phường Thủ đô. Đường nét đơn sơ nhưng cảnh sắc lại đầy thần thái. Bức tranh trên đây là bức tranh buồn, nỗi buồn thấm thìa vào từng chi tiết. Đó là một nỗi buồn lãng mạn vừa bâng khuâng man mác lại vừa thanh lịch hào hoa. Trong nỗi buồn ấy ta thấy có một nỗi buồn tha thiết với Hà Nội, với Thủ đô. Nỗi buồn hiện ra theo một nhịp luân chuyển vừa mơ hồ vừa hiện hữu. Đúng lúc mùa thu vừa tới cũng là lúc con người cất bước ra đi. Mùa thu về trong thầm lặng và con người cũng ra đi trong thầm lặng - Một cuộc chia tay đưa tiễn không thành lời thành tiếng mà quyến luyến, bịn rịn. Nếu chúng ta nghe kĩ thì dường như nhịp điệu của câu thơ cuối cùng được chuyển hóa. Sau lưng/thềm/nắng/ lá rơi đầy. Nhịp điệu câu thơ mô tả được nhịp chân xa dần của người ra đi. Lúc lá rụng đầy thềm cũng là lúc bước chân đã đi về cuối con đường dào heo hút.
Đoạn thơ mở đầu bài thơ là một đoạn hay bởi lẽ trong đó chứa đựng cả cảnh thu và tình thu, cả hồn người và hình người, cả không gian và thời gian, cả âm thanh và màu sắc. Thành công của đoạn thơ còn ở chỗ đã khắc họa được vẻ đẹp hình ảnh người ra đi và lí tưởng, dứt khoát lên đường theo tiếng gọi của non sông nhưng vẫn gắn bó với mảnh đất quê hương mang nhiều kỉ niệm.
Đây chỉ là một đoạn trích, một khổ của bài thơ dài nhưng do sự hoàn chỉnh trọn vẹn, từ lâu, đến giờ khổ thơ vẫn sống trong tâm trí người đọc như một vài kỉ niệm riêng tư. Chỉ cần điều đó cũng đã chứng tỏ uy tín nghệ thuật của bài thơ Đất nước.