DÀN BÀI
I. Mở bài
Giới thiệu về bệnh thành tích, một căn bệnh gây nguy hại cho xã hội đang ngày càng lan rộng.
II. Thân bài
- Thành tích là gì? (là kết quả tốt đẹp đạt nhờ sự nỗ lực). Vai trò của thành tích (tác dụng tích cực).
- Bệnh thành tích là gì? (Làm việc má không quan tâm đến thực tế, không suy nghĩ về hậu quả lâu dài chỉ chăm chú đến vẻ bề ngoài, đến việc đạt được những chỉ tiêu một cách khiên cưỡng).
-Tác hại của bệnh thành tích:
+ Gây ra sự đối lập giữa hình thức và thực tế, vấn đề bản chất không được quan tâm mà chủ yếu tập trung vào “bề nổi”.
+ Là nguồn gốc của những sai trái, gian lận trong kiểm tra, đánh giá tiếp tay cho tham nhũng, quan liệu.
- Nguyên nhân của bệnh thành tích:
+ Tật xấu “con gà tức nhau tiếng gáy”, đốt cháy giai đoạn muốn có thành tích ngay.
+ Sự quản lí thiếu sát sao của các cấp lãnh đạo, hình thức trong quản lí, chỉ quan tâm đến văn bản, báo cáo.
- Giải pháp:
+ Cần chú ý đến hậu quả lâu dài, tránh “ăn xổi ở thì”.
+ Các cấp lãnh đạo phải sát sao, thực tế hơn, điều chỉnh quản lí.
III. Kết bài
Khẳng định tầm quan trọng của việc khắc phục bệnh thành tích. Đó là công việc của toàn xã hội.
BÀI LÀM
Trong thực tế, ai cũng thích, cũng mong muốn được khen ngợi, được ghi nhận, được thành danh. Có người vì thế mà nỗ lực phấn đâu để biến đổi về chất. Song đáng buồn lại có những người muốn rút ngắn con đường để bước đến vinh quang mà ăn xổi ở thì, không chăm lo cho thực tế chỉ có tô vẽ bề ngoài để được khen thưởng. Đáng buồn hơn, chúng ngày càng phổ biến và trở thành một căn bệnh xã hội. Bệnh thành tích.
Thực chất, thành tích là. kết quả được đánh giá tốt do nỗ lực mà đạt được vậy, thành tích là nhằm để biểu dương, nêu gương những kết quả thực tế tốt đẹp. Điều đó động viên sự cố gắng của người được nêu gương, thúc đẩy họ tiếp tục cố gắng. Mặt khác thành tích của người này còn là “cú hích” cho người khác cùng “chạy đua” để tiếp tục đi lên. Rõ ràng, thành tích là điều tốt đẹp và nó cũng mang lại những điều tương tự cho cuộc sống.
Tuy nhiên, khi đặt trước từ “thành tích” một chữ “bệnh” - bệnh thành tích thì vấn đề đã khác. Bởi từ “bệnh” không gợi đến điều gì tốt đẹp. “Bệnh thành tích” là thói a dua, là chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài nhằm được tuyên dương khen thưởng nhưng thực chất bên trong vấn đề không đạt mong muốn. Nói khác đi, bệnh thành tích là tên gọi của sự không phù hợp giữa hình thức rất hào nhoáng, sáng bóng, lẫy lừng nhưng bán chất thì xuống cấp, rỉ sét, cong vênh.
Bệnh thành tích đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, đục sâu lan rộng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trong giáo dục, bệnh thành tích còn được gọi là bệnh hình thức. Có những trường vì thành tích mà luôn cố gắng tập trung luyện “gà” - luyện thi học sinh giỏi, tạo mọi điều kiện đế các em có thời gian tập trung học môn mình thi nhằm đạt kết quả cao mang vinh dự cho trường. Hay trong mỗi kì thi tốt nghiệp, có những trường huy động giáo viên cùng làm với học sinh rồi ném bài cho các em. Trong các cơ quan, công ty, nhà máy,... bệnh thành tích nằm ở những bản báo cáo được mài cho nhẵn, viết cho đẹp. Trong thực tế người ta không màng đến chất lượng, chỉ chạy theo số lượng để đạt chỉ tiêu. Họ chỉ sung sướng khi nghe đến những con số 100%, 99%,... Trong kì thi tốt nghiệp THPT những năm trước, trường nào chỉ đạt 95%, 96% thì đã lo lắng căng thẳng rồi. Nhưng một hai năm trở lại đây, khi công tác kiếm tra, giám sát chặt chẽ hơn, trung bình cả nước chỉ đỗ khoảng 60% - 70%. Rõ ràng kết quả xa nhau, nó phản ánh thực tế chất lượng giáo dục trong một thời gian dài bị o bế, làm nhiễu.
Rõ ràng, bệnh thành tích sẽ để lại hậu quả vô cùng tai hại. Trước hết, nó khiến mỗi cá nhân, tổ chức không hiểu rõ về thực lực của mình, tự mãn về thành tích, không có xu hướng vận động phát triển. Bệnh thành tích do đó tiếp tục “được” duy trì, phát triển. Dần dần nó sẽ ăn sâu, đeo bám vào tư tưởng, lối sống cách thức làm việc của xã hội, làm cho chất lượng thực bị bỏ bê, xuống dốc, chỉ có cái vẻ bề ngoài là hào nhoáng, đẹp đẽ. Nó thực chẳng khác nào một trái bí đỏ bị thối rữa bên trong. Dân gian ta nhắc nhở: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” vì sơn có thể tróc nhưng gỗ không được phép mục, gỗ mục sẽ làm sụp đổ cả một hệ thống quan trọng. Nhưng bệnh thành tích đã làm đảo lộn truyền thống đạo lí ấy và mỗi hệ thống xã hội đang có nguy cơ lung lay, suy sụp vì chất gỗ bên trong đang mối mọt dần.
Bệnh thành tích gây hại cho mọi ngành nghề, lĩnh vực. Và hậu quả dễ thấy nhất, tai hại nhất thể hiện ở ngành giáo dục. Có những trường lớp, vì thành tích mà cho học sinh lên lớp hàng loạt, bất chấp kết quả thực tế. Hậu quả là hàng trăm học sinh ngồi nhầm lớp, nhầm trường. Có em đã học lớp 7 mà chưa đọc thông viết thạo. Cũng vì thành tích mà các thầy cô “cấy điểm” cho học sinh giỏi ở những môn các em không thi học sinh giỏi, giúp các em ôn luyện cho thi cử. Và hàng trăm học sinh sa vào tình cảnh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhưng trượt tốt nghiệp, trượt đại học... Học sinh là người gánh chịu hậu quả trực tiếp. Nhưng hậu quả lâu dài là tương lai đát nước phải chấp nhận sự thui chột về đạo đức, tài năng của nhiều thế hệ.
Bệnh thành tích có căn nguyên sâu xa từ một thói xấu của con người: thói ghen ăn tức ở, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Thấy cá nhân, đơn vị khác được nêu gương, cá nhân, đơn vị mình cũng muốn được như vậy. Song, thay vì tập trung nâng cao chất lượng họ lại đốt cháy giai đoạn, đánh bóng hình thức đế được tuyên dương. Nhưng công bằng mà đánh giá, bệnh cũng có nguyên nhân từ những sai lầm trong công tác quản lí tổ chức của nhiều cấp, ngành: trọng giấy tờ, hình thức, không gần gũi, sâu sát thực tế và chỉ tiêu hóa, kế hoạch hóa cao độ mọi vấn đề thi đua. Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân chỉ cốt lo sao cho bản báo cáo, cuốn sổ của mình được sạch sẽ đẹp đẽ. Rồi lo sao để chỉ tiêu kế hoạch trên giao ta “trăm phần trăm” hoàn thành. Rõ ràng, để xảy ra căn bệnh ấy lỗi thuộc về tất cả chúng ta.
Nhận rõ hậu quả của bệnh thành tích, xã hội cần đẩy mạnh công cuộc loại trừ nó. Các nhà lãnh đạo cần kiểm tra, giám sát sát sao hơn hoạt động của các tổ chức, cá nhân trực thuộc, đồng thời điều chỉnh hệ thống, cơ chế quản lí tổ chức. Các cơ quan đoàn thể vì tương lai bản thân xóa bỏ bệnh hình thức để đi vào chất lượng thực tế. Chỉ khi nào làm được điều đó, xã hội ta mới thực sự trong sạch và đi lên.