“Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời
Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai?
Non song đã chết sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài
Muốn vượt bể đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”.
Ấy là những lời Phan Bội Châu đã “Lưu biệt trước khi xuất dương” để từ giã bạn bè, đồng chí khi sang Nhật Bản tìm đường cứu nước. Lời lưu biệt ấy không chỉ làm cho chúng ta hiểu hơn quan niệm về chí nam nhi của thời trung đại mà còn mang lại cho chúng ta rất nhiều bài học về khát vọng và lý tưởng sống của bản thân trong thời đại hiện nay.
Bài thơ thể hiện tư duy mới mẻ, khát vọng của người chí sĩ cách mạng trong buổi ra tìm đường cứu nước. “Lưu biệt khi xuất dương” khẳng định chí làm trai và quyết tâm xuất dương, làm nên sự nghiệp lớn cứu nước cứu dân. Đó là sự quyết tâm cao độ và những ý tưởng mới mẻ của nhân vật trữ tình buổi đầu ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Hai câu đầu nói đến chí làm trai nói chung. Hai câu thơ khẳng định một lẽ sống đẹp. “Phải lạ” nghĩa là phải biết sống cho phi thường, hiển hách, phải dám mưu đồ những việc lớn, xoay chuyển càn khôn, chứ không sống tẻ nhạt, buông xuôi theo số phận, để cho con tạo xoay vần. Với Phan Bội Châu, đó là sự kế tiếp khát vọng sống đầy nhiệt huyết của nhân vật trữ tình trong “Chơi xuân” của Nguyễn Công Trứ:
“Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Chí làm trai nam bắc tây đông
Cho phỉ chí vẫy vùng trong bốn bể
Làm trai, đứng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi
Sinh thời thế phải xoay nên thời thế”.
Nhưng dường như nó có phần táo bạo và quyết liệt hơn. Con người dám đối diện với càn khôn để tự khảng định mình, vượt qua cái “mộng công danh” thường gắn liền với hai chữ hiếu, trung để vươn tới những lí tưởng nhân quần, xã hội rộng lớn và cao cả hơn. Khát khao có thể thay đổi sự “tự chuyển dời” của trời đấy, lý tưởng sống tiến bộ đã tạo cho con người một tư thế mới, khỏe khoắn, ngang tàng, ngạo nghễ, thách thức và có thể làm nên tất cả.
Và trong thời đại của Phan Bội Châu, lý tưởng đó được thể hiện cụ thể như thế nào? Không chỉ đối lại với càn khôn, người nam nhi còn tiếp tục khẳng định mình cùng với thời gian. Người nam nhi được đặt trong sự vô cùng của thời gian, trong sự vô tận của không gian nhưng không hề vô nghĩa. Chí làm trai đã gắn với ý thức về cái tôi, nhưng là một cái tôi công dân đầy trách nhiệm trước cuộc đời. Đi từ khẳng định dứt khoát đến giọng nghi vấn, nhưng cũng để nhằm khẳng định một cách quyết liệt hơn một khát vọng sống hiển hách, phát huy hết tài năng và chí khí, cống hiến cho đời. Ý chí, khát vọng đó tiếp tục nâng người chiến sĩ cách mạng lên một tầm cao mới, càng làm tăng đến vô cùng sức mạnh của khát vọng và niềm tin. Chí làm trai lại được gắn với thực tế của nước nhà:
“Non song đã chết, sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”
Lẽ nhục - vinh được gắn với sự tồn vong của đất nước. Không chỉ như vậy, một người từng gắn bó với cửa Khổng sân Trình lại có dám lên tiếng đối mặt với cả nền học vấn cũ để nhận thức một chân lý: sách vở thánh hiền chẳng giúp được gì trong buổi nước mất nhà tan. Tất cả xuất phát từ lòng yêu nước, từ một khát khao cháy bỏng muốn tìm ra được một con đường đúng đắn để đưa nước nhà ra khỏi cảnh khổ đau. Bài thơ kết lại trong tư thế và khát vọng lên đường của nhân vật trữ tình. Câu thơ xuất hiện những hình ảnh hết sức lớn lao: bể Đông, cánh gió, muốn trùng sóng bạc. Tất cả như đều hòa nhập vào con người trong tư thế bay lên thật lãng mạn và hào hùng, con người đuổi theo ngọn gió đài trên đại dương bao la cùng muốn ngàn sóng bạc bay lên. Bức tranh hoành tráng mà hài hòa, ở đó, con người là trung tâm, chắp cánh khát vọng hùng vĩ, vút bay cao cùng ngọn gió, ngọn sóng, lồng lộng giừa biển trời mênh mông, vút bay tới chân trời mơ ước. Hình ảnh sử thi thắp sáng niềm tin, hi vọng cho thời đại mới, thế kỉ mới.
Như vậy, với Phan Bội Châu, “làm trang nam nhi không phải bằng mọi cách để lưu danh sử sách, khẳng định cá nhân mà cá nhân ấy phải làm nên sự nghiệp phi thường, ấy là việc kinh bang tế thế, cứu dân cứu nước. Khát vọng sống cao cả của Phan Bội Châu giúp ta hiểu thêm cốt cách vĩ đại của con người kiệt xuất này” (Chu Văn Sơn). Viết dưới ảnh hưởng của quan niệm về chí nam nhi vốn đã phổ biến trong thời trung đại nhưng vượt lên trên tất cả, cái người ta cảm nhận được trên hết vẫn là lý tưởng và khát vọng chân thành từ một tấm lòng yêu nước, một trái tim đầy nhiệt huyết và khát khao cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Người ta nhận ra rằng: đó mới là cái thôi thúc Phan Bội Châu làm bài thơ lưu biệt, mới là nguyên nhân khiến cho ông vượt muôn trùng sóng bể. Nếu như đó chỉ vì chịu ảnh hưởng của quan niệm nam nhi, sự ra đi ấy tuy vẫn đáng trân trọng nhưng cũng sẽ giảm đi giá trị rất nhiều. Phan Bội Châu ra đi bởi sự thôi thúc của chí nam nhi, và cao hơn nữa là sự thôi thúc của lý tưởng và khát vọng sống thật đẹp của bản thân: khát vọng sống cống hiến cho đất nước. Và khi đó, hình ảnh Phan Bội Châu, tâm thế của người ra đi càng trở nên hùng tráng, lãng mạn, đẹp hơn bao giờ hết.
Hình ảnh người ra đi với “Muôn trùng song bạc tiễn ra khơi” mang theo bao lý tưởng, khát vọng sống và công hiến cao đẹp khiến cho chúng ta, những người trẻ tuổi hôm nay phải suy nghĩ về chính mình. Lý tưởng và khát vọng chính là những động lực cho con người sống một cách có ý nghĩa hơn, sống để có ích cho đời, sống để cống hiến cho xã hội. Một người có lý tưởng và khát vọng sống cao đẹp không chỉ mang lại cho mình một vị thế đáng được trân trọng mà còn là một người sống có ích, sống có nghĩa trong xã hội. Nếu như trước kia, lý tưởng và khát vọng sống cao đẹp giúp cho Phan Bội Châu ra đi, quyết tâm tìm ra con đường cứu nước thì ngày nay, lý tưởng đó cũng là điều rất cần thiết đối với mỗi con người đặc biệt là những người trẻ tuổi. Có lí tưởng và khát vọng, con người sẽ có thể sống một cách có ý nghĩa, biết đặt ra những mục tiêu, và thực hiện những mục tiêu đó. Khát vọng, lý tưởng nâng con người tìm đến với nhưng đỉnh cao mới, những hạnh phúc mới, tìm đến ý nghĩa đích thực của cuộc sống, vượt qua những nhàm chán, vô vị đôi khi con người hiện đại vẫn đang phải đối mặt. Trong xã hội hiên đại, lý tưởng và khát vọng càng là một điều cần thiết đối với bản thân mỗi con người. Cuộc sống hiện đại, con người phải đối mặt với biết bao vấn đề. Đó không chỉ là những thách thức, đòi hỏi của cuộc sống mới yêu cầu con người phải phấn đấu không ngừng. Đó còn là những thử thách, những trở ngại, những khó khăn mà họ gặp trong cuộc sống. Khi ấy, nếu như không có một ý chí vững vàng, lý tưởng sống đúng đắn, con người sẽ rất dễ đị chệch con đường dẫn tới chân lý và lẽ phải, dẫn tới thành công. Lý tưởng và khát vọng sống đúng đắn cũng sẽ trở thành đôi cánh nâng con người vượt ra khỏi cuộc sống tầm thường, vô nghĩa lý để sống một cách có ý nghĩa hơn. Điều này càng quan trọng và có ý nghĩa đối với những người trẻ tuổi, những người đang mới bắt đầu bước vào cuộc sống, đang cần phải cống hiến, cần phải khẳng định mình và ý nghĩa sự sống của bản thân mình với cuộc đời. Lý tưởng và khát vọng của Phan Bội Châu, khiến cho người ta phải suy nghĩ về ý nghĩa của nó đến tận ngày hôm nay.
Lý tưởng sống và khát vọng ra đi của Phan Bội Châu khiến cho người ta phải trân trọng, cảm phục. Hơn thế nữa, nó còn là một tấm gương, là bài học dành cho thế hệ sau, để chúng ta sống có lý tưởng, khát vọng, sống có ý nghĩa hớn.