I. Trong truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), cây xà nu cũng là một nhân vật khá đặc biệt. Đó là hình tượng nổi bật, xuyên suốt câu chuyện, vừa có ý nghĩa tả thực, vừa có ý nghĩa biểu tượng. Trong sự sóng đôi với hình tượng con người, cây rừng xà nu tạo nên âm hưởng trùng điệp, bi tráng của truyện ngắn giàu tính sử thi này.
II. 1. Cây xà nu là hình tượng nổi bật xuyên suốt tác phẩm
- Cây và rừng xà nu có mặt ở đoạn đầu, lại có mặt ở đoạn kết như một điệp khúc hùng tráng, trữ tình.
- Đặc biệt cây xà nu hiện diện trong suốt câu chuyện của Tnú và làng Xô-man. Từ ngàn đời xà nu đã có mặt trong cuộc sống con người. Nó hiện diện trong từng bếp lửa, trong không khí ấm áp ở nhà ưng, giữa rừng đêm, khói xà nu sơn bảng đen cho trẻ con học bài.
Xà nu còn tham dự vào những sự kiện quan trọng của cuộc sống làng Xô-man: Lửa xà nu soi đường rừng cho đàn ông Xô-man lấy giáo, mác, dụ, rựa, cho thanh niên mài vũ khí, nhựa xà nu tẩm đốt hai bàn tay Tnú, nhưng cũng lửa xà nu soi tỏ xác mười tên lính ngụy ngổn ngang trong đêm đồng khởi. Như vậy xà nu gắn với mọi sinh hoạt, thấm cả vào nếp suy nghĩ, cảm xúc con người. Nguyễn Trung Thành đã xây dựng hình tượng cây xà nu thành biểu tượng cho sức sống và phẩm chất tinh thần của dân làng Xô-man. Điều đó thật có ý nghĩa.
2. Những phẩm chất biểu tượng của cây xà nu trong sự soi chiếu với con người Xô-man
a) Cây xà nu ham ánh sáng và khí trời. Nó "phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng" cũng như Tnú và dân làng cây xà nu yêu tự do.
Nhưng cũng như dân làng Xô-man và Tnú, xà nu chịu nhiều đau thương bởi sự tàn phá của giặc"... Hàng vạn cây không cây nào không bị thương... bị chặt dứt ngang nửa thăn mình... ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề thơm ngào ngạt long lanh nắng hè gay gắt". Rồi "bầm lại, đen đặc quện thành từng cục máu lớn".
b) Xà nu có sức sống mãnh liệt không gì tàn phá nổi:
- Sức sống ấy được Nguyễn Trung Thành miêu tả: "Cạnh một cây lớn... mới ngã gục", "bốn năm cây non mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao lên bầu trời".
- Sức sống ấy cũng giống như sức sống của con người Xô-man: anh Quyết hi sinh thì có Mai, Tnú trưởng thành. Mai ngã xuống giữa tuổi xuân căng nhựa sống, Dít lại lớn nhanh không ngờ. Rồi đến bé Heng... Cứ thế hết thế hệ này tiếp nối thế hệ khác đứng lên, trở thành một đội ngũ hùng mạnh như rừng xà nu vô tận của núi rừng Tây Nguyên.
c) Cây xà nu như một chất thơ hùng tráng làm nổi bật hình ảnh con người và ngược lại.
- Nhà văn luôn đặt xà nu và con người trong sự soi chiếu lẫn nhau tạo nên một chất thơ hào hùng tráng lệ. Cụ Mết "ngực căng như một cây xà nu lớn" còn vết thương trên lưng Tnú thì "ứa ra một giọt máu đậm từ sáng đến chiều đặc quện lại, tím thẫm như nhựa xà nu". Rừng xà nu và người dân làng Xô-man là hai nhân vật tập thể sóng đôi, soi sáng bổ sung và tôn nổi nhau lên. Tuy nhiên nói hai tập thể mà thực ra cũng chỉ là một tập thể mà thôi. Hình tượng cây và rừng xà nu, với chất thơ bi tráng, hào hùng, mĩ lệ của nó không chỉ là một bức tranh thiên nhiên mà còn là một tấm phông hùng vĩ, ở đó nhà văn chạm khắc những hình tượng con người tạo nên không khí sử thi cảm hứng anh hùng ca dào dạt của truyện ngắn Rừng xà nu.
III. Như vậy, truyện ngắn miêu tả Rừng xà nu để làm nổi bật lên một "rừng người", rừng người Xô-man, rừng người Tây Nguyên.