“Cổ tích thần kỳ là những hư cấu kì ảo về hiện thực trong mơ ước”. Trình bày cách hiểu của em về ý kiến nói trên (minh hoạ bằng truyện “Chử Đồng Tử”)

Trong cuộc sống và trong văn học, có biết bao nhiêu điều trái ngược mâu thuẫn nhau. Mơ ước và hiện thực là một thí dụ điển hình. Chúng là hai khái niệm dễ có sự đối lập. Vậy mà sách Ngữ văn 10 lại định nghĩa: Cổ tích thần kì là những hư cấu kì ảo về một hiện thực trong mơ ước. Đặt hai khái niệm đối lập bao hàm trong nhau như vậy, sách Ngữ văn 10 có nói sai không? Nếu không, phải hiểu định nghĩa này như thế nào cho đúng?

Chúng ta đều biết, hiện thực là những cái tồn tại có thật xung quanh ta. Còn mơ ước là những điều không có trong hiện tại và tốt đẹp hơn hiện tại, là cái điều mà người ta vươn tới. Mơ ước tồn tại trong ý thức của con người, nó là sự hoà hợp của cái chân, thiện, mĩ. Nói hiện thực trong mơ ước, có lẽ là định nghĩa muốn phản ánh một thế giới tốt đẹp hơn hiện tại mà con người mơ ước được sống trong ấy. Song, thế giới đó không phải là cõi tiên hay một nơi xa xăm nào khác. Nó vẫn là thế giới ở trần gian, tồn tại, biến động với tất cả sự phong phú đa dạng, phức tạp của nó. Chỉ có điều, thế giới ấy được hoàn thiện hoá, lí tưởng hoá lên mà thôi. Cách nói ấy cũng khẳng định thế giới người ta đang mơ ước kia là điều có thực trong tương lai. Con người mơ ước và sẽ không ngừng đấu tranh để đạt đến. Họ không khoanh tay đứng nhìn để cho mơ ước của mình mãi mãi chỉ là điều không tưởng. Chính vì mơ ước là cái không có thực trong hiện tại nên sự phản ánh mơ ước phải là do những hư cấu kì ảo do trí tưởng tượng của con người tạo ra. Do đó, nói: Cổ tích thần kì là những hư cấu kì ảo về một hiện thực trong ?mơ ước, có nghĩa là; truyện cổ tích thần kì là sự phản ánh mơ ước của nhân dân ta về một thế giới tốt đẹp hơn trong tương lai bằng những hư cấu kì ảo. Đồng thời nó cũng phản ánh quyết tâm của người lao động, là đấu tranh cho mơ ước ấy thành hiện thực.

Trong xã hội loài người, xã hội mà con người đã, đang và sẽ sống luôn luôn tồn tại biết bao nhiêu sự phức tạp đa dạng, thậm chí cả những mâu thuẫn hết sức gay gắt nóng bỏng. Bên cạnh những điều tốt đẹp, tươi sáng vẫn còn không ít những cái xấu xa, đen tối nhởn nhơ giữa cuộc đời, đặc biệt là trong xã hội phong kiến - hoàn cảnh ra đời chủ yếu của truyện cổ tích. Mà con người ngay từ khi xuất hiện đã không ngừng vươn tới chân, thiện, mĩ. Do đó, người ta không thể chấp nhận những điều xấu xa, giả dối kia. Và không bao giờ là chuyện dễ dàng. Người ta phải xây dựng nên trong khát vọng và trí tưởng tượng của mình một thế giới khác tươi đẹp hơn. Đó cũng là một hình thức phủ nhận hiện thực đen tối.

Trong truyện Chử Đồng Tử có một bức tranh về cuộc sống bần hàn nghèo khó của người lao động. Đó chính là cuộc sống của Chử Đồng Tử. Nghèo đến nỗi hai cha con phải chung nhau một cái khố thì đủ biết cái nghèo này là ở đáy cùng xã hội, không còn có thể nghèo hơn được nữa. Song, bên cạnh bức tranh ấy lại là sự giàu sang phú quí tột đỉnh nơi cung đình. Chỉ một chuyến đi chơi của công chúa mà có bao nhiêu thuyền bè, kẻ hầu người hạ, đến nỗi khi đến khúc sông thuộc làng Chư Xá, dám thuyền làm rợp cả mặt nước. Cùng là con người đầu đen máu đỏ, cùng sống trong một xã hội như nhau, tại sao lại có sự trái ngược, bất công đến tàn nhẫn như vậy? Giai cấp thống trị phong kiến có quyền hạn gì mà đẩy cuộc sống của một con người đến hoàn cảnh cùng quẫn như thế, mà tạo nên bức tranh đối lập đau xót nhường kia, mà ngăn trở tình yêu tự do, cuộc hôn nhân tốt đẹp giữa Tiên Dung và Đồng Tử? Ngần ấy câu hỏi đã đủ phản ánh bao nhiêu bất công ngang trái trong xã hội đương thời. Nhưng nó cũng lại càng làm bùng lên khát vọng dân chủ mãnh liệt của nhân dân ta. Cuộc hôn nhân Tiên Dung - Chử Đồng Tử là một minh chứng hùng hồn. Hai con người ở tận cùng hai cực đối lập trong xã hội: một là công chúa, một là tiện dân kết hợp với nhau, yêu thương nhau và đi đến cuộc hôn nhân hoàn toàn tự nguyện, tự do, không phụ thuộc vào cha mẹ, không kể đến bức tường giai cấp dày đặc cách ngăn. Vượt ra ngoài khuôn khổ phong kiến, còn có cuộc hôn nhân nào biểu hiện mạnh mẽ hơn nữa khát vọng được bình đẳng giữa con người với con người trong xã hội. Câu chuyện còn để cho hai người gặp nhau trong hoàn cảnh rất độc đáo, đến không một manh áo trên người, bình đẳng giữa thiên nhiên và cuộc đời, và để cho Tiên Dung - người con gái ngỏ lời trước: chi tiết hết sức mạnh bạo, đánh trực tiếp vào điều cấm kị của đạo đức phong kiến: Nam nữ thụ thụ bất thân, tạo nên một nét đẹp khoẻ khoắn trong cuộc hôn nhân của hai người. Sự phản kháng mạnh mẽ những cái xấu xa trong xã hội của nhân dân còn thể hiện ở chỗ câu chuyện để cho Tiên Dung - một người thuộc tầng lớp cao nhất của xã hội phong kiến quyết định cuộc hôn nhân kia - hiện thân của khát vọng bình đẳng dân chủ của con người. Hiện thực trong mơ ước của câu chuyện, cuộc tình Tiên Dung – Chử Đồng Tử không có kết thúc bi thảm tất yếu nếu nó tồn tại có thật trong xã hội bấy giờ, mà để cho hai vợ chồng sống trong nhân dân và làm ăn thịnh vượng, sống đúng như những con người đáng sống và phải sống. Nó thể hiện giá trị nhân bản sâu sắc của câu chuyện và truyền thống nhân đạo của nhân dân ta, đồng thời nó cũng chính là hiện thực trong mơ ước của con người. Chỉ qua một câu chuyện, ta đã thấy khát vọng hướng tới cái chân, thiện, mĩ của nhân dân ta mạnh mẽ đến chừng nào và chính nó là động lực vô cùng to lớn đẩy xã hội tiến lên phía trước, qua bao nhiêu giai đoạn thăng trầm để đi tới ngày nay, tuy vẫn còn những mặt trái song đã công bằng, tốt đẹp hơn rất nhiều so với xã hội trước kia.

Lời định nghĩa về chuyện cổ tích thần kì tự thân nó cũng đã giải thích nguyên nhân sức sống lâu bền của thể loại văn học này nói riêng và văn học dân gian nói chung. Chân, thiện, mĩ là mục đích hướng tới của con người và mọi thời. Do đó, truyện cổ tích cùng với khát vọng hướng tới sự hoàn thiện thiêng liêng cao quí và truyền thống nhân bản của nhân dân ta sẽ cần thiết và mới mẻ ở mọi thời. Nó nhen nhóm, khơi dậy trong mỗi con người, mỗi thế hệ những mơ ước, khát vọng cao quý và làm cho những tình cảm ấy được nuôi dưỡng, lưu truyền, bồi đắp mãi đến các thế hệ sau này, làm cho xã hội không ngừng phát triển, một ngày một công bằng, tươi đẹp hơn.

Truyện cổ tích dùng các yếu tố hư cấu kĩ ảo để phản ánh, xây dựng mơ ước của mình. Phù trợ cho người tốt gặp điều lành, chẳng hạn như chi tiết Chử Đồng Tử được nhà sư Phật Quang truyền cho phép màu, hai vợ chồng được sống trong một toà thành lớn. Chi tiết tất cả cùng bay về trời không phải là chi tiết thoát tục, vì cuộc sống quá xấu xa mà chán ghét, muốn rời bỏ, xa cách nó. Có thể nó chỉ khẳng định những vẻ đẹp của cuộc sống, khát vọng cao quí của con người không thể cùng tồn tại với những thế lực đen tối dưới một vòm trời, vì chi tiết này được đặt trong hoàn cảnh nhà vua đem quân đến đánh hai vợ chồng Tiên Dung - Đồng Tử. Song, nó hoàn toàn không thể hiện sự bất lực, khuất phục của cái tốt và các đẹp. Hai vợ chồng có thành cao, hào sâu, có binh lính, thừa sức để chống cự. Song nếu ở lại sẽ xảy ra chiến tranh giữa cha và con. Tránh điều ấy, truyện cũng đã chọn một hướng đi có giá trị nhân đạo. Thêm nữa hiện thân của khát vọng nhân dân được thần thánh hoá càng trở nên thiêng liêng kì vĩ. Yếu tố thần linh cũng là một màu sắc đặc trưng của cổ tích thần kì.

Con người muôn tự hoàn thiện mình, xã hội muôn tiến lên thì phải luôn luôn mơ ước đến những điều tót đẹp hơn và không ngừng đấu tranh để đạt đến điều mơ ước ấy. Là những hư cấu kì ảo về một hiện thực trong mơ ước, truyện cổ tích thần kì và văn học dân gian nói rộng ra đúng là kho báu tinh thần của dân tộc, rất đáng để chúng ta tìm hiểu và trân trọng, học hỏi.

BÀI CÙNG NHÓM