Trình bày những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Ơ - nít Hê - minh - uê. Kể tên hai tác phẩm tiêu biểu của ông

Ơ-nít Hê-minh-uê (1899 - 1961) là nhà văn Mĩ nổi tiếng. Ông xuất thân trong một gia đình khá giả ở ngoại vi thành phố Chi-ca-gô. Tuổi thơ, ông chịu ảnh hưởng của người cha của mình là ưa thích thiên nhiên hoang dã: thường theo cha đi săn, đi câu cá, ... Hê-minh-uê là người có nghị lực và luôn muốn thử thách khả năng chịu đựng của con người. Sau khi tốt nghiệp Trung học (năm 18 tuổi), ông bước vào nghề phóng viên và làm phóng viên mặt trận. Đến năm 19 tuổi, ông tham gia đội lái xe cứu thương của Hội Chữ thập đỏ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất ở chiến trường I-ta-li-a với mục đích để hiểu thế nào là chiến tranh và kiểm nghiệm bản chất con người trước ranh giới sống chết ra sao. Sau một năm, Hê-minh-uê trở về Mĩ với tấm huân chương và đôi chân bị thương. Ông thất vọng về xã hội đương thời, tự nhận mình mang tâm trạng của thế hệ mất mát, không hòa nhập với cuộc sống đương thời và đi tìm bình yên trong men rượu cùng tình yêu. Hê-minh-uê từng ủng hộ cuộc chiến của người cộng sản Tây Ban Nha chống lại phe phát xít vào những năm ba mươi của thế kỉ XX. Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ông là một phóng viên tích cực đi các chiến trường ở Pháp và nhiều nước châu Âu, ông từng cùng quân Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Noóc-măng-đi (Pháp) và tiến vào giải phóng Pa-ri. Sau chiến tranh, ông sống chủ yếu ở Cu Ba. Năm 1960, ông rời Cu Ba về Mĩ chữa bệnh. Sau hai năm bị giày vò vì bệnh tật, vì không thể viết được, đến năm 1961, tại Két-chum, Ai-đô-hô, ông đã tự sát bằng một phát súng, cũng giống như nhiều thành viên khác trong gia đình như ông (chứ), cha và cả cháu gái sau này.

Hê-minh-uê thực sự nổi tiếng trên văn đàn với những tiểu thuyết như Giã từ vũ khí (1929), Chuông nguyện hồn ai (1940),... Năm 1952, tiểu thuyết ông già và biển cả ra đời đã đưa tên tuổi của ông vào hàng những nhà văn số một của thế giới. Năm 1953, ông nhận được giải Pu-lít-dơ, một giải thưởng cao quý của nước Mĩ trao tặng hằng năm cho những cá nhân và tập thể có những thành tích trong lĩnh vực báo chí và văn học nghệ thuật. Đến năm 1954, ông được nhận giải Nô-ben về văn học.

Những tác phẩm của Hê-minh-uê thấm đượm một tình yêu với những gì phiêu lưu, mạo hiểm và là lời khuyến cáo, khuyến khích chân thành đối với những ai phấn đấu cho quyền lợi của con người. Ông là một trong những người khai sinh lối viết kiệm lời, kiệm cảm xúc,... Ông đã đề ra nguyên lí sáng tác tảng băng trôi, nghĩa là người đọc tự khám phá ra phần chìm để thấy được ý nghĩa của tác phẩm. Hê-minh-uê dù viết về đề tài gì, châu Phi hay châu Mĩ thì ông đều nhăm mục đích viết một áng văn xuôi đơn giản và trung thực về con người.

BÀI CÙNG NHÓM