Sống ở đời, hầu như ai cũng có bạn. Cũng có loại bạn sớm nắng chiều mưa, có loại bạn “Khi vui thì vỗ tay vào / Đến khi họan nạn thì nào thấy ai!”. Đáng sợ nhất là loại người “lừa thầy phản bạn” mà cụ Trạng Trình đã vạch mặt:
“Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử,
Hết xôi, hết rượu, hết ông tôi!”
Nhưng bạn tốt rất nhiều: bạn đồng hương, bạn đồng học, bạn đồng khoa, bạn đồng tuế, bạn tri âm, bạn tri kỉ, bạn thủy chung, bạn chiến đấu cùng vào sinh ra tử, cùng nếm mật nằm gai...
Có được một người bạn hiền, một người bạn tốt, một người bạn thủy chung thì thật hạnh phúc biết bao! Nhân dân ta thường nói: “Giàu vì bạn, sang vì vợ”.
Nói đến tình bạn là nói đến tình thân ái. Đúng như có người đã cho rằng: “Tình thân ái là sợi dây kết chặt tình bạn thêm bền, thêm đẹp”.
Không có tình thân ái thì không thể có tình bạn. Vì có thân ái mới có tình cảm yêu mến gần gũi. Có tình thân ái mới hòa hợp, mới gắn kết hai trái tim, hai tâm hồn, lúc vui, lúc buồn đều có nhau. Có thân ái mới sẻ ngọt chia bùi với nhau, mới đồng cam cộng khổ, họan nạn có nhau: “Anh với tôi đôi người xa lạ / Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau / Súng bên súng, đầu sát bên đầu / Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ / Đồng chí!” (Chính Hữu).
Có tình bạn nào đẹp bằng tình bạn tuổi thơ thời áo trắng? Chung bàn, chung lớp, chung thầy; cùng đi học, cùng vui chơi, cùng hát ca, cùng mơ ước. Một củ lạc, một trái sâu dầm,... cùng chia đôi. Cùng đá bóng, cùng đi bơi, kéo co, vật nhau, tặng nhau một thứ đồ chơi nhân ngày sinh nhật,... làm cho tình thân ái thêm thắm thiết. Mừng vui sau khi được điểm 10, khi được thầy khen, bạn quý. Thật vô tư và yêu đời, giỏi giang và lớn lên cùng nãm tháng. Dây thân ái đã buộc chặt tình bạn tuổi thơ, lưư giữ mãi bao kỉ niệm sâu sắc thời cắp sách, mà sau này, khi ta đã trưởng thành, khi ta đã luống tuổi, dù cách xa nhau đôi phía chân trời, nhưng những kỉ niệm của ngày xưa thân ái vẫn còn làm ta rơi lệ!
Vở chèo Lưu Bỉnh - Dương Lễ không còn xa lạ với nhân dân ta từ bao đời nay, nhưng đến nay trong dịp hội xuân của xóm dưới làng trên, màn chèo nàng Châu Long - vợ Dương Lễ - cải trang đến giúp Lưu Bình ăn học, đỗ đạt... vẫn được bà con cô bác dân cày đón chào nhiệt liệt, sân đình đêm hội chèo chật ních người kéo đến xem. Qua vai chèo nàng Châu Long, ta càng thấy rõ dây thân ái thủy chung đã làm cho tình bạn giữa Lưu Bình - Dương Lễ thêm bền, thêm đẹp.
Các nhà nho thường nhắc đến tình bạn tri âm của Bá Nha - Chung Tử Kì, những người cộng sản lại hay kể chuyện tình bạn tri âm của Ăng-ghen và Mác.
Có nhiều bài thơ cảm động nói về tình bạn thủy chung của các tao nhân mặc khách. Bài thơ “Bạn đến chơi nhà'”, bài “Khóc Dương Khuê” của Nguyễn Khuyến, học trò phổ thông ai cũng đã được học. Dây thân ái của tình bạn, có khi là niềm vui vẻ, vồn vã khi bạn đến chơi nhà, có khi là hàng lệ trào ra khi được tin bạn mới qua đời:
“Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước
vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời...”
(Khóc Dương Khuê)
Tình bạn có lục lại phản ánh thói đời đen bạc. Nhiều người khi đã có chức trọng quyền cao, giàu sang phú quý thì lòng dạ trở nên “lạnh ngắt” đối với bạn cũ thuở hàn vi. Họ ngoảnh mặt, họ thoái thác, họ trốn tránh,...
Tình bạn thắm thiết, thủy chung là do dây thân ái bền, đẹp. Nhờ dây thân ái, tình thân ái mà ta biết coi bạn như anh em ruột thịt, coi bạn như thầy để học tập bạn những điều hay, điều tốt đẹp.
Ngay từ tuổi ấu thơ, tuổi học trò, mỗi chúng ta cần biết vun đắp tình bạn, giúp đỡ nhau, động viên nhau cùng vươn lên học giỏi. Với tâm hồn trong trắng hồn nhiên của tuổi học trò, ta mới biết, mới cảm nhận được một cách sâu sắc rằng: “Tình thân ái là sợi dây kết chặt tình bạn thêm bền, thêm đẹp”. Và “Bạn bè chung thủy là kho vàng quý nhất” trong cuộc đời.