YÊU CẦU
Đây là đề phân tích một hình tượng trong một tác phẩm (hình tượng con sông Đà) để làm rõ phong cách nghệ thuật của tác giả (Nguyễn Tuân). Vì vậy, hai yêu cầu phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân và hình tượng con sông Đà có mối quan hệ gắn bó, tương hỗ trong bài làm: phong cách nghệ thuật là tiền đề, mở đường cho việc tìm hiểu, phân tích hình tượng con sông Đà; và đến lượt nó, chính hình tượng con sông Đà lại làm nổi rõ phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Nội dung cơ bản của bài làm là: phân tích rõ con sông Đà là con sông vừa hung bạo vừa trữ tình để chứng minh cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: luôn nhìn sự vật bằng con mắt nghệ sĩ tài hoa, với những cảm xúc mãnh liệt, gây những ấn tượng đậm nét, hoặc đẹp tuyệt vời hoặc thật dữ dội...
BÀI LÀM
Khát khao cống hiến cho nghệ thuật, khát khao đi tìm và thể hiện những cảm giác mạnh mẽ dữ dội, cộng với chất nghệ sĩ ưa phóng túng, tự do đã thúc đẩy Nguyễn Tuân đến với sông Đà và bằng "nghệ thuật bậc thầy của ngôn từ", ông đã sáng tạo nên hình tượng con sông Đà - một trong những kiệt tác của nghệ thuật văn xuôi. Văn học Việt Nam có thêm hình tượng một dòng sông, người yêu văn chương có thêm một tác phẩm để mà yêu dấu, trân trọng. Có lẽ hình tượng con sông Đà trong "Người lái đò sông đà" là một trong những hình tượng thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
Tiếp xúc với văn chương của Nguyễn Tuân, ta bắt gặp ẩn tàng trong những trang văn là "cảm xúc mạnh, là hơi thở nồng" (Nguyễn Đăng Mạnh) của cái tôi trữ tình nghệ sĩ mang khát vọng cuồng nhiệt, muốn biến những trang văn thành những trang hoa lộng lẫy, yêu kiều vừa mê hoặc, vừa thách đố người đọc.
Sinh thời, Nguyễn Tuân rất tâm đắc với ý tưởng nghệ thuật của M. Gorki: "cái bình thường là cái chết của nghệ thuật". Ông đã từng say sưa với nhân vật của Đốt, "lúc nào cũng như là có một cơn sốt rung cả cuộc sống bên trong lên"; ông cũng đã có lúc tri kỉ với Nguyên Hồng - người "cười hô hô" rung toé cả chén rượu" (Con người Nguyên Hồng). Một người như ông, không có cái khuôn khổ vô hình nào câu thúc nổi khát vọng thiên lương, khát vọng dùng văn chương để thưởng ngoạn, thì con sông Đà ghê gớm kia - "Chúng thủy giai Đông tẩu, Đà giang độc Bắc lưu" (mọi dòng sông đều chảy về Đông, chỉ có một sông Đà theo hướng Bắc) - không thể "không xứng" với cá tính nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
Trải suốt từ trang đầu đến trang cuối tác phẩm là hình ảnh dòng sông Đà được chụp lại ở nhiều chiều, nhiều góc độ khác nhau. Qua việc tìm hiểu dòng sông, người đọc được hiểu thêm về một con người, một nghệ sĩ "suốt đời đi tìm cái thật và cái đẹp" - nhà văn Nguyễn Tuân, bởi vì hình tượng con sông vĩ đại của vùng đất Tây Bắc xa xôi là sự thể hiện khá đầy đủ phong cách hay cái nhìn cuộc sống của nhà văn. Ở đó, bạn đọc đã thấy một con người ưa sự độc đáo trong sự tài hoa - uyên bác; một cá tính mạnh mẽ luôn săn tìm những gì dữ dội, mãnh liệt; một thầy phù thủy ngôn từ, hình ảnh...
Nhắc đến Nguyễn Tuân, người đọc thường nghĩ tới một nhà văn xông xáo, luôn tìm tòi trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ những điều bất ngờ, mãnh liệt. Ông đi nhiều nơi để "tìm thực phẩm cho tâm hồn, thấy thực đơn cho các giác quan", tìm "cái say của rượu tối tân hôn". Con người ấy không bao giờ chấp nhận sự hời hợt, bằng phẳng; không thích những khuôn sáo gò bó, sự lặp lại đến nhàm chán. Chính vì thế mà trong văn chương, Nguyễn Tuân luôn tìm đến sự độc đáo, mới lạ, không bao giờ đi lại những lối mòn xưa cũ. Đó có lẽ cũng là lí do vì sao ngay từ khi cầm bút, ông đã tạo cho mình một phong cách đặc sắc. Trước cách mạng, ông khôi phục bức tranh truyền thống, làm nó sống dậy tươi mới, một phần cũng vì ông không cho mình là con người của thời đại - "cái thời đại cơ khí khiến người ta cơ khí hóa đến cả tâm hồn". Sau cách mạng, ông tìm đến dòng sông Đà một phần cũng vì đó là dòng sông duy nhất của Việt Nam chảy về hướng Bắc; vì ở đó là sự kết hợp hài hòa của sự mãnh liệt dữ dội và sự thơ mộng, mơ màng. Trong văn học Việt Nam, đã có biết bao con sông trở thành nguồn cảm hứng thi ca bất tận nhưng có lẽ chưa có một dòng sông nào như trong trang viết của Nguyễn Tuân: sống động, như cuộn trào lên sau mỗi chữ, mỗi từ. Cùng tái hiện dòng sông nhưng dòng sông trong văn chương cổ dữ dội trong thế tĩnh, còn dòng sông trong văn Nguyễn Tuân phập phồng hơi thở của một sức sống mãnh liệt. Chính quan niệm văn chương độc đáo của tác giả đã truyền cho dòng sông hơi thở ấy. Và cũng chính quan niệm văn chương độc đáo đã chi phối, quyết định rất nhiều những nét phong cách của Nguyễn Tuân sau này. Nhà văn đã có một cách nhìn cảnh vật - con người ở một góc độ mới lạ - góc độ của một tâm hồn nghệ sĩ tài hoa. Nhân vật trong tác phẩm của ông luôn được soi chiếu ở phương diện văn hóa, mĩ thuật của nó. Dòng sông Đà trong tác phẩm của Nguyễn Tuân bên cạnh vẻ dữ dội, hung bạo như "kẻ thù số một" của con người, cũng có lúc hiện lên rất bay bổng, mơ màng, có nét trữ tình của một con người nồng nàn xúc cảm. Nếu có ai hỏi tôi về đoạn văn tâm đắc nhất tôi sẽ trả lời ngay rằng đó là đoạn văn miêu tả vẻ đẹp của dòng sông hiền hòa "con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình... cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân". Đoạn văn như một khúc nhạc nhẹ nhàng êm ái, lại như một bức tranh thủy mặc mang đến cho tâm hồn người đọc những rung động tinh vi, những xúc cảm nhẹ nhàng. Bằng tất cả tài năng và tâm huyết của mình, dòng sông dữ dội đã mờ phai, chỉ còn hình ảnh của dòng nước nhẹ nhàng, cũng có những rung động yêu thương "dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Dù được tái hiện dưới góc độ thiên nhiên nhưng Nguyễn Tuân đã thổi vào dòng sông Đà những cảm xúc tinh tế của một con người nghệ sĩ tài hoa. Nó cũng biết "dịu dàng", cũng yêu thương, duyên dáng, cũng hồn nhiên, lặng lẽ... Nguyễn Tuân không chỉ nhìn dòng sông ấy như một con người, mà còn hơn thế, một con người có một tâm hồn nghệ sĩ. Chính vì vậy, Nguyễn Tuân mới coi dòng sông Đà như một "cố nhân" ("nó đằm đằm âm ấm như gặp lại cố nhân"). Trong nhiều tác phẩm, nhà văn họ Nguyễn đã thể hiện tình yêu với những con người tài hoa, những thiên nhiên mĩ lệ. Tùy bút Sông Đà là một tác phẩm như thế, là sự kết hợp của tình yêu con người và tình yêu thiên nhiên tập trung trong hình ảnh dòng sông Đà. Từ xưa đến nay, đã có ai có một tình cảm sâu sắc và thiết tha như Nguyễn Tuân, đã có ai có niềm vui "như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, như nối lại chiêm bao đứt quãng" khi trông thấy dòng sông. Đó chính là vì Nguyễn Tuân đã nhìn dòng sông như một con người, và hơn thế, một con người tài hoa, một cố nhân lâu ngày gặp lại.
Tình yêu cuộc sống, lòng ham hiểu biết về con sông, cây cầu của non sông đất nước cũng như ý thích đi lại hoạt động... đã tạo cho mỗi trang viết của Nguyễn Tuân ngồn ngộn kiến thức, thể hiện một sự hiểu biết tường tận từng chi tiết được nói tới trong văn mình. Dòng sông Đà có thể được tái hiện rất trữ tình, thơ mộng nhưng cũng có lúc khúc Đà giang vĩ đại hiện lên chính xác trong từng con số. Nguyễn Tuân thoắt trở thành nhà địa lí khi đưa ta về với thượng nguồn sông Đà ở Cảnh Đông tỉnh Vân Nam sau đó chan hòa vào sông Hồng, chảy trên đất Việt 500 cây số trong tổng chiều dài 883 nghìn thước mét, khi kể ra rất chính xác, cụ thể về "những cái thác, những cái ga nước trên sông Đà từ Vạn Yên về xuôi". Cũng có khi nhà văn trở thành một nhà điện ảnh, với những ngôn ngữ của nghệ thuật thứ 7" những thước phim màu cũng xoay tít, cái máy lia ngược contre - plongée lên cái mặt giếng mà thành giếng...". Quả thật, khi miêu tả dòng sông Đà, Nguyễn Tuân đã đứng trong vai trò của nhiều nhà khoa học: một người chuyên nghiên cứu lịch sử biết dòng sông dưới thời Pháp thuộc có một "cái tên Tây lếu láo"; một nhà chính trị khi biết "châu Quỳnh Nhai được giải phóng trước tiên ở Tây Bắc", trở thành "cơ sở bàn đạp ở Tây Bắc" xuyên vào lòng địch... Không chỉ thế, Nguyễn Tuân còn huy động những hiểu biết về những môn nghệ thuật gần gũi với văn chương như hội họa ("con sông Đà tuôn dài..."); điêu khắc ("có chỗ vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu"...). Ở những lĩnh vực rất xa văn chương, Nguyễn Tuân cũng rất hiểu biết và sử dụng rất linh hoạt qua đó tái hiện Đà giang ở nhiều góc độ khác nhau. Nguyễn Tuân đã sử dụng cả kiến thức võ thuật để dựng bày một thạch trận dòng sông; kiến thức thể thao khi miêu tả cuộc chiến đấu "các luồng sông ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác"... Nhờ những hiểu biết này, sông Đà đã hiện lên thật sinh động cụ thể, thật dữ dội cứng cỏi của võ thuật, thật bay bổng của hội họa, văn chương... Nguyễn Tuân đã vươn tới văn chương chuẩn mực: trữ tình, sâu lắng mà chính xác, khoa học... Trong quá trình làm sống dậy dòng sông Đà, Nguyễn Tuân không chỉ thể hiện mình là người hiểu biết, mà còn rất ham hiểu biết, say sưa khám phá những lĩnh vực mới mẻ của cuộc sống. Trong lịch sử văn học, có lẽ chẳng có ai đủ kì công như nhà văn đất Thăng Long khi mấy lần bay qua dòng sông Đà chỉ để hạ bút viết mấy câu: "Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà... vì mỗi độ thu về".
Tài năng và tình yêu của Nguyễn Tuân đã tạo nên dòng Đà giang như một sinh thể tài hoa - nghệ sĩ tiềm ẩn. Đó cũng chính là phong cách Nguyễn Tuân - người được mệnh danh: "Một định nghĩa về người nghệ sĩ" (Nguyễn Minh Châu).
Trước Cách mạng, người ta nói nhiều đến chữ "ngông" đối lập với xã hội của nhà văn. Sau Cách mạng, tính cách ngang tàng đó đã phát triển theo chiều hướng tích cực, trở thành một thiên hướng thể hiện những gì dữ dội, mãnh liệt, vươn tới sự tột đỉnh của ấn tượng. Nguyễn Tuân tìm đến dòng sông Tây Bắc một phần cũng vì tính chất hung bạo, mạnh mẽ của nó. Đó chính là lúc nhà văn tìm được một thiên nhiên phù hợp với tâm hồn mình, ông huy động hết tài năng, chữ nghĩa để chuyển tải cho được cái thần thái mãnh liệt của thiên nhiên. Sự dữ dội của sông Đà, của các hút nước phải là sự dữ dội đến chết người "thuyền giồng cây chuối ngược lên rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới". Tiếng nước thác phải là hợp âm của "một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa". Sóng đá hung bạo phải như trong trận chiến giáp lá cà, "hất hàm hỏi các thuyền trước khi giao chiến". Miêu tả cuộc chiến, nhà văn sử dụng nhiều hình ảnh liên tiếp, liên tiếp nhau để tái hiện hình ảnh "nước xô đá, đá xô sóng, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm". Các hình ảnh tác động vào giác quan người đọc tạo cảm giác mạnh mẽ như đang đứng giữa sóng gió ngút ngàn của dòng Đà giang hùng vĩ. Nguyễn Tuân còn yêu sông Đà vì cái màu đỏ hết mình của dòng sông mỗi độ thu về. Nhìn tổng thể bài tùy bút ta thấy sự đối lập khá rõ nét: sự hung bạo dữ dội và một vẻ đẹp tuyệt vời, lặng lẽ... Đó chính là thể hiện thiên hướng miêu tả cái tột cùng của ấn tượng trong những trang văn Nguyễn Tuân.
Với lòng yêu say tiếng mẹ đẻ, sự hiểu biết sâu sắc về sự biến đổi lung linh của từ ngữ, Nguyễn Tuân đã trở thành thầy phù thủy ngôn từ với hàng trăm phép biến hóa mà mỗi phép biến hóa có công dụng lạ lùng, mặc dù trong cuộc đời, nhà văn chỉ thừa nhận ông là "người viết văn bằng tiếng Việt" chứ không phải "nhà văn" hay bất cứ một danh hiệu cao quí nào khác. Trong tùy bút Sông Đà ông đã dùng hết tài năng, vốn từ ngữ của mình tung ra trang giấy để tái hiện sự hung bạo của dòng sông cũng như vẻ đẹp trữ tình của một "cô' nhân lâu ngày gặp lại". Với sự hiểu biết rộng rãi của mình, Nguyễn Tuân đã sử dụng từ ngữ trong nhiều lĩnh vực để tái hiện được hết tất cả những góc độ khác nhau của dòng sông. Có ngôn ngữ của điện ảnh ("Contre - plongée"); có võ thuật ("đánh khuýp quật vu hồi"); có cả từ ngữ về ô tô ("sang số nhấn ga"... Những từ ngữ này mang đặc trưng của mỗi lĩnh vực nhưng đều tập trung thể hiện dòng sông Đà. Với cách sử dụng từ ngữ như thế, nhà văn đã đưa nhiều lĩnh vực tưởng xa với văn chương trở nên gần gũi để tập trung thể hiện hình tượng văn học.
Trong tùy bút Người lái đò sông Đà ta còn gặp rất nhiều phép so sánh, liên tưởng thú vị và bất ngờ. Để diễn tả cảm giác lạnh lẽo khi ngồi trong khoang đò qua một quãng sông, Nguyễn Tuân đã "cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện". Có phép so sánh nào độc đáo và hiệu quả đến thế không? Có những khi Nguyễn Tuân đã lấy lửa để so sánh với nước "thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng". Hình ảnh so sánh cùng nhịp câu văn ngắn, dồn dập tạo cảm giác sóng gió đang cuồn cuộn dâng trào... Phép so sánh "bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích ngày xưa" tập trung thể hiện lòng trân trọng giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện lòng yêu say thiên nhiên tươi đẹp, đồng thời thể hiện một cách cảm nhận cuộc sống tươi sáng, trong ngần như pha lê của người chiến sĩ văn hóa.
Hình tượng dòng sông Đà được tái hiện trong trang văn bằng tất cả tài năng và tâm huyết của nhà văn. Dòng Đà giang vĩ đại đã cuồn cuộn, dữ dội mà hiền hòa dịu êm sau trang văn; hung bạo, mãnh liệt mà chất chứa nhớ thương. Phải chăng đó cũng là một phần con người - phong cách Nguyễn Tuân; con người ngang tàng đấy, mạnh mẽ đấy mà cũng nồng nàn tình cảm với đất nước, con người quê hương. Con sông Đà được nhìn nhận như "một cố nhân lâu ngày gặp lại" duyên dáng, thướt tha hồn nhiên, được nhà văn hiểu rất sâu sắc và chính xác; được tái hiện đầy đủ lung linh trong câu chữ thần kì. Qua hình tượng con sông, một Nguyễn Tuân đã được khẳng định chắc chắn trong lịch sử văn học như một phong cách độc đáo của một tâm hồn tài hoa uyên bác, mãnh liệt mà ngập tràn yêu thương. Văn chương bao giờ cũng là con người tác giả, thể hiện cái nhìn tác giả trong từng chi tiết, hình ảnh. Nhiều yếu tố tập hợp lại, cho người đọc làm quen với một con người nhà văn hoàn thiện.
Người đọc mãi nhớ về một dòng sông Đà trong văn học Việt Nam - dòng sông hung bạo và trữ tình, cũng như mãi kính yêu một vì sao sáng của bầu trời văn học - nhà văn - người nghệ sĩ Nguyễn Tuân.