Được sáng tác ở Huế tháng 7 năm 1938, “Từ ấy” là bài thơ có một ý nghĩa đặc biệt trong đời thơ của Tố Hữu. “Từ ấy” đánh dấu mốc thời điểm người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Kim Thành trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, trở thành người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi; đánh dấu cuộc hội ngộ vĩ đại giữa lí tưởng cộng sản, tuổi trẻ và thơ. Cuộc hội ngộ kì lạ ấy đã tạo nên chất men say đằm thắm của tình yêu với lí tưởng cách mạng và cuộc đời. Và trước hết là một niềm vui trong trẻo, tin yêu, nhân hậu, niềm vui khi bắt gặp lí tưởng: “Mặt trời chân lí chói qua tim”.
Khổ thơ đầu là khổ thơ diễn tả niềm vui sướng say mê khi gặp lí tưởng của Đảng. Hai câu thơ đầu được viết theo bút pháp tự sự, nhà thơ kể lại một kỉ niệm không quên của đời mình. “Từ ấy” là cái mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời cách mạng và đời thơ của Tố Hữu, khi đó nhà thơ mới 18 tuổi. Cánh cửa “từ ấy” trở nên kì diệu, thiêng liêng bởi nó mở ra những điều mới mẻ, lạ lẫm, bất ngờ chưa từng có trước đó. Nó trở thành thời điểm có ý nghĩa khai sinh, bước ngoặt. Và sau “Từ ấy” tất cả mọi thứ đã thay đổi, tươi sáng. “Mặt trời chân lí chói qua tim” là hình ảnh ẩn dụ gắn liền với lí tưởng cách mạng. Chân lí của cách mạng, của đảng, của chủ nghĩa Mác - Lê-nin sáng rực chói lọi, ấm áp, vĩnh viễn, cần thiết như mặt trời, đúng đắn như chân lí đến với một niềm xúc động thành kính thiêng liêng, là hình ảnh gây ấn tượng mạnh với người đọc. Mặt trời gợi lên nguồn sáng ấm nóng, rực rỡ, bất diệt, đi kèm theo nó là nắng hạ mãnh liệt dồi dào. Nhắc đến nắng hạ và mặt trời người ta thường nghĩ đến những sức mạnh có tác dụng sưởi ấm con người và tâm hồn của họ. Nếu mặt trời của đời thường toả sáng, hơi ấm và sức sống thì Đảng cũng là nguồn sáng diệu kì toả ra những tư tưởng đúng đắn, định hướng con người. Đó là một cách gọi thành kính, ân tình. Ta có thể bắt gặp hình ảnh này trong rất nhiều những bài thơ khác nữa của nhà thơ khi viết về lí tưởng. Lí tưởng cách mạng đến với nhà thơ như một nguồn ánh sáng chói loà xoá tan màn đêm tăm tối, chấm dứt những ngày tháng “không đổi nhưng mà trôi cứ trôi” của người thanh niên trí thức tiểu tư sản. Phút giây bắt gặp lí tưởng trở thành “bừng nắng hạ”, “chói qua tim”. Động từ mạnh “chói” cho thấy ảnh hưởng lớn lao của nguồn sáng chân lí mới đến với nhà thơ: ánh sáng chần lí đã xua tan sương mù trong ý thức người tư sản và mở ra trong họ những chân trời mới. Đây là một hình ảnh ẩn dụ được xây dựng từ những cảm nhận có ánh sáng của hào quang lãng mạn và nhiều mộng tưởng như nhà thơ đã từng tâm sự: “Lòng tôi vui sướng - vô cùng khi cảm thây ánh sáng chủ nghĩa Mác- Lê-nin rọi vào tâm hồn tuổi trẻ của mình. Nhưng lúc đó trong toi phảng phất quan niệm chủ nghĩa cộng sản như một lí tưởng rất đẹp, rất riêng của những con người cao thượng có phẩm chất đặc biệt đứng trên cuộc đời thấp lè tè. Chàng thanh niên như những hiệp sĩ của thời đại mới, hiên ngang giữa sóng gió, súng gươm, và nhất định sẽ chết anh hùng trên đường cách mạng. Phong khí cách mạng lôi cuốn tôi. Nó làm say lòng người”. Tuy nhiên, hình ảnh không vì thế mà mất đi ý nghĩa và vẻ đẹp. Nó mang màu sắc lãng mạn, anh hùng ca để khẳng định một điều có thật và vô cùng có ý nghĩa: sự cảm nhận của người thanh niên trẻ tuổi về cái đẹp của lí tưởng cộng sản và sự nghiệp vĩ đại của Đảng. Là tiếng reo vui khi đã tìm được chân lí, được lẽ phải của cuộc đời, phù hợp với mình, làm mình xúc động.
Châm dứt những ngày:
“Đâu những ngày xưa tôi nhớ tôi
Bâng khuâng đi kiếm, lẽ yêu đời
Vẩn vơ theo mãi dòng quanh quẩn
Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời”
Nhà thơ đến với một tương lai mới tươi sáng:
“Rồi một hôm nào tôi thấy tôi
Nhẹ nhàng như con chim cà lơi
Say đồng hương nắng vui ca hát
Trên chín tầng cao bát ngát trời”