Trình bày những nét chính trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ chân chính suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông có một vị trí quan trọng và đóng góp không nhỏ đối với văn học Việt Nam hiện đại: thúc đẩy thể tùy bút, bút kí văn học đạt tới trình độ nghệ thuật cao, làm phong phú thêm ngôn ngữ văn học dân tộc; đem đến cho nền văn xuôi hiện đại Việt Nam một phong cách tài hoa và độc đáo. Phong cách này có thể gói gọn trong một chữ ngông. Đây là thái độ phản ứng tiêu cực nhưng kiêu ngạo đối với môi trường xã hội tầm thường, phàm tục, tù túng của một trí thức tài hoa, trọng nhân cách, giàu sức sống nhưng bế tắc. Ngông thể hiện ở chỗ cố tình hành động, nói năng, viết lách một cách khác người, thậm chí ngược đời. Nhưng ngược đời mà đầy tài hoa. Kẻ ngông muốn đứng trên đỉnh cao của tài hoa và uyên bác để trêu ghẹo thiên hạ và để tỏ thái độ khinh đời. Cho nên, kẻ chơi ngông xưa nay đều là những bậc tài hoa, uyên bác và có nhân cách như Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Tản Đà,... ở Nguyễn Tuân, truyền thống ngông cổ điển ấy lại kết hợp với chủ nghĩa cá nhân tiếp nhận được từ văn hóa phương Tây hiện đại. Thể hiện phong cách này, mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đều muốn chứng tỏ sự độc đáo, tài hoa và uyên bác, mỗi nhân vật dù thuộc loại người nào cũng đều phải là những người nghệ sĩ xuất chúng trong nghề nghiệp của mình. Và mọi sự vật được miêu tả chỉ dù là cái ăn, cái uống, cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện văn hóa, mĩ thuật.

Trước Cách mạng, vì bất hòa với thực tại, không tìm thấy cái đẹp trong thực tại nên ông quay về tìm kiếm vẻ đẹp của một thời đã qua nay chỉ còn vang bóng. Thế giới nhân vật mà ông ưa thích hầu hết đều là những con người thuộc về cái thời vang bóng ấy, nếu họ còn sống trong hiện tại thì cũng bơ vơ, lạc lõng như những kẻ sinh lầm thế kỉ. Sau Cách mạng, Nguyễn Tuân không đối lập xưa với nay mà tìm thấy sự gắn bó giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Tầm mắt của ông được mở rộng hơn: cái đẹp không chỉ có trong quá khứ mà còn có thật trong cuộc sống hiện tại; còn chất tài hoa nghệ sĩ cũng không chỉ có ở trong lớp người xưa cũ mà còn có thể tìm thấy trong đại chúng nhân dân, ở những con người bình thường nhất như ông lái đò, anh bộ đội, lái xe,... ông chủ yếu khám phá thiên nhiên và sự vật ở phương diện văn hóa thẩm mĩ, khám phá con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ. Đó chính là cái nhìn mới mẻ, độc đáo, có tính chất phát hiện về con người và cuộc sống của Nguyễn Tuân, là bản chất của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Khái niệm tài hoa nghệ sĩ ở Nguyễn Tuân vừa có nghĩa hẹp vừa có nghĩa rộng. Nghĩa hẹp là những người làm nghệ thuật và say mê nghệ thuật; còn nghĩa rộng là dù làm bất cứ việc gì, nghề gì, cũng đẩy lên đến mức xuất chúng, siêu việt, trở thành một thứ nghệ thuật,...

• Nguyễn Tuân còn là một tâm hồn nghệ sĩ tha thiết yêu thiên nhiên, có những phát hiện tinh tế và độc đáo về cảnh sắc thiên nhiên, về núi sông cây cỏ trên đất nước Việt Nam. Thiên nhiên qua ngòi bút của ông hiện ra như một công trình mĩ thuật tuyệt vời của tạo hóa. Nhà văn quan niệm cái đẹp là những hiện tượng gây ấn tượng sâu đậm, đập mạnh vào giác quan người nghệ sĩ (nhân vật có cá tính khác thường, cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời hoặc gây ấn tượng mãnh liệt, dữ dội,...). Ông là nhà văn của những tính cách phi thường, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cảnh tuyệt mĩ, của gió, bão, núi cao rừng thiêng, thác ghềnh dữ dội (Nguyễn Đăng Mạnh). Văn Nguyễn Tuân thường pha chất khảo cứu, không chỉ giàu chất thẩm mĩ mà nội dung thông tin cũng phong phú, đa dạng. Nguyễn Tuân là một trong những bậc thầy của ngôn ngữ văn xuôi nghệ thuật, ông có một kho từ vựng phong phú, có khả năng tổ chức câu văn giàu giá trị tạo hình, có nhạc điệu và biết co duỗi nhịp nhàng. Văn Nguyễn Tuân vừa trang nhã, cổ kính, vừa sắc sảo, hiện đại.

BÀI CÙNG NHÓM