Đảng ta và Hồ Chủ tịch luôn quan tâm lãnh đạo văn hóa nghệ thuật. Đường lối văn nghệ của Đảng được thể hiện trong nhiều Nghị quyết, trong những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1951, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược đang diễn ra vô cùng ác liệt, trong Thư gửi anh chị em họa sĩ, Bác đã viết:
“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy".
Câu nói trên đây của Hồ Chí Minh đã thâu tóm đầy đủ bản chất xã hội và lịch sử, chức năng và nhiệm vụ của văn học nghệ thuật trong kháng chiến, đồng thời chỉ ra chỗ đứng (vai trò và vị trí) của vãn nghệ sĩ trong cách mạng và thời đại mới. Bác Hồ nói câu này khi cuộc kháng chiến đã giành được nhiều thắng lợi, nhưng còn đầy gian khổ, hi sinh, chân trời thắng lợi còn ở xa phía trước. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mang tính chất toàn dân và toàn diện sâu sắc. Toàn dân là chiến sĩ. Ta đánh giặc trên tất cả các mặt trận và phương diện: quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa nghệ thuật...
"Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận". Bác nhấn mạnh đến nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng, đến tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh trên mật trận này. Tuy không có tiếng súng, không có kẻ thù trực tiếp nhưng tính chất của nó vô cùng phức tạp và quyết liệt. Mặt trận này diễn ra trên phương diện tư tưởng tình cảm của thời đại. Văn học nghệ thuật thể hiện tư tưởng, tâm lí giai cấp, tâm hồn dân tộc, là vũ khí đấu tranh sắc bén. Trước cách mạng, nó vạch trần tội ác Pháp, Nhật và lũ tay sai bán nước, khích lệ lòng yêu nước căm thù giặc, cổ vũ nhân dân đứng lên chiến đấu giành tự do. Trong kháng chiến, nó góp phần to lớn trong sự nghiệp cách mạng, vì độc lập, tự do, vì cơm áo hòa binh của dân tộc. Khi quân xâm lược dùng mọi mưu ma chước quỷ gieo rắc tư tưởng chiến bại, chia rẽ đồng bào ta thì văn học nghệ thuật là vũ khí tuyên truyền, là bài ca yêu nước, là khúc tráng ca xung trận và chiến thắng, khích lệ sĩ khí toàn dân và toàn quân ta tiến lên: ”... Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu / Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy" ("Lên núi" - Hổ Chí Minh, 1950).
"Văn hóa nghệ thuật cũng là một mật trận" vì ở đó luôn luôn diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt, liên tục giữa cái lạc hậu và cái tiến bộ, giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa nhân dân ta và kẻ thù, giữa cái mới và cái lạc hậu. Câu nói của Bác chỉ rõ tác dụng lớn lao của văn hóa nghệ thuật. Nó là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với chiến sĩ và đồng bào.
Ngay trong "Nhật kí trong tù" (1942-1943), Bác Hồ đã từng viết:
"Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong".
Thơ ca hiện đại phải có "thép", nhà thơ phải là người chiến sĩ "biết xung phong" trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. Chất "thép" là tính chiến đấu, là nội dung cách mạng của thơ ca nói riêng, đồng thời cũng là bản chất của văn hóa nghệ thuật phục vụ công nông binh, góp phần tuyên truyền đường lối kháng chiến. Văn hóa nghệ thuật có một sức mạnh vô cùng to lớn như nhà thơ Sóng Hồng đã viết:
"Lấy bút làm đòn chuyển xoay chế độ
Mồi vần thơ: bom đạn phá cường quyền".
"Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận" không những thế, vị trí và vai trò của người nghệ sĩ chân chính rất vẻ vang: "Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Văn nghệ sĩ không thể ngồi trong tháp ngà, thoát li cuộc sống để làm nghệ thuật. Họ không thể "ngủ yên trong đời chật" để "gặm nhấm văn chương". Trái lại, họ phải là người lính, người trí thức, người nghệ sĩ của thời đại "đau nỗi đau của giống nòi, vui niềm vui của người lính". Họ tự nguyện đứng trong hàng ngũ nhân dân lấy ngòi bút và tác phẩm để phục vụ chính trị, phục vụ công nông binh, ngợi ca chiến đấu và chiến thắng của dân tộc.
"Anh chị em là chiến sĩ trân mặt trận ấy", biết bao niềm tin yêu chứa đựng trong câu nói ấy. Bác khẳng định trách nhiệm nặng nề nhưng hết sức vẻ vang của nhà văn, nhà thơ, họa sĩ... Trong thời máu lửa, câu khẩu hiệu: "Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa" đã trở thành phương châm sống và sáng tác của các văn nghệ sĩ. Các nhà văn, nhà thơ như Nam Cao, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân,... đã cùng bộ đội tham gia các chiến dịch. Có một số nhà văn, nhà thơ đã ngã xuống trên chiến trường như Trần Đăng, Nam Cao, Hoàng Lộc,... và sau này là Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Dương Thị Xuân Quý...
Nhà thơ Xuân Diệu đã viết một cách thấm thía tình cảm của người nghệ sĩ gắn trang văn câu thơ với nhịp đập của trái tim nhân dân một thời gian khổ:
... "Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi,
Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu.
Của triệu người yêu dấu gian lao"...
(Những đêm hành quân)
Vai trò công dân, tư thế chiến sĩ của người nghệ sĩ là sự thức nhận rất đẹp, được nhiều tác giả nói đến trong những năm kháng chiến:
"Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy
Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng
và hạ trực thăng rơi"
(Chế Lan Viên)
Bộ đội kéo pháo vào Điện Biên, nhạc sĩ Hoàng Vân có bài "Hò kéo pháo". Sau 55 ngày đêm dũng cảm chiến đấu, quân đội ta đã bắt sống tướng Đờ-cát lập nên chiến công Điện Biên "chấn động địa cầu" thì Tố Hữu có bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên", Đỗ Nhuận có khúc tráng ca anh hùng "Chiến thắng Điện Biên”... Qua đó, ta càng thấy rõ văn nghệ sĩ là chiến sĩ, những bài thơ, bản nhạc, bức vẽ của họ "là súng là gươm" của thời máu lửa.
Cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ của nhân dân ta đã toàn thắng. Cùng với máu xương của đồng bào, chiến sĩ, những trang thơ văn, những thước phim, bức họa, bản nhạc... của văn nghệ sĩ đã góp phần làm nên bản anh hùng ca thắng lợi.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn nghệ sĩ đã xứng đáng là người chiến sĩ trên "mặt trận văn hóa nghệ thuật". Với sứ mệnh lớn lao, nặng nề, nhưng vẻ vang họ đã góp phần xứng đáng làm đẹp, làm giàu nền văn hóa Việt Nam. Đất nước đang chuyển động đi lên phía trước, văn nghệ Việt Nam đổi mới và có nhiều khởi sắc. Câu nói nổi tiếng trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có ý nghĩa động viên văn nghệ sĩ, bồi dưỡng cái tâm và cái tài, khám phá và sáng tạo nên nhiều tác phẩm hay và tốt để phục vụ Tổ quốc, tô đẹp nền văn hiến Việt Nam.