Giới thiệu sơ lược về Lỗ Tấn và truyện ngắn Thuốc

Lỗ Tấn (1881 - 1936), tên thật là Chu Thụ Nhân, là nhà văn cách mạng nổi tiếng của Trung Quốc, ông là một nhà văn mà ngay từ những ngày đầu chọn nghề đã nghĩ đến trách nhiệm của người cầm bút. Đầu tiên ông học hàng hải, làm mỏ rồi chuyển sang học thuốc. Khi đang học nghề Y tại Nhật, một lần xem phim, ông thấy những người Trung Quốc khoẻ mạnh hăm hở đi xem người Nhật chém một người Trung Quốc làm gián điệp cho quân Nga. Ông bỗng giật mình và nhận ra rằng: chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần cho quốc dân. Ông chuyển sang làm văn từ đó.

Truyện ngắn Thuốc ra đời năm 1919, đây là thời kì đen tối của lịch sử Trung Quốc. Nhân dân an phận chịu nhục, cách mạng Tân Hợi tiến hành không đến nơi đến chốn, nhân dân vẫn u mê tăm tối, không hiểu gì về cách mạng, vẫn cho rằng làm cách mạng là làm giặc. Cả Trung Quốc lúc ấy là một con bệnh và cần một phương thuốc khẩn cấp và hiệu nghiệm. Lỗ Tấn viết Thuốc để chỉ ra căn bệnh đó của nhân dân và hướng tới một hy vọng, một phương thuốc hiệu nghiệm. Nhan đề Thuốc bao hàm những ý nghĩa đó.

Truyện thể hiện hai vấn đề nổi bật. Thứ nhất, câu chuyện tìm thuốc của vợ chồng lão Hoa và cuộc bàn luận về Hạ Du tại quán trà của lão Hoa con đường mòn ngăn cách hai khu mộ, hạ du bị chú ruột mang ra nộp cho giặc để lĩnh tiền thưởng... là những chi tiết, những cảnh thể hiện rất rõ căn bệnh của nhân dân Trung Quốc lúc đó: căn bệnh u mê tăm tối, lấy máu của đồng loại, của người cách mạng để chữa bệnh, không ai hiểu gì về cách mạng. Và chỉ ra rằng cách mạng Trung Quốc còn xa rời quần chúng. Thứ hai, người chiến sĩ cách mạng Hạ Du, vòng hoa trên mộ, không gian và thời gian câu chuyên (ba buổi sớm vào mùa thu và mùa xuân), sự cảm thông của hai người mẹ... thể hiện niềm tin và hy vọng vào cách mạng của tác giả. Câu hỏi của người mẹ Thế này là thế nào? không chỉ là trăn trở của tác giả mà còn là điều mà tác giả muốn mọi người cùng suy ngẫm.

BÀI CÙNG NHÓM