Đóng vai người hàng xóm của anh có "áo mới" em hãy kể lại truyện ngụ ngôn “Lợn cưới, áo mới" và rút ra bài học cho mình

Các cụ ta có câu: "Bán anh em xa, mua láng giềng gần". Nhưng tôi xin thề là có tặng thêm vàng bạc, châu báu thế nào tôi cũng không thể bầu bạn chứ đừng nói đến chuyện "mua" anh hàng xóm nhà tôi! Anh ta chẳng những là một anh chàng kì quặc mà còn trẻ con đến lố bịch, nhất là cái tính hay khoe của.

Hôm ấy, tôi đi chặt tre để làm đôi quang gánh. Trời vừa sáng, tôi mang dao ra rặng tre đầu làng. Vừa đến nơi đã thấy anh hàng xóm đứng ngó nghiêng ở ngã ba cạnh bờ ao. Anh ta mặc một chiếc áo mới màu nâu sậm. Chà! Lại sắp khoe rồi đây! Để tránh rắc rối, tôi phải đi đường vòng để tránh gặp. Hì hụi chặt tre rồi pha, vót..., trời đã đứng bóng mà thỉnh thoảng ngó sang, tôi vẫn thấy anh ta đứng đó ngó nghiêng. "Đen cho anh ta rồi - Tôi thầm nghĩ - Có lẽ sáng này không ai đi đâu ra khỏi làng". Mãi đến chiều mới thấy một người hớt hải chạy đến. Anh ta hỏi anh hàng xóm của tôi:

Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua không?

Tôi suýt bật cười! Trời ơi, lại thêm một anh khoe của nữa! May sao tôi nén được để chờ nghe câu trả lời của người háng xóm. Anh hàng xóm của tôi trả lời rành rọt từng tiếng một:

Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả!

Đến đây, tôi bật cười thành tiếng. Hai anh chàng hợm của quay ra nhìn tôi đỏ mặt.

Tính khoe của có thể biến con người thành những kẻ lố bịch, hợm hĩnh, trở thành đối tượng cho mọi người cười chê như vậy. Bởi thế, sống ở đời phải biết khiêm nhường. Huống chi, của cải chưa phải là điều quan trọng thể hiện giá trị con người. Từ câu chuyện về những anh chàng hay khoe của, tôi luôn tự nhủ mình như thế.

BÀI CÙNG NHÓM