Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

A. DÀN BÀI

1. Mở bài

Trong ba nhân vật của truyện ngắn Vợ nhặt, bà cụ Tứ, mẹ anh Tràng gây được nhiều thiện cảm đối với người đọc. Tấm lòng nhân hậu của bà rất đáng trân trọng và đáng quý.

2. Thân bài

- Sự ngạc nhiên đến sững sờ của bà cụ Tứ.

- Nỗi tủi thân tủi phận của bà cụ Tứ.

- Nỗi lo lắng của bà cụ Tứ.

- Niềm vui và hi vọng của bà cụ Tứ.

3. Kết bài

Kim Lân đã diễn tả tài tình tâm lí của bà cụ Tứ, một người mẹ nghèo khổ mà hiểu biết, yêu thương con hết lòng và yêu thương cả những cảnh khổ đời oái oăm, tội nghiệp bằng một tấm lòng nhân ái sâu xa.

B. BÀI LÀM

Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân viết về cuộc sống ngột ngạt, bức bối của dân ta năm 1945, với nạn đói khủng khiếp đã làm chết hơn hai triệu người - hậu quả đường lối đô hộ của thực dân Pháp mấy mươi năm và hậu quả chính sách tàn bạo “thu thóc, nhổ lúa, trồng đay” của phát xít Nhật.

Cùng như một số tác phẩm khác viết về nạn đói, ngòi bút Kim Lân chứa chan thương cảm trước những số phận lương thiện và cùng khổ. Ông không dành nhiều trang viết để mô tả kĩ hiện thực tàn khốc lúc bấy giờ mà lại chủ tâm thể hiện vẻ đẹp tinh thần ẩn giấu sau cái bề ngoài xơ xác vì đói khát của những người nghèo khổ. Trong cái cuộc sống không đáng gọi là sống ấy của họ vẫn nhen nhóm niềm tin ở cuộc sống, vẫn ánh lên những tia hi vọng vào một sự đổi đời, một tương lai tốt đẹp.

Trong ba nhân vật của truyện, bà cụ Tứ, mẹ anh Tràng gây được nhiều thiện cảm đối với người đọc. Tấm lòng nhân hậu của bà thật đáng trân trọng và đáng quý làm sao.

Lúc đầu, thấy người đàn bà xa lạ ngồi ở đầu giường con mình, bà ngạc nhiên lắm. Được chào bằng “u”, bà lại càng không hiểu gì. Bà cố nhìn cho kĩ mà vẫn không nhận ra chị ta là ai. Bà phân vân, đoán định... Mãi đến lúc Tràng bảo: “Kìa, nhà tôi nó chào u.” thì bà mới vỡ lẽ. “Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp con mình..”. Ra thế! Thằng con mình nó đã có vợ.

Bà tủi thân tủi phận làm cha mẹ mà không tròn bổn phận với con cái. Trăm sự cũng tại cái nghèo mà ra cả: “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt...”.

Bà lo lắng thực sự: “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”.

Nhưng rồi ngẫm đến thân phận nghèo đói của mẹ con mình, bà lại tự an ủi: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình, mà con mình mới có vợ được...” Nghĩ thế nên bà vui lòng chấp nhận nàng dâu mới. Bà cư xử với chị dịu dàng, âu yếm, gọi chị là “con”, xưng “u”, và “bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là dâu con trong nhà rồi...”.

Với bổn phận một người mẹ, bà ao ước có được “dăm ba mâm”, trước cúng tổ tiên, ông bà, sau trình làng, trình xóm. Nhưng ao ước ấy không thể thực hiện được vì bà nghèo quá. Bà rất biết trước biết sau, song “cái khó nó bó cái khôn”, bà đành chịu. Bà chỉ biết nói với các con những lời khuyên nhủ chân tình: “Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá!”.

Con trai có được vợ, bà lão mừng lắm: “Bà nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo, u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa..”. Bà không vui sao được khi con trai bà đã thành gia thất. Bà cũng vơi đi được một mối lo bấy lâu nay cứ canh cánh bên lòng. Trong bữa ăn đầu tiên của ba mẹ con, dẫu chỉ có cháo loãng với muối nhưng “Bà toàn nói chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này”.

Ở người đàn bà già nua, nghèo khổ này chứa đựng những nét đạo lí cổ truyền. Bà cố gắng xua đi cái ám ảnh đen tối đáng sợ của thực tại, nhen nhóm niềm tin, niềm vui sống cho các con. Trong thân hình khẳng khiu, tàn tạ vì đói ấy vẫn nung nấu cho một ý chí sống mãnh liệt.

Bà lão đãi nàng dâu món ăn đặc biệt mà bà gọi là “chè”, nấu bằng cám. Bà khen “ngon đáo để”, bà an ủi, động viên so sánh “xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy”. Chao ôi là khổ! Phải đói đến mức nào thì mới ăn cám thấy ngon? Cuộc sống khắc nghiệt đày đọa con người, bắt họ phải sống cuộc sống của loài vật, song nó không thể dập tắt được phần người, rất người trong bà mẹ khốn khổ kia. Bà cố đổi buồn thành vui, “tươi cười, đon đả” cho bữa cơm đỡ phần thê thảm, còn tác giả và chúng ta thì khóc. Khóc vì thương, vì quý tấm chân tình của bà.

Cái tài của tác giả là cứ nhẹ nhàng như không mà luồn lách ngòi bút động đến nơi sâu thẳm của hồn người, bắt người ta phải cười, phải khóc, phải sống cùng với nhân vật của mình. Kim Lân đã diễn tả tài tình tâm lí của bà cụ Tứ, một người mẹ nghèo khổ mà hiểu biết, yêu thương con hết lòng và yêu thương cả những cảnh khổ đời oái oăm, tội nghiệp bằng một tấm lòng nhân ái sâu xa.

BÀI CÙNG NHÓM