Khác với bút pháp Tụng giá hoàn kinh thư của Trần Quang Khải xác thực, cách nêu sự kiện giản dị, trực tiếp, ở bài Thuật hoài, của Phạm Ngũ Lão lại dùng thủ pháp nghệ thuật hoành tráng để diễn tả. Ở đây nỗi lòng của tác giả đã được bày tỏ qua các hình thái kì vĩ:
- Con người kì vĩ: Tư thế hiên ngang, tầm vóc vũ trụ: ngọn giáo non sông; khí thế hùng dũng, đanh vẻ dữ tợn: ba quân hùm gấu, khí thế nuốt sao Ngưu: tình cảm mạnh liệt, tha thiết vươn tới tầm cao của con người khổng lồ trong lịch sử: nam nhi chưa trả xong nợ công danh, luống thẹn nghe người đời kể chuyện Vũ Hầu (Gia Cát Lượng).
- Không gian kì vĩ: Khung cảnh nam nhi xuất hiện là không gian rộng lớn: Non sông, ảnh hưởng hành động của họ là trong khoảng đất trời, đến tận sao Ngưu cao thẳm: hùng khí nuốt sao Ngưu.
- Thời gian kì vĩ: một mặt độ dài được tính bằng đơn vị thời gian xác thực: cáp kỉ thu (vừa mấy năm) và mặt khác độ dài được xác định bằng việc hoàn thành một ước nguyện, một mục tiêu lí tưởng: khi nào trả xong nợ công danh.
Thời đại Lí – Trần đã sản sinh ra những nhân vật kì vĩ. Thuật hoài là nỗi lòng lí tưởng của trai thời loạn. Bằng tất cả tâm huyết, chàng trai - nam nhi - Phạm Ngũ Lão chỉ nhằm đạt tới mục đích: trả xong nợ công đanh. Và thời ấy công danh chính là biểu hiện của việc nam tử đã hoàn thành nghĩa vụ với non sông, nghĩa vụ cứu nước. Thuật Hoài chỉ là lời tỏ lòng của riêng Phạm Ngũ Lão, xong trong bài thơ không có một đại từ nhân xưng nào những từ chỉ chủ thể chỉ là danh từ chung: nam nhi, tam quân tì hổ. Vì vậy bài thơ bày tỏ được hoài bão riêng của tác giả đồng thời cũng như một lời triết lí, khẳng định xu hướng chung, tất yếu của thời đại. Điều này có thể được chứng minh bằng những sự kiện lịch sử. Đó là hai chữ Sát Thát (giết giặc Thát) được thích trên tay quân lính; đó là tám chữ được thích ở ngực, bụng những người đàn ông dân quê mà một sứ giả nhà Nguyên sang Việt Nam năm 1293 đã tận mắt thấy và ghi chép vào tập kí sự của ông: Nghĩa dĩ quyên khu, hình vu báo quốc (vì nghĩa quên thân, thể hiện ở việc báo ơn nước).
Thuật hoài là lời bày tỏ với bè bạn, với hậu thế và trước hết là tự nói với mình về ý thức trách nhiệm đốì với Tổ quốc của tác giả. Qua đó là tình cảm, ý chí, khí phách người anh hùng thời Lí - Trần - những người đã làm sáng danh đất nước một thời. Đương nhiên chủ nghĩa anh hùng thời Phạm Ngũ Lão là chủ nghĩa anh hùng thời phong kiến, chắc chắn, cũng như bất cứ thời đại nào khác, nó có những mặt hạn chế của nó. Song có một điều cũng rất chắc chắn, đó là ở bài thơ này của Phạm Ngũ Lão không thấy bóng dáng những điều mà nhà nghiên cứu Nguyễn Sĩ cẩn đã nêu nhằm tự đề cao cá nhân, hoặc ban ơn cho quần chúng.